Mùa này tiếng ve kêu râm ran, bốn bề xanh thăm thẳm toàn là cây ăn trái phủ kín ngôi nhà của Thượng tá Nguyễn Văn Thi ở ấp B, xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh. Ngày đó Thượng tá Thi còn là Trung sĩ của Đội bảo vệ Phòng Tham mưu của tỉnh Bà Rịa – Long Khánh. Gương mặt phúc hậu, sạm nắng, ông kể ngắn gọn về thời khắc chiến đấu liên tục (từ 9-21/4/1975) của quân ta trong chiến dịch Xuân Lộc.
Lúc đó ông Thi đã dẫn đường cho ông Phạm Lạc - Thượng tá Tỉnh Đội trưởng tỉnh Bà Rịa-Long Khánh, Tư lệnh phó Mặt trận đi quan sát các mục tiêu trong thị xã Long Khánh. Ông nhớ lại: Chiến dịch Xuân Lộc nổ ra, các đơn vị của ta, đặc biệt Quân đoàn 4 là những đơn vị chủ lực cấp Bộ, có các vũ khí, binh chủng hiện đại pháo binh rất nhiều, từ tầm nhỏ đến tầm lớn, và cả không quân hiện đại.
Điều ấn tượng lúc đó là quân giải phóng còn có “phòng không 37 li”, khi máy bay địch phản công, pháo phòng không của ta bắn không những chính xác mà còn rất đẹp mắt khiến máy bay địch không dám hạ thấp xuống các mục tiêu quân giải phóng để tấn công. Chiều ngày 20/4/1975, pháo của Quân đoàn bắn ở tầm xa hơn. Mấy đơn vị của Bộ bao vây đánh riết ngày đêm, địch tháo chạy. Sáng hôm sau vào thị xã Long Khánh thì mình đã chiếm lĩnh toàn bộ.
|
Ông Trần Văn Chín – người trực tiếp tham gia trận đánh Xuân Lộc từng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang ở tuổi 23 |
66 tuổi, trải qua nhiều trận chiến ác liệt, đến hôm nay người Đại đội Trưởng Trung Đoàn 4 vẫn giữ được cốt cách, khí chất và tác phong người lính. Đôi mắt ông nhìn thẳng, nghiêm chỉnh, chất giọng sang sảng kể rành rọt về chiến tuyến mà ông tham gia. Đêm mùng 9 tháng 4 năm 1975, ông nhận nhiệm vụ cấp trên lệnh cho một đội quân chặn ngay ngã ba Dầu Giây, không cho địch từ Xuân Lộc rút về Biên Hòa, cũng như ngăn tuyến chi viện của địch ở Biên Hòa cho Long Khánh.
Trung đoàn 4 của ông lúc đó nhận nhiệm vụ bao vây đánh ấp 97, thu được hai khẩu pháo 105 li, đưa về Lô Không Tên, Sông Nhạn để quân ta tiếp tục sử dụng. Các khu vực tiểu đoàn thì dừng chân ở ngã ba Dầu Giây, đánh các đơn vị của Sư đoàn 18. Trong đó, có Chiến đoàn 52 đóng ở ấp Nguyễn Thái Học. Chúng ta diệt từng tiểu đoàn, từng đại đội của chúng, liên tiếp từ ngày 9 đến ngày 12 chúng ta tiêu diệt rất nhiều đơn vị của Chiến đoàn 52, đến ngày 13, 14/4/1975, Chiến đoàn 8 của Sư đoàn 5 của ngụy chi viện từ Biên Hòa xuống đụng độ với đơn vị ta ở tại Bàu Cá, Bàu Xéo.
Nhận được lệnh của Sư đoàn trưởng Sư đoàn 6 là đồng chí Hai Sĩ (tên thật là Đặng Ngọc Sĩ). Lúc bấy giờ, đồng chí Hai Sĩ quyết tâm dùng Trung đoàn 4 đánh dứt điểm Trung đoàn 52, tuy nhiên, Trung đoàn 4 chỉ còn Tiểu đoàn 1 và hai đại đội của Tiểu đoàn 2. Lực lượng mỏng nhưng ta tập kích mãnh liệt vào Chiến đoàn 52 của địch. Trong vòng từ 1 giờ đến 4 giờ chiều, Chiến đoàn 52 bỏ chạy tán loạn. Đến ngày 21/4/1975 thì địch rút chạy hoàn toàn.
Thời khắc quân ta giành chiến thắng, lúc đó ông Chín đang đóng quân tại ngã ba Dầu Giây , ông chỉ huy anh em tốp chừng 5-10 người chia ra các nẻo đường mà ông biết nếu thất thế địch sẽ tháo chạy về hướng đó, phục kích sẵn, bắt sống rất nhiều tù binh địch
Qua lời kể của những người lính già, lịch sử đã tái hiện rõ một mốc son huy hoàng của cuộc kháng chiến chống xâm lược, một kí ức hào hùng mãi mãi không quên…