Lên tiếng, không bao giờ là vô nghĩa!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo các chuyên gia tâm lý, trong văn hóa Việt Nam, nói về tình dục là việc đáng xấu hổ, nhất là chuyện xâm hại tình dục. 20 năm qua, câu chuyện này đã được nói cởi mở hơn, nhưng vẫn còn đó những khoảng trống, khi hầu hết trẻ em lớn lên rồi sẽ… “ tự biết”.
 Các khách mời trao đổi tại Tọa đàm.
Các khách mời trao đổi tại Tọa đàm.

Khi đàn ông được… “dung thứ”

Theo một nghiên cứu tại 3 trường phổ thông trung học ở Hà Giang, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trung tâm Nghiên cứu về và Ứng dụng Khoa học về Phụ nữ, Giới và Vị thành niên (CSAGA) hợp tác với Actionaid thực hiện từ nhiều năm trước thì có tới 20% các em được hỏi đã bị quấy rối, lạm dụng tình dục, trong đó 4,8% các em bị 1-2 lần trong năm, cá biệt có những em bị tới hơn 10 lần trong một năm.

Nạn nhân thường tập trung nhiều ở độ tuổi từ 14 đến 16, tuy nhiên cũng có những em bị những hành vi sàm sỡ từ rất sớm, từ khi mới 7 đến 9 tuổi. Số em trai bị quấy rối, lạm dụng tình dục cũng không phải là nhỏ (20,8%). Điều đáng lo ngại là nhiều em không ý thức được mình bị bạo hành tình dục.

Cũng một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã từng gây sốc “ Tình dục - chuyện dễ đùa, khó nói” đã chỉ ra, cách ứng xử thường gặp hơn cả của các bậc phụ huynh là né tránh. Trong lúc giáo dục các cô con gái phải “giữ gìn” thì các bậc cha mẹ, vô hình trung cũng củng cố ý niệm rằng đàn ông là phái mạnh, rằng họ là những kẻ “nguy hiểm” vì họ tràn đầy ham muốn tình dục. Quan trọng hơn, đàn ông không thể và không nhất thiết phải kiểm soát ham muốn tình dục của họ. Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng củng cố quan niệm đàn ông có thể, thậm chí nên là người chủ động tấn công và chinh phục phụ nữ. Trong khi phụ nữ chỉ nên tiếp nhận, chịu đựng, tuân phục hoặc phải biết tự bảo vệ mình và ngăn ngừa các cuộc tấn công tình dục của nam giới trước khi chúng xảy ra.

Theo nghĩa này, các cô gái luôn ở trong tình trạng phải hết sức cảnh giác, còn các bậc cha mẹ, nhất là người mẹ thì nỗ lực hết sức để bảo toàn nguyên vẹn con gái mình cho đến khi kết hôn: “Mẹ bảo đàn ông ai người ta cũng rất ham muốn, thế nhưng con phải giữ mình thì đến lúc con về ở với người ta thì nó mới tôn trọng con. Nếu con mà dễ dãi quá để nó muốn làm gì con cũng được thì lúc về nó khinh thường con lắm, kể cả nó yêu con đến mấy thì yêu...” (Lan, 42 tuổi, Hà Nội).

Cần dạy các thế hệ trẻ về yêu thương, tôn trọng và cư xử văn minh. (Ảnh minh họa)

Cần dạy các thế hệ trẻ về yêu thương, tôn trọng và cư xử văn minh. (Ảnh minh họa)

Trong phần lớn các gia đình Việt Nam giáo dục tình dục chỉ là cảnh báo và đe dọa. Kết quả là chúng tìm đến bạn bè, tuy nhiên, bạn bè có thể đưa ra các thông tin sai lệch vì bản thân bạn bè có thể cũng đi tìm kiếm thông tin từ các nguồn không tin cậy bên ngoài gia đình.

“Lần đầu tiên (mộng tinh) em thấy sợ. Tự dưng thấy thế thì không biết mà không dám hỏi, về sau thấy rằng hình như có cảm giác như này nó là bình thường, mới đi hỏi bọn lớn thì nó nói bậy, nó bảo “thế là mày “ấy” nhau được rồi đấy”. Không dám hỏi bố mẹ đâu”, (Tuấn, nam, 32 tuổi, doanh nghiệp, Hà Nội).

