Lễ Vu lan đặc biệt mùa Covid ở nhiều nước châu Á: Nơi tình người ở lại…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng năm, vào ngày 15 tháng bảy âm lịch, người dân nhiều nơi trên đất nước Indonesia đều tổ chức Lễ Sembahuang Cioko (tên tiếng Indonesia của Lễ Vu lan) để cầu nguyện cho những người đã khuất. Bởi họ tin rằng đây là thời điểm cánh cửa sang thế giới bên kia mở ra, các linh hồn có thể đi lại tự do trên thế giới loài người.
Hàng ngàn chiếc đèn mang lời cầu nguyện của người dân Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây) trên sông Zijang.
Hàng ngàn chiếc đèn mang lời cầu nguyện của người dân Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây) trên sông Zijang.

Đây không chỉ là thời điểm để bày tỏ lòng thành kính với vong linh tổ tiên mà còn cả với những linh hồn lang thang, vất vưởng, không ai chăm sóc. Các lễ vật cúng bái phổ độ chúng sinh thường bao gồm mì indomie, gạo, sữa, trái cây,…, tiền giấy và các vật dụng khác bằng giấy. Cũng trong Lễ Cioko, người ta cũng làm nhiều việc thiện nguyện, cứu trợ người nghèo, người khó khăn để thể hiện tấm lòng nhân ái.

Truyền thống này đã diễn ra trong một thời gian dài, tuy nhiên đại dịch đã thay đổi mọi thứ, truyền thống này cũng không thể được tổ chức theo cách cũ. Dù vậy, tinh thần bác ái, hướng thiện để cầu siêu cho những linh hồn khó khăn và để tri ân công ơn của những người đã ra đi vẫn được gìn giữ.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, rất nhiều người đã ra đi, thậm chí có nhiều người đã chết mà chẳng có ai ghi danh và ghi nhớ, rất nhiều người đã và đang gặp khó khăn. Vì vậy, tại thời điểm âm dương hòa quyện, người ta tin rằng cầu nguyện, chúc phúc và thành kính là cách để dịu những linh hồn, mất mát, đau thương, cả về mặt tâm linh và mặt trần thế.

Người dân Bogor bó gạo để cứu trợ người khó khăn.

Người dân Bogor bó gạo để cứu trợ người khó khăn.

Không còn tranh giành, chỉ còn cảm thông

Theo tờ Kompass của Indonesia, mọi năm Lễ Cioko thường được tổ chức cầu kỳ, thậm chí có thể nói là “cực kỳ náo động” với sự tham gia đông đảo của quần chúng, phật tử bất kể sắc tộc. Ví dụ, tại thành phố Tangerang, tỉnh Banten, năm 2018, ngay từ sáng các phật tử đã chuẩn bị bàn cùng đầy ắp các loại thực phẩm, cùng thu hoạch những bức ảnh về những người chết bị vất vưởng, bỏ rơi.

Họ cũng dựng tạm một bức tượng quỷ vương “Boen Tai Soe” cao khoảng 9 mét và mô hình một con tàu lớn chứa những tờ giấy cầu nguyện và ảnh của những người đã chết. Sau khi các nhà sư đọc lời khấn, hàng trăm phật tử và cư dân địa phương quy tụ tại buổi lễ này chứng kiến khoảnh khắc con tàu và bức tượng bùng lên trong đám cháy.

Ý nghĩa chung của việc đốt những tờ giấy cầu nguyện và cúng bái hiện vật là cách người sống bày tỏ sự xoa dịu và chúc phúc đến những người đã khuất, để họ có thể thanh thản đi đến một thiên đường hạnh phúc. Đáng nói, sau những buổi lễ như thế này là cảnh tán lộc cho dân chúng và thường xảy ra nhiều cuộc tranh giành, thậm chí đánh nhau, để lấy thức ăn. Do vậy, cảnh sát và lực lượng cứu hỏa luôn phải túc trực để ngăn chặn nguy cơ hỏa hoạn và mất an ninh trật tự.

Nói về năm nay, hầu hết các thành phố, trong đó có thành phố Bogor thuộc tỉnh Jawa Barat, cộng đồng người gốc Hoa ở đây năm nay đã đơn giản hoá những hoạt động cúng bái, cầu nguyện đông người bằng việc đóng gói gạo cứu trợ gửi tới những người đang gặp khó khăn bởi COVID-19. Được biết, hoạt động phân phát gạo diễn ra hàng năm, người dân phải đến tận nơi xếp hàng để nhận gạo; nhưng năm nay các nghi lễ Cioko tại Bogor được tối giản hoá để đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Cũng theo tờ Kompass, đến giữa tháng 8, cộng đồng này đã thu gom được hơn 40 tấn gạo, đóng thành 10.000 túi gạo để chuyển tới tận tay những người dân đang gặp khó khăn về kinh tế, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, bị cách ly tại nhà trong thời gian dài.

Frankie Sibbald – Phó Chủ tịch Quỹ Vihara Dhanagun Bogor cho biết: “COVID-19 đã thay đổi rất nhiều thứ, ví như tục lệ náo loạn để tranh giành thức ăn, nhu yếu phẩm sau mỗi buổi cầu nguyện. Năm nay, kể cả có phân phát thực phẩm cứu trợ, người dân cũng phải xếp hàng dài, thực hiện giãn cách và chờ đợi đến lượt. Bên cạnh đó, chúng tôi để người dân đăng ký qua hệ thống trực tuyến để quản lý online đồ cứu trợ đến tận tay người dân”.

