ĐBTrần Du Lịch: “Đại biểu QH phải sợ cử tri chứ không sợ cấp trên“

(PLO) - Rất thẳng thắn và đầy tâm huyết góp ý cho Luật Tổ chức QH, ĐB Trần Du Lịch (Tp HCM) cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của QH sau việc lập Hiến, lập Pháp là quyết định việc kiếm tiến, tiêu tiền; ĐBQH không phải sợ cấp trên, mà phải sợ cử tri của mình...
ĐBQH Trần Du lịch
ĐBQH Trần Du lịch
- Thưa đại biểu, theo quan điểm của ông, thứ tự ưu tiên những việc cần làm của QH là gì?
Quốc hội có mấy nhiệm vụ quan trọng. Đầu tiên là nhiệm vụ lập Hiến, lập pháp. Thứ 2 là quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng chủ yếu đầu tiên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất cái gọi là kiếm tiền và tiêu tiền: Tăng thuế hay không tăng thuế, đặt ra thuế gì, tức là tạo nguồn thu, ví dụ có sử dụng quỹ cổ phần hóa của Nhà nước không, cũng là một nguồn ngân sách, là nhiệm vụ Quốc hội phải làm. 
Thứ 3 mới bàn tới giám sát. Trong các nhiệm vụ đó, muốn đổi mới hoạt động QH phải làm cho được là chủ động trong vấn đề lập pháp, tránh tình trạng chương trình xây dựng pháp luật chủ yếu do Chính phủ làm, có cái gì thì làm cái đó. 
 -Theo Dự luật hiện nay, ông thấy cần phải sửa đổi gì?
Tôi đề nghị nâng vai trò của UBPL của QH, cơ quan tham mưu tổng hợp nhất của QH để làm 2 việc: một là chủ động trong việc xây dựng PL từng năm và nhiệm kỳ. Thứ 2 là chịu trách nhiệm rà soát để xây dựng PL mang tính hệ thống, tránh sự chồng chéo. Chúng ta thiếu tính hệ thống là rối loạn. 
Nâng cao vai trò của UBNS, không phải UBTCNS, vấn đề chính sách tài chính chung chung nữa. Vấn đề chính sách vĩ mô để UBKT người ta làm, còn UB NS chỉ ngân sách thôi. 
- Theo ông, cần quy định những nhiệm vụ gì cho UBNS? 
Anh phải tham gia ngay quá trình làm dự toán NS, không để tình trạng làm dự toán xong xuôi mọi thứ đưa anh thẩm định, coi như ván đã đóng thuyền rồi, không cắt ai được nữa cả. Quy trình thiết lập ngân sách anh phải tham gia từ đầu, chủ động. Chính QH sẽ định hướng rằng năm tới NS là phải tập trung cho ngành gì, cho địa phương nào, UBNS phải tham mưu trước về quan điểm, định hướng cái dự toán.
Quá trình dự toán anh tham gia trực tiếp, khi đưa QH anh giải trình tại sao thế nọ, tại sao thế kia. 
Khi cân đối NS dự toán ban đầu anh sẽ thấy là cần kiếm những nguồn thu gì, vay nợ hay không vay nợ, bội chi hay không bội chi, cỡ nào. Anh thấy có nguồn nào bù vào đó mà chúng ta còn sót để không phải vay nợ không. Đầu tư tối đa cho bộ máy giúp việc, lấy những chuyên viên giỏi nhất về làm việc. Tôi cũng nói cụ thể luôn, lấy một số cán bộ Sở Tài chính một số địa phương giỏi, làm lâu năm rồi về làm chuyên viên cho UB này mới rà soát được, chứ còn không, không bao giờ chúng ta chủ động về ngân sách. Và cuối cùng, như tôi nói, đưa quyết toán tiền thu thì thu rồi, tiêu thì tiêu rồi, thì chẳng quyết định gì cả.
- Ông nhận xét gì về quy định vai trò của ĐBQH trong Dự án Tổ chức QH?
