Liên kết phát triển du lịch TPHCM – ĐBSCL: Nâng tầm kết nối, phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 28/3, tại tỉnh Sóc Trăng diễn ra Hội nghị triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL năm 2025. Tham dự hội nghị có lãnh đạo TP HCM và các tỉnh ĐBSCL; cùng các doanh nghiệp du lịch khu vực ĐBSCL và cả nước.

Để thúc đẩy và phát triển du lịch từng địa phương, xây dựng phát triển du lịch ĐBSCL, từ năm 2021, UBND TP HCM và các tỉnh ĐBSCL đã triển khai chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, chương trình đã tạo “sức bật” giúp du lịch ĐBSCL phát triển. Sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị. Mỗi năm, các địa phương đều tổ chức hội nghị để đánh giá kết quả công tác liên kết, từ đó đề ra những giải pháp thiết thực, giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động du lịch.

Văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer cũng là nét đặc trưng tạo nên sự độc đáo của du lịch Sóc Trăng.

Văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer cũng là nét đặc trưng tạo nên sự độc đáo của du lịch Sóc Trăng.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, việc hợp tác tập trung vào 5 nội dung trọng điểm như: Trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; Truyền thông quảng bá xúc tiến du lịch; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; Xúc tiến đầu tư về du lịch.

Trong năm 2024 các đơn vị đã triển khai nhiều chương trình liên kết và đạt được những kết quả ấn tượng. Cụ thể: Tổ chức thành công Diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch, khảo sát xây dựng và công bố 55 tuyến du lịch đường sống từ TP HCM đến các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời, tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch kết nối vùng… Qua đó, giúp du khách có nhiều cơ hội trải nghiệm, tham quan và tận hưởng những giá trị đích thực của du lịch đồng bằng.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội nghị.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội nghị.

Ở góc độ địa phương, ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng rất quan tâm liên kết, phát triển du lịch. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động để quảng bá, phát triển du lịch, phối hợp chặt chẽ với TP HCM và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.

Qua đó, thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế đến với Sóc Trăng. Trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch gắn với phát các giá trị văn hóa bản địa. Qua đó, ông Nghiệp mong muốn, các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết để nâng cao chất lượng và hiệu quả của ngành du lịch.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày của ngành du lịch tỉnh Cà Mau.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày của ngành du lịch tỉnh Cà Mau.

Ông Lâm Hữu Phúc – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh cho biết, để liên kết và phát triển du lịch hiệu quả, các tỉnh thành cần xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách như đã thỏa thuận trong công tác liên kết.

Theo ông Phúc, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng tránh trùng lặp giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Sau khi tái cấu trúc và định vị sản phẩm du lịch cần đầu tư hạ tầng kết nối các điểm du lịch vùng. Du lịch chỉ khởi sắc khi hạ tầng giao thông phát triển. Tiếp theo đó là đẩy mạnh công tác liên kết các địa phương thông qua các chương trình kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành tham gia các điểm tuyến ở ĐBSCL để các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch phù hợp để phục vụ du khách.

Du khách thích thú khi tham quan không gian đan đát và thưởng thức cốm dẹp tại Hợp tác xã đan đát Thủy Tuyết (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).

Du khách thích thú khi tham quan không gian đan đát và thưởng thức cốm dẹp tại Hợp tác xã đan đát Thủy Tuyết (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bến Tre chia sẻ: Sau gần 5 năm triển khai chương trình liên kết đạt được nhiều kết quả nổi bật giúp du lịch các địa phương phát triển trong tổng hòa sự phát triển của du lịch đồng bằng và cả nước.

Theo bà Dung, vấn đề quan trọng và cần thiết nhất là các địa phương mong muốn có nhiều nhà đầu tư đến tỉnh để xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất. Qua sự kết nối của TP HCM, thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư đến với Bến Tre.

Để du lịch ĐBSCL phát triển mạnh thì cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh cần bắt tay và cùng nhau định vị thương hiệu và cùng chí hướng vì sự phát triển chung của du lịch ĐBSCL. Trong ĐBSCL, mỗi địa phương sẽ có những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng không trùng lặp và “đụng hàng” với những nơi khác.

“Tôi thật sự phấn khởi với giải pháp thiết thực được đề ra trong năm 2025 đó là sự kết nối du lịch vùng ĐBSCL với miền Trung và miền Bắc. Nhiều khách miền Trung, miền Bắc rất thích sản phẩm du lịch của ĐBSCL”, bà Dung nói.

Trao thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch.

Trao thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hà Trung - Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho biết: Trong giai đoạn tới đơn vị tập trung phát triển du lịch xanh, kết nối cộng đồng và ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch. Đơn vị đã triển khai nhiều sáng kiến cụ thể, tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm du lịch vừa độc đáo vừa thân thiện với môi trường và gắn kết chặt chẽ với bản sắc vùng miền như tour “Hành trình văn hoá Chăm”, “Khám phá rừng tràm Trà Sư”, “Chợ nổi Cái Răng - Làng nghề truyền thống”, “Một ngày làm nông dân ĐBSCL”.

Để đảm bảo tính bền vững, Vietravel tích hợp yếu tố giáo dục vào các sản phẩm du lịch. Mỗi tour đều được thiết kế kèm theo nội dung hướng dẫn về bảo tồn văn hoá và môi trường, giúp du khách hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc giữ gìn tài nguyên ĐBSCL.

Đọc thêm