Tấm chắn pô xe máy... chém “ngọt” tay chân
Đối với các dòng xe máy, việc lắp tấm chắn ống pô là cần thiết bởi giúp người dùng tránh nguy cơ bị bỏng. Thế nhưng, những tấm chắn này lại là thủ phạm của hàng loạt vụ tai nạn kinh hoàng.
Do được làm bằng innox mỏng, sắc cạnh nên chúng có thể “chém ngọt” tay, chân người đi đường mỗi khi xảy ra va quệt trên đường phố hay những khi lau chùi xe. Đặc biệt, sử dụng tấm chắn cho các dòng xe Air Blade hay Nouvo LX là vô cùng nguy hiểm bởi các tấm ốp pô cao ngang mức để chân của xe khác. Chưa kể, khoảng cách từ tấm ốp đến pô xe bị trống rất rộng nên ngay cả người ngồi đằng sau nếu vô ý cũng có thể bị cắt đứt chân lúc nào không biết.
Khả năng sát thương của tấm chắn khiến nhiều người phát sợ vì nó có thể cắt đứt mu bàn chân, đứt gân hoặc gãy xương. Chị Thanh Cúc (26 tuổi, nhân viên văn phòng), chia sẻ: “Hai hôm trước mình đưa cu Bi đến trường, khi len lách giữa các dòng xe đột nhiên bé khóc thét lên. Mình quay lại hoảng hồn thấy chân con chảy đầy máu. Lúc định thần lại mới biết là tấm chắn pô xe máy của mấy chiếc bên cạnh đã cứa vào chân Bi. May mà bé chỉ đau qua loa, không bị cắt sâu như nhiều người khác”.
Hiểm họa của tấm nắp pô xe máy đã được cảnh báo, tuy nhiên nhiều người dùng hiện vẫn thờ ơ không chịu tháo bỏ hay đổi sang vật liệu an toàn hơn. Vì thế, rất nhiều người chỉ biết dặn nhau cẩn thận khi lưu thông trên đường và chú ý đến “sát thủ” này.
Chỗ để chân người ngồi sau: Tiềm ẩn nguy cơ sát thương
Chỗ để chân cho người ngồi sau của một số dòng xe máy được làm bằng thép, khá sắc nhọn. Tuy không đến nỗi có thể cưa đứt tay chân người sử dụng như tấm chắn pô nhưng vẫn rất nguy hiểm khi va chạm. Chỉ cần quên không gạt lên, người sử dụng hoặc đi lại gần chỗ để chân này rất dễ bị va đụng, gây bầm tím chân thậm chí nặng hơn còn bị chảy máu.
Các công ty xe máy nên sản xuất chân chống tự động để đảm bảo an toàn cho người sử dụng |
Diệu Thúy (34 tuổi, Hà Nội) kể: “Mình đang đi xe Lead của Honda. Một tuần trước, khi ra đường mình quên không gạt chỗ để chân của người ngồi sau. Lúc xảy ra va chạm với một sinh viên, nó làm chân em ấy rách một đường dài. Sau này lúc nào mình cũng phải nhớ gạt lên ngay nếu không chở ai”.
Chị Hoàng (Long Biên, Hà Nội) cũng cho hay, bố chồng chị đi xe Lead. Một lần, ông quên không gạt miếng thép là chỗ để chân của người ngồi sau lên. Do không để ý, chị đi qua bị va quệt vào chân, chảy cả máu.
Thêm vào đó, đối với dòng xe Liberty của Piaggio, chỗ để chân lại được thiết kế rất gần với sàn để chân của người đằng trước. Người ngồi đằng sau gần như phải duỗi chân hết cỡ, còn người điều khiển xe máy khá vướng víu mỗi lần xe gặp chướng ngại vật phải phanh gấp hoặc dừng chống chân khi chờ đèn đỏ.
Ống xả thổi thẳng khí bẩn vào người đi sau
Một trong những thiết kế thiếu thân thiện với người dùng nữa của xe máy là ống xả hướng lên quá cao. Tiêu biểu như dòng xe Air Blade, Click, Nouvo, Sirius...
Do quá chú trọng tính thời trang của xe, việc thiết kế ổng xả chéo thẳng vếch lên cao (mà phần cuối không hướng xuống đất) khiến những người nhiều khi phải hứng trọn khí độc, bẩn từ ống xả vào mặt. Đối với người ít để ý vệ sinh ống xả hoặc xe quá cũ, người đi sau còn bị những dòng khói đen xả thẳng vào mặt, vô cùng độc hại.
Bất tiện vì tấm chắn bùn thiết kế cao
Ngoài ra, tấm chắn bùn của nhiều dòng xe máy thường được đặt quá cao. Mỗi khi người lái xe nhấn ga tăng tốc thì người đằng sau sẽ bị nước bẩn, bùn bắn trực tiếp lên người, quần áo.
Chị Thanh Lam (27 tuổi, nhân viên ngân hàng) kể: “Mình rất ngại trời mưa khi đi làm. Mưa to mặc áo mưa thì không sao, chứ mưa nhỏ hoặc trời vừa tạnh thì cứ đến cơ quan là bộ đồng phục trắng tinh bị dính đầy họa tiết là nước bẩn, bùn đất. Nhất là khi đi qua vũng nước thì ôi thôi, gần như mình phải hứng toàn nước bùn lên người”.
Quên gạt chân chống dễ xảy ra tai nạn
Những tai nạn đáng tiếc xảy ra do quên gạt chân chống xe máy là lỗi chủ quan của người sử dụng. Hiện nay, để hạn chế tai nạn do sơ xuất quên không gạt, những dòng xe tay ga mới đã thay bằng chân chống tự động. Người điều khiển sẽ không thể khởi động xe nếu còn để chân chống.
Tuy nhiên, số lượng xe chưa được tích hợp công nghệ mới này đang lưu hành trên thị trường là rất lớn. Nhiều người khi nổ máy hoặc đi đường thường quên, không kiểm tra chân chống xe. Chỉ khi gặp chướng ngại vật trên đường hoặc qua đoạn đường dốc, chỗ ngoặt hoặc được người khác chỉ cho thì mới phát hiện ra. Cũng do quên gạt chân chống nên đã không ít trường hợp người điều khiển xe bị tai nạn.