Tôi cho rằng chưa có gì đổi mới. Thứ nhất chúng ta đồng ý một cơ chế, thể chế chính trị VN còn có cơ chế kiêm nhiệm, số chuyên trách có thể nâng lên 40% là những người làm chuyên nghiệp, chọn nghề này. Và sự chuyên nghiệp này phải gắn với cử tri, gắn với dân, chứ không phải gắn với Ba Đình này. Tôi nói thẳng như thế. 
Thứ 2 là không hành chính hóa. Đại biểu chuyên trách trung ương và địa phương là cơ chế giống nhau, chỉ khác là khi anh được phân công làm nhiệm vụ gì, ví dụ Phó Chủ tịch UB, thì anh được phụ cấp về công việc của anh, chứ không phải là chức vụ. Tránh tình trạng UB hiện nay, ngoài ông chủ nhiệm ra có 3 cấp, Phó Chủ nhiệm 1 cấp, UV thường trực một cấp, ĐB chuyên trách. Ông ĐB QH này lại chỉ đạo ông ĐB kia. Dẫn đến tình trạng một ông nhảy lên Phó Chủ nhiệm một cái, hàm thứ trưởng, còn 2 năm nữa chưa biết làm gì, hết nhiệm kỳ không vào QH được gửi làm thứ trưởng Bộ nào 2 năm chờ về hưu, không có nước nào làm vô lý như vậy. 
Tức là chúng ta bỏ hành chính hóa đi, tách ra hoàn toàn. Phải giống nhau  hoàn toàn về chế độ, ví dụ mỗi năm lương bao nhiêu, ông chuyên trách này được tín nhiệm bầu làm phó chủ nhiệm thì được phụ cấp chứ không phải chức vụ. Chứ bây giờ đại biểu thường phụ cấp khác, đại biểu thường trực là bằng Tổng cục trưởng, lên Phó Chủ nhiệm là bằng thứ trưởng, tức là hành chính hóa người ta đi. Thành ra trong một ủy ban mà 3 ông 3 bậc, chỉ huy nhau, làm sao được.
- Hiện nay có nhận định cho rằng QH tăng ĐB chuyên trách, nhưng có những ĐB vào không có việc gì làm?
Đúng. Hiện nay cơ chế vậy và tôi nói nếu giữ cơ chế này mà tăng chuyên trách lãng phí tiền của dân. Toàn bộ xe cộ, tiền các ông chuyên trách đang ngồi tại các UB đó tôi thuê chuyên viên về làm việc còn rẻ hơn và được việc hơn. Nhiệm kỳ trước khi tham gia vấn đề xây dựng đề án đổi mới QH tôi đã phát biểu rồi.
- Quy chế đoàn đại biểu hiện nay theo ông có hợp lý?
Ở các đoàn ĐB QH, văn phòng giúp việc tôi thấy như một chi nhánh của VP ĐBQH ở địa phương, thay vì mỗi ĐB có một văn phòng thì tất cả có một VP chung do QH lo. Thứ 2 đoàn không phải là một định chế trong hệ thống. Đoàn là tập hợp các đại biểu hoạt động trên một địa bàn để có sự phối hợp với nhau. Cũng không hành chính hóa trưởng phó đoàn. 
Tôi là phó đoàn được hành chính hóa đây.  Bởi vì nó không phải là một cơ chế. Vai trò là của đại biểu chứ không phải của đoàn. Có điều sợ mỗi ông làm rời rạc thì phối hợp lại để điều hòa công việc, chứ không có chuyện tôi là phó đoàn tôi ra lệnh cho đại biểu. Tôi không có quyền ra lệnh cho ông. Cử tri mới là người ra lệnh. Phải nâng cao vai trò cử tri lên. Ông trách nhiệm với cử tri là chính, chứ không phải cơ chế của ta bây giờ là trách nhiệm với cấp trên chứ không trách nhiệm với cử tri. ĐBQH là sợ cử tri chứ không phải sợ cấp trên!
- Cám ơn ông!

Đọc thêm