LHQ khởi động đàm phán về lệnh cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu

(PLO) - Hơn 100 nước trên thế giới trong tuần này dự kiến khởi động cuộc đàm phán đầu tiên của Liên hợp quốc (LHQ) về một lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu bất chấp sự phản đối của các cường quốc hạt nhân.
Cuộc thảo luận về lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu dự kiến sẽ kéo dài
Cuộc thảo luận về lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu dự kiến sẽ kéo dài

Theo AFP, khoảng 123 nước là thành viên LHQ hồi tháng 10 năm ngoái thông báo sẽ khởi động hội nghị của LHQ trong tuần này để bàn thảo về một hiệp ước cấm hạt nhân mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Thông báo này được đưa ra dù gần như các cường quốc hạt nhân như Anh, Pháp, Israel, Nga và Mỹ đều đã bỏ phiếu bác bỏ việc tiến hành cuộc thảo luận còn Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng. Ngay cả Nhật Bản – nước duy nhất từng bị tấn công hạt nhân hồi năm 1945 cũng đã bỏ phiếu phản đối việc tiến hành các cuộc thảo luận với lý do việc thiếu đồng thuận về các cuộc đàm phán có thể làm suy yếu những tiến bộ đã đạt được về giải trừ hạt nhân. 

Tuy nhiên, các nước như Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi, Thụy Điển và hàng trăm tổ chức phi chính phủ khác lại ủng hộ nỗ lực đẩy nhanh cuộc thảo luận về lệnh cấm với lý do mối đe dọa về một thảm họa hạt nhân đang ngày càng gia tăng do những căng thẳng từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng như sự khó đoán định của chính quyền mới ở Washington.

Những người ủng hộ việc tiến hành cuộc thảo luận dẫn chứng từ các phong trào ở cơ sở thành công, đưa đến lệnh cấm sử dụng mìn vào năm 1997 và bom chùm vào năm 2008 để thúc đẩy các cuộc thảo luận.

“Tôi biết rằng cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ mất thời gian nhưng đây là vấn đề rất quan trọng khi ngày nay ngày càng có nhiều những tuyên bố hùng hồn về hạt nhân, những cuộc biểu dương sức mạnh hạt nhân và cả những đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân” – Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom phát biểu tại LHQ hồi tuần trước. 

Còn theo bà Beatrice Fihn – Giám đốc Chiến dịch quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân – một liên minh bao gồm các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu – bày tỏ sự thất vọng về việc tiến trình giải trừ hạt nhân trong những năm gần đây không đạt được tiến bộ nào theo khuôn khổ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 (NPT).

“Nhiều người đã bày tỏ thất vọng khi Chính phủ của ông Obama đã đưa ra một số cam kết nhưng sau đó lại phớt lờ hầu hết các cam kết đó. Và bây giờ những lo ngại cũng đã được đề cập với tổng thống mới của Mỹ” – bà nói. 

Năm 2009, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến trình để giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trên thế giới và cuối cùng là loại bỏ các vũ khí này. Tuy nhiên, chính phủ của ông Obama sau đó lại phản đối các cuộc đàm phán của LHQ với lý do việc đưa ra một lệnh cấm có thể cản trở việc hợp tác giữa các nước để đối phó với các đe dọa hạt nhân từ các nước đối địch.

Tổng thống Donald Trump sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1 cũng đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc tăng cường năng lực hạt nhân của Mỹ, để nước này trở thành cường quốc hạt nhân số 1 thế giới, dấy lên những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Dù vậy nhưng từ kinh nghiệm tham gia các chiến dịch vận động cấm bom chùm hay mìn, bà Fihn cho biết bà tin tưởng một hiệp ước về cấm vũ khí hạt nhân sẽ được thông qua, có thể ngay trong giai đoạn 1 của các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào tháng 7 tới hoặc ở các giai đoạn muộn hơn. Vẫn theo bà Fihn, dù các cường quốc hạt nhân tẩy chay cuộc tranh luận này nhưng một hiệp ước như vậy vẫn sẽ buộc họ phải xem xét lại chính sách hạt nhân của mình. 

Đọc thêm