Lệnh báo động lũ cấp 2 trên các sông Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 23/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa có công điện phát lệnh Báo động II trên sông Lèn và hạ lưu sông Mã.
Nước sông Mã dâng cao gây ngập lụt Quốc lộ 15 đoạn qua huyện Quan Hóa (Ảnh: Báo TH).
Nước sông Mã dâng cao gây ngập lụt Quốc lộ 15 đoạn qua huyện Quan Hóa (Ảnh: Báo TH).

Mực nước sông Mã đang lên nhanh, hồi 4h ngày 23/9/2024, mực nước sông Mã đo được tại Trạm thủy văn Lý Nhân là (+10.51m), dưới mức Báo động II là 0,49m (BĐII +11.00m); tại Trạm thủy văn Giàng là (+4.69m), dưới mức Báo động II là 0,81m (BĐII +5.50m).

Theo tin lũ trên hạ du sông Mã tại bản tin số DBLU-57/04h15/THOA, ngày 23/9/2024 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, dự báo mực nước sông Mã tại Trạm Thủy văn Lý Nhân có khả năng đạt mức Báo động II (+11.00m) vào khoảng 9-11h ngày 23/9/2024; tại Trạm Thủy văn Giàng có khả năng đạt mức Báo động II (+5.50m) vào khoảng 08-10h ngày 23/9/2024.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa ra công điện số 26, phát lệnh Báo động II trên hạ lưu sông Mã, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động.

Ở một diễn biến khác, mực nước trên sông Lèn tại Trạm Thủy văn Lèn vào hồi 4h ngày 23/9/2024 là (+4.63 m), dưới Báo động II là 0,37m. Theo tin cảnh báo lũ trên sông Lèn của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số DBLU-57/04h15/THOA, ngày 23/9/2024, cảnh báo mực nước sông Lèn tại trạm TV Lèn có khả năng đạt mức Báo động II (+5.00m) vào khoảng 6h - 8h ngày 23/9/2024.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cũng phát lệnh Báo động II trên sông Lèn tại Lèn, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn.

Các địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông, ven sông. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua cũng khiến nhiều xã ở các huyện vùng cao, biên giới Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề. Nước lũ từ thượng nguồn biên giới Việt - Lào đổ về khiến nước ở suối Sim dâng rất cao, chảy xiết gây ngập nghiêm trọng tỉnh lộ 521E nối với trung tâm huyện Mường Lát. Ngoài ra, nhiều đoạn trên quốc lộ 15C, nối huyện Quan Hóa, các huyện miền xuôi với huyện vùng cao Mường Lát cũng bị sạt lở, khiến cho huyện Mường Lát đã bị cô lập.

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, huyện Mường Lát đã thông báo cho học sinh toàn huyện nghỉ học từ ngày 23/9.

Tại xã Sơn Thủy, huyện biên giới Quan Sơn, nước lũ cuốn trôi 6 cột điện trung thế 35kV nằm gần bờ sông Luồng. Hiện nay, khoảng hơn 800 hộ dân đang bị mất điện. Do nước lũ dâng cao, chính quyền xã Sơn Thủy đã di dời 14 hộ dân và 1 xưởng chế biến lâm sản có nguy cơ sạt lở đất đá cao, đe dọa đến tính mạng của người dân. Hiện một phần bản Thủy Sơn và bản Cóc, xã Sơn Thủy bị cô lập do mưa lũ kéo dài, gây sạt lở đường giao thông vào địa phương.

Đọc thêm