Theo đó, sau sáp nhập, đơn vị hành chính mới sẽ mang tên TP Đà Nẵng, với trung tâm chính trị, hành chính đặt tại Đà Nẵng hiện nay. Tổng số cơ sở nhà, đất thuộc trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cả hai địa phương được rà soát là 4.291 cơ sở, với diện tích đất hơn 18,8 triệu m2 và trên 6,2 triệu m2 sàn sử dụng.
UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc phân bổ, sắp xếp lại trụ sở làm việc.
Cụ thể, các cơ quan Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng cơ bản vẫn giữ trụ sở tại TP Đà Nẵng. Riêng Trường Chính trị thành phố sẽ có thêm cơ sở 2 tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), đồng thời Văn phòng Thành ủy đề xuất sử dụng trụ sở 24 Nguyễn Chí Thanh (Tam Kỳ) để phục vụ chỉnh lý, số hóa tài liệu.
![]() |
Sau khi hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam, một số sở ngành sẽ chuyển ra khỏi Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng hiện nay. |
Trụ sở của các sở, ngành phần lớn sẽ được bố trí tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Một số sở ngành khác được phân bổ theo điều kiện thực tế.
Cụ thể, Trung tâm hành chính quận Sơn Trà sẽ dành cho Sở Giáo dục & Đào tạo và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Quận Cẩm Lệ bố trí cho Thanh tra TP, Sở Dân tộc và Tôn giáo. Sở Công thương được sử dụng trụ sở Quận ủy Cẩm Lệ hiện nay.
Tại quận Hải Châu, số 6 Trần Quý Cáp sẽ là trụ sở Sở Y tế; Sở Ngoại vụ tại 106 Hoàng Văn Thụ; Ban Tiếp công dân tại 180 Hoàng Diệu hoặc 88 Đống Đa. Sở Tư pháp làm việc tại trụ sở phường Xuân Hà (Thanh Khê), còn Ban Quản lý An toàn thực phẩm đặt tại phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn).
UBND TP cũng tính toán lại 42 trụ sở cấp xã, phường riêng tại Đà Nẵng sẽ được tận dụng hoặc bố trí lại, theo hướng khối Đảng và chính quyền bố trí riêng biệt.
Đáng chú ý, sau hợp nhất, có 145 cơ sở nhà, đất dôi dư cần xử lý. Trong đó, UBND TP đề xuất giao 90 cơ sở cho Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà; 55 cơ sở còn lại giao Trung tâm Phát triển quỹ đất để quản lý, khai thác hiệu quả.