“Bố là người không được nhạy cảm lắm trong vấn đề này. Năm lớp 7, lớp 8 em có hỏi bố một lần về quan hệ tình dục thì bố bảo là còn quá bé để biết. Đến năm ngoái khi xem chương trình giáo dục giới tính ở trên tivi về nạo phá thai nhiều thì mình cũng quay sang hỏi bố quan hệ là thế nào mà nhiều người lại bị như thế. Bố bảo chuyện đấy rất là hại và tuổi các con bây giờ không nên biết nhiều. Thế là xong, kết thúc cuộc nói chuyện, đi ra ngoài kia”, (Việt, nam, 16 tuổi, học sinh, Hà Nội).

Có thể nói, giáo dục tình dục trong gia đình, cho đến ngày hôm nay vẫn gói gọn trong “ba không”: Không biết, không thể và không được. Một số bậc phụ huynh không thể hỗ trợ cho lớp trẻ vì bản thân họ không có kiến thức để trao đổi với con cái về các chủ đề liên quan đến tình dục. Những người khác có thể hiểu biết hơn nhưng cho rằng, khi trưởng thành con cái họ sẽ tự biết. Nhóm thứ ba, có thể vì tất cả các lý do trên và cả vì quan điểm căm ghét tình dục nên cấm đoán một cách tuyệt đối sự quan tâm của chúng đến tình yêu, tình dục. Cách nhìn nhận đó coi đàn ông là mối đe dọa đối với phụ nữ vì tình dục của họ là không thể kiềm chế và thường dễ dàng được dung thứ.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra, giáo dục tình dục cho vị thành niên trong gia đình, nếu có chỉ là để các cô gái biết cách đề phòng đàn ông mà không phải là để nam nữ, thanh, thiếu niên hiểu biết về mình và về nhau - cho một quan hệ tình dục tốt đẹp trong tương lai. Do vậy, giáo dục tình dục trong gia đình, nếu có, không phải để cung cấp thông tin và kỹ năng, mà là để phủ nhận và cấm đoán nó.

Không im lặng nữa!

Vừa qua, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam - GBVNet tổ chức Tọa đàm “Lên tiếng - Không bao giờ là quá muộn” để phân tích các khía cạnh liên quan đến việc lên tiếng của những người bị bạo lực và xâm hại tình dục tại Việt Nam.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết: “Việc nạn nhân lên tiếng tố cáo tuy gợi cho chúng ta những cảm xúc buồn, tiếc và cả phẫn nộ, nhưng ở khía cạnh khác, đây cũng là chuyển biến tích cực và đáng mừng. Bởi nạn nhân đã dũng cảm lên tiếng, như một sự khích lệ để những người rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng lên tiếng, không im lặng nữa. Thực tế đa phần nạn nhân im lặng là bởi những e sợ: sợ bị đổ lỗi, trách cứ, sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, sợ bị nhìn bằng một ánh mắt khác,… Việc bị bạo lực, xâm hại giống như một gánh nặng đè lên nạn nhân. Khi bị bạo lực xâm hại tình dục, họ giống như một người ốm, rũ rượi, thất vọng và đang cần người đứng bên, trợ giúp, nhưng lại sợ bị những người khác lại vùi dập thêm”…

Từng là “người trong cuộc”, TS. Ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Lưu chia sẻ: “Khi tôi là nạn nhân của quấy rối, xâm hại, tôi đã sợ hãi, cảm thấy là sự cố đáng xấu hổ của cuộc đời mình, không dám chia sẻ với ai ngoài chồng tôi, là người nước ngoài. Sau 7 năm tôi gặp lại thủ phạm nhưng cảm thấy nỗi đau sống lại ngùn ngụt trong lòng tôi. Tôi rất thấu hiểu với các nạn nhân, khi sau rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mà nỗi đau vẫn còn đó”.

