Liên quân như “rắn mất đầu” trong chiến dịch tấn công Libya

Trong khi tình hình tại Libya đang rất phức tạp với bạo lực tràn lan khiến hàng trăm người chết và bị thương, liên quân quốc tế hiện nay đang như “rắn mất đầu” sau khi Mỹ tỏ ý rút quyền chỉ huy chiến dịch quân sự. Trong nội bộ liên quân hiện có nhiều ý kiến khác nhau, song nhiều nước mong muốn, NATO sẽ thay Mỹ đảm đương nhiệm vụ này.

Trong khi tình hình tại Libya đang rất phức tạp với bạo lực tràn lan khiến hàng trăm người chết và bị thương, liên quân quốc tế hiện nay đang như “rắn mất đầu” sau khi Mỹ tỏ ý rút quyền chỉ huy chiến dịch quân sự. Trong nội bộ liên quân hiện có nhiều ý kiến khác nhau, song nhiều nước mong muốn, NATO sẽ thay Mỹ đảm đương nhiệm vụ này.

Liên quân như “rắn mất đầu” trong chiến dịch tấn công Libya ảnh 1
Người dân Libya giữa những xác xe. Ảnh: AFP

Bạo lực chưa giảm

Hôm 21/3, liên quân quốc tế tiếp tục can thiệp quân sự vào Libya bằng việc nhắm mục tiêu vào Sebha, thành phố quê hương của nhà lãnh đạo Libya Muammar Kaddafi. Tối 21/3, người ta đã nghe thấy những tiếng đạn pháo phòng không sau những tiếng nổ lớn gần dinh thự của nhà lãnh đạo Libya Kaddafi.

Đêm trước đó, lựu đạn cũng đã phá hủy một tòa nhà trong khuôn viên dinh thự này ở miền Nam Tripoli. Tối cùng ngày, căn cứ hải quân nằm cách Tripoli khoảng 10km về phía Đông đã bị bom tàn phá, các nhân chứng cho biết.

Theo phát ngôn viên của lực lượng chống Chính phủ ở thành phố Misrata, bất chấp sự can thiệp quân sự quốc tế và tuyên bố ngừng bắn mới của chính quyền Kaddafi hôm 20/3, bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra hôm 21/3 khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và 300 người khác bị thương tại thành phố này. Phát ngôn viên này cũng nói thêm, lực lượng ủng hộ ông Kaddafi đã tấn công vào thành phố và triển khai tại đây nhiều tay súng bắn tỉa và 3 xe tăng bắn về phía những người biểu tình.

Phát ngôn viên của chính quyền Libya khẳng định, thành phố này đã “được tự do cách đây 3 ngày” nhưng lực lượng của chính quyền tiếp tục truy lùng “những phần tử khủng bố”.

Ở phía Đông, lực lượng chính phủ Libya mà hôm 19/3 tấn công Bengahzi đã rút lui tới Ajdabiya. Ở phía Tây Nam Tripoli, lực lượng trung thành với Gaddafi tấn công vào khu vực Al Jabal Al Gharbi từ mấy ngày nay, đặc biệt tại các thành phố Zenten và Yefren – nơi nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy. Người dân trong khu vực này cho biết các vụ tấn công “rất ác liệt”.

Theo chính quyền Libya, kể từ hôm 19/3, liên quân đã tiến hành chiến dịch quân sự tại Tripoli, Zuara, Misrata, Syrte và tới ngày 21/3 nhắm vào Sebha, đặc biệt tấn công các sân bay. Các vụ tấn công này đã khiến nhiều người trở thành “nạn nhân”, trong đó có cả dân thường, nhất là tại “sân bay dân sự” Syrte, thành phố quê hương của ông Kaddafi, cách Tripoli 600km về phía Đông, phát ngôn viên Chính phủ Libya Mussa Ibrahim tuyên bố.

Nhiều quan chức cấp cao khẳng định, liên quân quốc tế không cố gắng nhắm trực tiếp vào Đại tá Kaddafi. Thủ tướng Anh David Cameron thẳng thắn cho rằng Libya phải tự mình hạ bệ Kaddifi, đồng thời nhấn mạnh “chính nhân dân Libya lựa chọn cho tương lai của mình”. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama lại khẳng định: “Quan điểm của Mỹ là Kaddafi phải ra đi”.

Liên quân như “rắn mất đầu” trong chiến dịch tấn công Libya ảnh 2
Các mũi tấn công của liên quân tại Libya.

Liên quân thiếu chỉ huy

Trong nội bộ liên minh, trong đó có sự tham gia của Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Anh, Italia, Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, một số vấn đề chưa được thống nhất, đặc biệt là việc chỉ huy chiến dịch quân sự vào Libya.

Nhưng nhiều nước muốn giao công việc này cho Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Mỹ Obama khẳng định rằng, NATO sẽ đóng vai trò trong giai đoạn quân sự mới tại Libya , đồng thời cho biết thêm giai đoạn mới của chiến dịch sẽ bắt đầu trong thời hạn “nhiều ngày, chứ không phải nhiều tuần”.

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi và Thủ tướng Anh Cameron cũng tuyên bố mong muốn công tác chỉ huy chiến dịch chuyển cho NATO.

Từ đầu chiến dịch quân sự, liên quân được điều hành bởi Sở chỉ huy châu Phi (Africom) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đặt tại một căn cứ ở Stuttgart , Đức.

Tuy nhiên, chỉ hơn một ngày sau trận không kích Libya mở màn hôm 19/3, tướng tư lệnh Africom Carter Ham và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đều cho biết Mỹ sẽ sớm chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch cho các đối tác trong liên quân như Anh và Pháp. Rồi chính Tổng thống Barack Obama đã chính thức tuyên bố vấn đề này.

Washington cũng nhiều lần nêu rõ việc họ chỉ huy giai đoạn đầu của chiến dịch không kích Libya là nhằm thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đập tan hệ thống phòng không của Gadhafi để mở đường cho việc thiết lập vùng cấm bay.

Tuy nhiên, việc quyết định nước nào là đứng đầu chiến dịch không phải chuyện đơn giản vì Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức phản đối NATO nắm quyền chỉ huy. Hôm 21/3, cuộc họp giữa đại sứ các nước thành viên của khối đã không đạt được sự đồng thuận nào. Một số nhà phân tích đang tính đến phương án thoả hiệp trong việc chọn ai chỉ huy chiến dịch.

Từ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi vai trò là người chỉ huy chiến dịch quân sự tại Libya , liên quân gần như “rắn mất đầu”. Điều này khiến cho chiến dịch có nguy cơ “chao đảo”. Hy Lạp cho biết nước này hôm 21/3 đã triển khai 6 chiếc F-16 ở Địa Trung Hải tới tham gia chiến dịch của liên quân, song sẽ chỉ bắt đầu nhiệm vụ của mình khi vấn đề chỉ huy được rõ ràng.

Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero hôm qua (22/3) đề nghị sự ủng hộ từ Nghị viện để nước này tham gia chiến dịch quân sự tại Libya trong thời hạn ít nhất một tháng.

T.T (tổng hợp)

Đọc thêm