Liên tiếp ghi nhận nhiều trẻ bỏng nặng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trẻ 18 tháng tuổi ở Phú Thọ bỏng nặng do ngã vào nồi nước sôi; trẻ bỏng nặng do người lớn nướng mực bằng cồn; bóng bay phát nổ khiến bé gái bỏng nặng...
Trẻ bỏng nước sôi được người nhà đưa ngay đến phòng khám cấp cứu. Ảnh: BV Hùng Vương
Trẻ bỏng nước sôi được người nhà đưa ngay đến phòng khám cấp cứu. Ảnh: BV Hùng Vương

Tại Phú Thọ, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương vừa cấp cứu kịp thời trẻ 18 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng đau đớn, kích thích, bỏng toàn bộ vùng đùi cẳng bàn chân hai bên - cẳng bàn tay trái - bàn tay phải.

Tại phòng cấp cứu, các bác sĩ đã tập trung hồi sức, cấp cứu, tạo đường truyền bù dịch, giảm đau, chống sốc, xử trí băng vết bỏng.

Bệnh nhi được chẩn đoán bỏng nước sôi độ I, II đùi cẳng bàn chân hai bên - cẳng bàn tay trái - bàn tay phải, diện tích bỏng 40% cơ thể.

Trước đó ngày 6/3, Đa khoa tỉnh Bắc Giang có tiếp nhận cháu Đ.N.M.C nhập viện trong tình trạng bỏng ở mặt, cổ và một phần bàn tay phải, khuôn mặt trợt đỏ, tóc và lông mi bị cháy.

Theo gia đình cho biết, khi đang chơi cùng bóng bay khí hydro thì quả bóng bất ngờ phát nổ khiến cháu bị thương. Ngay sau đó, cháu được đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

Sau khi được thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bỏng độ II tại mặt, cổ và chỉ định thay băng hàng ngày, sử dụng kháng sinh kèm giảm đau. Sau 4 ngày, tình trạng của cháu bé đã dần ổn định, vết thương khô và được bác sĩ cho xuất viện.

Bác sĩ cho biết: Khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn nhiệt hoặc cọ xát nhiều cũng khiến nó phát nổ. Đặc biệt, khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay.

Ngày 5/3, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM tiếp nhận trẻ nhập viện trong tình trạng sốc, huyết áp khó đo, diện tích bỏng khoảng 35%. Bệnh nhi được truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương, sau đó chuyển đến khoa hồi sức ngoại điều trị tiếp.

Người nhà cho biết, trẻ được bà ngoại bế khi đang nướng mực bằng cồn. Khi gần hết lửa, bà châm cồn thêm làm lửa cháy lớn xém vào tay bà, còn cháu bị lửa làm bỏng mặt, ngực và tứ chi. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng vết thương hiện đã cải thiện.

Trường hợp khác cũng tại Bệnh viện Nhi đồng TP HCM là bé gái 10 tháng tuổi, đang tập đi thì chồm người kéo dây điện ấm siêu tốc đang đun, nước đổ lên người gây bỏng 40% diện tích cơ thể.

Liên tiếp những ngày gần đây ghi nhận và cấp cứu các trường hợp trẻ bị tai nạn vô cùng hy hữu như bỏng do ngã vào nước sôi, bỏng do cồn, do khí hydro...Tất cả các bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, kích thích, đau đớn.

Do đó các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh hãy đảm bảo một môi trường sống an toàn cho trẻ, sự bất cẩn của người lớn sẽ vô tình khiến trẻ em gặp phải những tai nạn đau đớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Đọc thêm