Lên kế hoạch phủ sóng mạng ống dẫn gas khắp các đô thị

 PV GAS đang nghiên cứu lắp đặt đường ống cho các đô thị lớn, đến năm 2015 sẽ đạt 30% mạng lưới ống theo quy hoạch  và đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống cung cấp gas cho từng hộ dân tại các thành phố.

PV GAS đang nghiên cứu lắp đặt đường ống cho các đô thị lớn, đến năm 2015 sẽ đạt 30% mạng lưới ống theo quy hoạch  và đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống cung cấp gas cho từng hộ dân tại các thành phố.

Đề nghị tăng giá khí

Ngày 8/7, tại TP.Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam  (PVN) đã tổ chức hội nghị bàn về tầm nhìn chiến lược trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, đã được Thủ tướng phê duyệt  với mục tiêu sản lượng khí cung cấp đạt 15 tỷ m3 khí vào năm 2015.

Ông Phùng  Đình Thực - Tổng giám đốc PVN cho biết, 3 hệ thống đường dẫn khí hiện tại đang cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất ra 36 tỷ kwh điện/năm (tương ứng 40% tổng sản lượng điện quốc gia), gần 800.000 tấn đạm/năm (tương ứng 30% tổng sản lượng đạm cả nước), 100 000 tấn xăng/năm (tương ứng 5% sản lượng xăng sản xuất trong nước) và cung cấp khoảng 250.000 tấn LPG/năm (đáp ứng gần 30% nhu cầu về LPG toàn quốc).

Tính đến hết năm 2010, ngành công nghiệp khí Việt Nam cơ bản đã đạt được mục tiêu về sản lượng một năm là 10 tỷ m3 khí. “Trong những năm tới, ngành công nghiệp khí sẽ phát triển theo hướng tăng tốc, đột phá, đảm bảm an toàn, hiệu quả, an ninh năng lượng cho đất nước. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ ngành công nghiệp khí là 18-20%, đưa nền công nghiệp khí trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong nền kinh tế đất nước” - ông Thực khẳng định.

 

Ông Nguyễn Trung Dân, đại diện PV GAS cho biết, năm 2010, PV GAS đã cung cấp 9 tỷ m3 khí cho ngành điện, đạm; cung cấp 1 triệu tấn LPG  cho thị trường trong và ngoài nước; cung cấp cho PVOiL và khách hàng khác 260.000 tấn condensade; đạt doanh thu 2,5 tỷ USD, gấp 10 lần so với năm 2000, chiếm 2,5% GDP Việt Nam. Đặc biệt nhờ công nghiệp khí, PV GAV đã tiết kiệm cho ngành điện gần 10 tỷ USD khi sử dụng khí thay dầu DO. Giá trị nguồn tài nguyên khí mang lại cho kinh tế đất nước là rất lớn, tuy nhiên, do giá khí Việt Nam chỉ bằng 25-50% giá khí của thế giới, vì thế giá trị thương mại vẫn thấp. Cụ thể giá khí thế giới và giá khí nhập khẩu từ Châu Á vào khoảng 12-15 USD/MMBTU(một triệu đơn vị nhiệt trị Anh) trong khi giá khí Việt Nam bán cho ngành điện, đạm chỉ 4-8 USD/MMBTU. 

Với tốc độ tăng 4%/năm, giá khí trong nước sẽ khó tiếp cận với giá khí thế giới, điều này dẫn đến khó khăn cho công tác nhập khẩu khí, công tác thăm dò, khai thác và phát triển các mỏ khí nhỏ, xa bờ. Để nguồn khí nâng tầm giá trị thương mại, ông Dân kiến nghị các bộ ngành cần sớm trình Chính phủ phê duyệt lộ trình tiếp cận giá khí thế giới vào năm 2014 nhằm đảm bảo khâu nhập khẩu khí.

Mặt khác, PV GAS kiến nghị Chính phủ định hướng đưa khí và sản phẩm khí thành nhiên liệu chính trong cơ cấu sử dụng năng lượng trên tất cả các lĩnh vực  trên toàn quốc; cho phép PV GAS chủ động về cơ cấu phân phối khí, trong đó ưu tiên khoảng 10-15% khí vào bờ để chế biến sâu; 10-20% khí khô bán cho các hộ tiêu thụ công nghiệp nhằm gia tăng giá trị sử dụng khí.

Cần hàng chục tỷ USD

Ông Đỗ Đông Nguyên - Trưởng ban Khí, Tập đoàn dầu khí Việt Nam - cho biết, Việt Nam là quốc gia giàu về tài nguyên khí nhưng chúng ta chưa khai thác hết. Mục tiêu sắp tới sẽ là đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò, khai tác khí,  trong giai đoạn 2015 phấn đấu đạt 14 tỷ m3/năm, giai đoạn 2015-2025 đạt 15-19 tỷ m3/năm. Mục tiêu phát triển khí hóa lỏng (LPG) trong nước giai đoạn 2015 đạt 1,6-2,2 triệu tấn/năm; giai đoạn 2015-2025 đạt 2,5- 4,6 triệu tấn/năm; trong đó phấn đấu phát triển thị trường khí trong nước đạt 17-21 tỷ m3/năm giai đoạn 2015 và 22-29 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2015-2025.

Để đạt được sản lượng trên, ngành công nghiệp khí quy hoạch để phát triển 31 dự án đường ống dẫn khí tại khu  vực Nam bộ, 5 dự án khu vực Trung bộ và 7 dự án ở Bắc bộ,  nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án này khoảng 4.116 triệu  USD. Bên cạnh đó, đầu tư 2 dự án nhà máy xử lý khí ở Nam bộ, 2 nhà máy ở Trung bộ và 1 nhà máy đặt tại Thái Bình, tổng vốn đầu tư khoảng 2.283 triệu USD, ngoài ra 16 dự án kho chứa khí cũng cần tương đương 2.532 triệu USD.

Trên thế giới việc cung cấp khí (gas) trong sinh hoạt đã hiện thực từ rất lâu, cụ thể tại EU mạng lưới gas đô thị đầu tiên xây dựng những năm 1800; Nhật Bản năm 1885; Sigapore năm 1862; Hàn Quốc năm 1950. Trong khi đó, tại Việt Nam hệ thống này chỉ mới biết đến từ năm 2001 và đến nay chỉ một số khu vực như khu đô thị Mỹ Đình,Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng, Saigon Pearrl (TP. HCM) sử dụng với số lượng rất nhỏ.

Đại diện PV GAS cho biết, dự báo đến năm 2015 dân số đô thị ở nước ta vào khoảng 35 triệu người, dung lượng thị trường sẽ đạt 1.583.052.000 m3 gas (năm 2011 là 1.038.152.000 m3). PV GAS đang nghiên cứu lắp đặt đường ống cho các đô thị lớn, đến năm 2015 sẽ đạt 30% mạng lưới ống theo quy hoạch  và đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống cung cấp gas cho từng hộ dân tại thành phố.

Nhưng để kế hoạch cung cấp gas cho người dân thành phố, đại diện PV GAS kiến nghị chính quyền các thành phố cần ban hành quy định về quy hoạch hệ thống cung cấp gas trung tâm cho các khu đô thị mới đồng bộ với phát triển hạ tầng kỹ thuật. Ban hành quy định bắt buộc sử dụng gas đối với các tòa nhà chung cư cao 7-9 tầng. Bộ Xây Dựng và Bộ Giao thông Vận tải sớm bổ sung, hiệu chỉnh các tiểu chuẩn kỹ thuật về bồn chứa, tuyến ống, hệ thống đường dẫn gas trong nhà.  

Mị Na

 

Đọc thêm