TS Lưu cũng nhấn mạnh: “Khi tôi chia sẻ câu chuyện bị quấy rối, có bạn tôi đã nói “Đàn ông nào mà chả thế!” - đấy là sự bình thường hoá hành vi quấy rối, xâm hại phụ nữ. Điều đó khiến cho tôi nghĩ rằng mình là người sai, đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều nạn nhân ngại ngần khi lên tiếng. Định kiến không chỉ “tiêm nhiễm” điều đó vào đầu đàn ông mà còn ảnh hưởng đến chính phụ nữ, khiến cho phụ nữ tự đổ lỗi cho bản thân mình”…

TS. Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT khẳng định: “Lên tiếng có thể có nhiều hình thái khác nhau, dù ở hình thái nào, việc lên tiếng không bao giờ là vô ích, vô nghĩa. Tất cả chúng ta đều hướng đến mục tiêu xã hội không còn ai là nạn nhân của bạo lực, vì vậy sự lên tiếng của bạn sẽ góp phần mang đến những điều tốt đẹp hơn. Hãy tự hào khi mình là một phần của sự lên tiếng.

Luật sư Nguyễn Hữu Long.

Luật sư Nguyễn Hữu Long.

Nói về vấn đề “lên tiếng muộn” thì vấn đề pháp lý sẽ như thế nào, Luật sư Nguyễn Hữu Long chia sẻ: “Xét về góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam có đầy đủ cơ sở để xử phạt mọi hành vi quấy rối, xâm hại tình dục. Việc lên tiếng, tố giác cũng như thu thập bằng chứng cần được thực hiện sớm ngay khi hành vi xảy ra, các hành vi có thể cấu thành tội phạm hình sự hoặc xử lý trách nhiệm hành chính. Nếu đã có cấu thành tội phạm thì sẽ ngăn chặn, xử phạt, và có thể việc này sẽ tránh được các vụ quấy rối xâm hại tình dục tiếp sau. Lên tiếng không bao giờ là muộn nhưng sớm sẽ tốt hơn”.

Luật sư Nguyễn Huy Long nhấn mạnh, cần hiểu rõ rằng việc lên tiếng tố cáo sẽ là một hành trình dài và nhiều khó khăn, tuy nhiên vẫn sẽ luôn có những sự hỗ trợ. Ví dụ, người lên tiếng bị tấn công bởi những bình luận trên mạng xã hội hoàn toàn có thể nhờ đến sự trợ giúp và vào cuộc của cơ quan chuyên trách về an ninh mạng. Khi một số trường hợp bị xử phạt để răn đe, các hành vi tấn công trên môi trường mạng chắc chắc sẽ giảm đi rất nhiều. Việc có xử phạt, răn đe cũng tạo nên các minh chứng tốt để giáo dục cộng đồng, tăng niềm tin của các nạn nhân và mọi người vào sự nghiêm minh của pháp luật, tự tin hơn để lên tiếng.

Không chỉ là vấn đề pháp lý, hành trình đi tìm công lý và tìm lại chính mình cũng rất quan trọng với nạn nhân và cũng có thể giáo dục, cảnh tỉnh cộng đồng, giúp cho quá trình phát triển xã hội.

Đã đến lúc cần thay đổi, giới tính nào cũng cần cư xử văn minh”

TS. Hoàng Tú Anh, Chủ tịch Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNET) cho biết: “Trên 60% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực gia đình, nhưng chỉ có hơn 50% nạn nhân chia sẻ với người khác và chỉ 10% tìm đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Chúng ta hay dạy trẻ em gái, phụ nữ phải làm vợ, làm mẹ như thế nào, phải biết tự bảo vệ bản thân, nhưng lại không dạy cho trẻ em nam, nam giới phải tôn trọng phụ nữ, cách để thể hiện tình yêu thương với phụ nữ. Đã đến lúc thay đổi, hãy dạy thế hệ trẻ em của chúng ta biết dù là giới tính nào cũng cần xử sự văn minh. Mong rằng, chủ đề giáo dục giới tính, giáo dục tư pháp này được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời hệ thống pháp luật cần đưa ra cơ chế hỗ trợ thiết thực cho nạn nhân để nạn nhân không còn e ngại việc tố giác”…

Đọc thêm