Liền chị Hà Thanh: “Mong được góp phần giữ quan họ cổ”

(PLO) - “Dường như, tôi sinh ra để hát Quan họ. Thú thực, tới giờ, tôi không thuộc bài hát nào của các dòng nhạc khác. Ngay từ nhỏ, với trẻ em khác hát bài thiếu nhi thì tôi lại cứ hát điệu quan họ. Càng hát, càng say quan họ, tôi mong được góp phần gìn giữ điệu quan họ cổ”-  Liền chị Hà Thanh tâm sự.
 Liền chị Hà Thanh: “Mong được góp phần giữ quan họ cổ”

Nghệ sĩ Hà Thanh sinh ra ở vùng quê Mỹ Thái (Lạng Giang, Bắc Giang), trong một gia đình yêu quan họ. Bố mẹ Hà Thanh là những hạt nhân quan họ của xã nên từ nhỏ, cô đã được sống trong bầu không khí quan họ. Thấy cô con gái nhỏ sớm bộc lộ tình yêu đối với quan họ và khả năng ca hát nên bố mẹ Hà Thanh đã dành nhiều thời gian, công sức để dạy cô hát.

Năm 2002, Hà Thanh thi đỗ vào trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang và được nhận về công tác tại Trung tâm văn hóa tỉnh ngay sau khi ra trường vào năm 2005. Trong suốt thời gian học tại trường cũng như đi hát sau này, giọng hát Hà Thanh luôn được uốn nắn, dạy dỗ bởi hai bậc thầy quan họ là nghệ nhận Tạ Thị Hình và NSUT Khánh Hạ.

Năm 2005, Hà Thanh giành giải Nhì cuộc thi Giọng hát hay Quan họ tỉnh Bắc Giang. Ba năm sau, cô tiếp tục giành giải Nhì tại cuộc thi quan họ cổ mang tên Đậm đà khúc hát dân ca tỉnh Bắc Ninh (2008). Đây là một thành quả đáng nhớ trong những năm đi hát của Hà Thanh bởi Đậm đà khúc hát dân ca là một cuộc thi quy tụ rất nhiều giọng quan họ xuất sắc. 

Về hai cuộc thi Giọng hát hay Quan họ tỉnh Bắc Giang và Cuộc thi hát Quan họ manh tên Đậm đà khúc hát dân ca tỉnh Bắc Ninh: Đây là hai cuộc thi lớn của hai tỉnh vốn là cái nôi của quan họ. Hai cuộc thi chuyên biệt chỉ dành riêng cho các giọng ca quan họ. Cuộc thi Đậm đà khúc hát dân ca được Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bắc Ninh tổ chức thường niên, mỗi một mùa kéo dài trong suốt một năm, theo hình thức thi tháng, quý và năm. Người tham gia phải thể hiện các bài quan họ cổ theo đúng lề lối hát. Trong khi cuộc thi Giọng hát hay quan họ tỉnh Bắc Giang cũng với yêu cầu là những bài quan họ cổ, quy tụ các liền anh liền chị trên toàn tỉnh.

Nhận xét về giọng hát của Hà Thanh, NSUT Khánh Hạ chia sẻ: “Hà Thanh là một cô gái ham học, dù đã đi hát nhiều năm nhưng vẫn không ngừng học hỏi, rèn luyện để ngày càng hoàn thiện những đòi hỏi của một giọng quan họ là vang, rền, nền, nảy. Ngoài khả năng về kỹ thuật, thì điều đáng quý nhất ở giọng hát Hà Thanh là sự truyền cảm và giữ được màu quan họ. Trong bối cảnh những giọng quan họ thuần chất đang ngày càng trở nên ít ỏi, đặc biệt là ở các nghệ sĩ trẻ, thì một giọng hát giữ được màu sắc quan họ như Hà Thanh là rất đáng quý”.

Càng hát, càng say quan họ, “liền chị” Hà Thanh mong góp phần gìn giữ lời quan họ cổ, “liền chị” Hà Thanh vừa ra mắt bộ DVD- DVD Karaoke “Vấn vương sông Cầu”. Đây là album đầu tay của nghệ sĩ quan họ Hà Thanh. Album bao gồm 10 bài quan họ: Mời nước- Mời trầu, Lóng lánh ơi!, Lý giao duyên, Ngồi tựa song đào, Tổ khúc quan ba, Lòng vẫn chờ đợi, Vào chùa, Tưởng đến gần xa, Đối ca sông Cầu, Liên khúc Giã bạn, được hát bằng giọng quan họ cổ. Phần hình ảnh của DVD do đạo diễn Nguyễn Nhật Giang thực hiện với những bối cảnh chùa chiền, lễ hội, hồ sen… đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ được quay trên địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, tạo nên một khung cảnh hữu tình, đầy chất thơ và đậm đà không khí quan họ. 

Chia sẻ về “Vấn vương sông Cầu”, nghệ sĩ Hà Thanh cho biết DVD này là mơ ước được cô ấp ủ từ những ngày chập chững đi hát. “Với Hà Thanh, “Vấn vương sông Cầu” là một ước mơ đã thành hiện thực. Đây cũng là món quà Hà Thanh muốn dành tặng cho những người yêu quan họ cổ, muốn được học hát quan họ. Đó chính là lí do Hà Thanh đưa vào “Vấn vương sông Cầu” khá nhiều bài quan họ quen thuộc, để mọi người cảm thấy gần gũi và dễ hát theo”.

Quan họ như thấm đấm vào trái tim “liền chị” Hà Thanh. “Có một điều lạ, từ bé đến giờ Hà Thanh chỉ hát mỗi quan họ mà không hề quan tâm đến những bài hát ở dòng nhạc khác. Học thuộc quan họ rất nhanh nhưng không thể nào nhớ được trọn vẹn một bài ca mới. Hà Thanh đi hát từ lúc học mẫu giáo nhưng cũng kể từ lúc đấy đã hát quan họ, cho đến lúc lớn lên cũng vậy. Mãi sau này cũng có biết một vài bài nhưng kể cả lúc hát chơi hay khi đi dự đám cưới họ hàng, bạn bè, mọi người hát ca mới còn Thanh vẫn chỉ hát quan họ thôi.”- liền chị gốc Bắc Giang chia sẻ.

Liền chị Hà Thanh cho biết, bên cạnh sự rèn luyện về kỹ thuật, cô cũng phải cố gắng rất nhiều để giọng hát của mình không bị lai tạp sang các loại hình dân ca khác. “Do nhu cầu mưu sinh, các liền anh liền chị phải hát khá nhiều loại hình dân ca khác để chiều lòng khán giả nên giọng dễ bị lai. Cách của Hà Thanh là phải nghe, phải luyện quan họ cổ thật nhiều để chất quan họ luôn thấm đẫm trong tâm hồn mình”