Ở một địa điểm khác, chùa Po Am Thian, thành phố Pekalongan thuộc tỉnh Jawa Tengah hàng năm đều tổ chức các nghi lễ cầu siêu cho các linh hồn vào dịp Lễ Cioko. Vậy nhưng, theo tờ Detik của Indonesia, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ năm 2020, các nghi lễ vẫn được tiến hành đơn giản nhưng không có sự tham gia của nhiều người dân. Các loại nhu yếu phẩm cũng không được phân phát cho công chúng như trước đây mà được gửi tới các trại trẻ mồ côi.

Heru Wibantoro Nugroho - Chủ tịch của Quỹ Tri Darma Klenteng Po An Thian, cho biết: “Hàng năm, đều có một buổi cầu nguyện được tổ chức cho linh hồn lang thang, vất vưởng để họ không quấy phá người sống. Bằng việc bày tỏ lòng thành kính và nhân ái, những người đã chết, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo hay địa vị, giai cấp, đều được chăm sóc theo một cách nào đó về mặt tâm linh”. Ông cho biết, việc đốt tiền giấy, quần áo, dép, đồ trang sức, xe máy,… bằng giấy là một nghi thức quan trọng. Cũng giống như cách chúng ta gửi đồ cứu trợ đến những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ; những linh hồn cơ nhỡ ở Pekalongan cũng có thể cần những điều đó.

Những lời cầu nguyện, cầu siêu không chỉ dành cho các linh hồn tổ tiên mà còn để làm dịu bớt sự đau thương của những người đã khuất và cả những người còn đang sống. Có rất nhiều lý do dẫn đến cái chết của con người như tai nạn, tự tử, bệnh tật, tuổi già… Có rất nhiều đau thương, mất mát kể từ khi đại dịch xảy ra, có nhiều người đã mất đi ông, bà, cha, mẹ, con cái, người thân yêu, bạn bè, đồng nghiệp,… Do vậy, người dân Indonesia tin rằng, cầu nguyện, tưởng nhớ, tri ân và làm điều thiện là cách họ có thể nuôi dưỡng sự tích cực về mặt tâm linh và mặt vật chất, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn.

Nghi lễ cúng bái, đốt tiền giấy để xoa dịu các linh hồn ở chùa Po Am Thian.

Nghi lễ cúng bái, đốt tiền giấy để xoa dịu các linh hồn ở chùa Po Am Thian.

Không chỉ báo hiếu, còn là sự bác ái

Lễ Vu lan được tổ chức ở một số quốc gia châu Á với nhiều cái tên khác nhau, nhiều nghi lễ, phong tục khác nhau, ở những thời điểm khác nhau. Ở Nhật Bản, “Ochugen” hay “Obon”, tuỳ thuộc vào từng khu vực mà ngày lễ này rơi vào ngày 15 tháng bảy hoặc tháng tám âm lịch. Đây cũng là dịp người dân Nhật Bản đặt những bó hoa tri ân bên cạnh mộ của những người thân đã khuất, hoặc gửi những món quà tri ân tới những người đã có ơn với mình. Thái Lan và Campuchia đều có các phiên bản lễ hội riêng để bày tỏ sự thành kính với thế giới linh hồn.

Các buổi biểu diễn hoà nhạc trên đường phố là đặc điểm nổi bật của “Lễ hội Ma” (Hungry Ghost Festival) ở Singapore và Malaysia. Những buổi hòa nhạc trực tiếp đó thường được biết đến với cái tên Getai bằng tiếng Quan Thoại hoặc Koh-tai bằng tiếng Phúc Kiến, do các nhóm ca sĩ, vũ công, nghệ sĩ giải trí và đoàn opera hoặc múa rối biểu diễn, trên một sân khấu tạm thời được dựng trong một khu dân cư. Hoạt động này được tài trợ bởi cộng đồng người dân của mỗi địa phương. Theo truyền thống, hàng ghế đầu được để trống cho những vị khách đặc biệt - những hồn ma. Nếu ai ngồi trên hàng ghế đầu màu đỏ sẽ bị ốm hoặc gặp vận xui xẻo.

Không chỉ các buổi biểu diễn đường phố, có nhiều phong tục đầy màu sắc trong nghi lễ Vu lan nhiều nước. Đơn cử, tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), vào dịp lễ Vu lan hàng năm, hàng chục ngàn người dân tộc Choang nơi này sẽ thả đèn trôi dọc con sông Zijiang không chỉ để cầu nguyện cho người đã khuất mà còn cầu mong những điều tốt đẹp, mưa thuận gió hoà.

Tựu trung lại, bất kể một số khác biệt về nguồn gốc hay nghi lễ tổ chức, Lễ Vu lan trong quan niệm người dân nhiều nước châu Á đều hướng về lòng hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên và lòng bác ái để biết cảm thông, chia với nỗi khổ chúng sinh – hai đức tính được cho là quan trọng bậc nhất trong văn hoá Á Đông.

Đọc thêm