Liên tiếp nhiều người ở Lạng Sơn bị rắn độc cắn, bác sĩ cảnh báo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong gần 1 tháng qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận điều trị cho 6 trường hợp bị rắn độc cắn.
Bệnh nhân bị rắn hổ mang bành cắn vào tay. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân bị rắn hổ mang bành cắn vào tay. Ảnh: BVCC

Các trường hợp nhập viện nói trên hầu hết đều có các triệu chứng: Bầm tím, sưng nề vùng da bị rắn cắn, vết cắn có 1 hoặc 2 móc độc… Trong đó có nhiều trường hợp biến chứng nặng.

Một bệnh nhân nữ 18 tuổi, bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn vào gót bàn chân trái, sau xuất hiện bầm tím, sưng nề lan rộng tới cẳng chân, đùi, khiến bệnh nhân hạn chế vận động, rối loạn đông máu nặng phải truyền máu cấp cứu.

Một bệnh nhân nữ khác, 78 tuổi, bị rắn hổ mang bành cắn vào ngón 4 bàn tay phải, vị trí vết cắn bị hoại tử, bầm tím, sưng tấy lan rộng tới cẳng, cánh tay, tiên lượng sẽ phải điều trị ngoại khoa vùng cắn. Điều đáng nói là hầu hết các trường hợp đều bị rắn cắn tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Thành Đô – Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời tiết nồm, ẩm là điều kiện lý tưởng để loài rắn bắt đầu sinh sôi, phát triển, đặc biệt là các loại rắn độc.

"Với đặc thù là tỉnh miền núi, diện tích đồi rừng lớn nên loài rắn có điều kiện phát triển. Đặc biệt, thời điểm này là giai đoạn sinh sản của rắn nên chúng có xu hướng tìm nơi kín đáo, khô thoáng để sinh sản. Khi rắn mang bầu thì nọc độc cao hơn bình thường.

Mỗi loại rắn cắn có đặc điểm khác nhau, rắn độc thường cắn người rồi nhả ra ngay, nọc rắn gây tử vong giai đoạn đầu do gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do rối loạn đông máu nặng, hoại tử, tiêu cơ, suy thận cấp... Nếu nạn nhân không được đưa đến các cơ sở y tế, điều trị, cấp cứu kịp thời có thể có nguy cơ tử vong. Nhiều trường hợp sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như nhiễm trùng, viêm cơ xương khớp kéo dài gây biến dạng, suy thận, suy thần kinh….", bác sĩ Đô thông tin.

Khi bị rắn cắn, cần thực hiện ngay các bước sau: Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn. Trấn an người bị rắn cắn, giữ tâm lý bình tĩnh, hạn chế cử động, bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc. Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép và làm sưng vết thương.

Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý, hoặc bằng nước sạch. Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

Điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, khẩn trương đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất (có thể cầm theo xác con rắn hay chụp lại hình ảnh rắn cắn, mô tả loại rắn cắn).

Đặc biệt, khi bị rắn cắn, cần lưu ý không được làm những việc sau: Không tự ý garo, sơ cứu bởi nếu không đúng cách có thể dẫn tới hoại tử. Không nên tự ý chích rạch vết cắn, không hút nọc bằng miệng hay cố tình bôi các loại hóa chất như xăng, dầu, nước tẩy. Không bôi hay đắp thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Không cố đợi có triệu chứng mới đến viện, làm chậm thời gian cấp cứu kịp thời.

Đề phòng ngừa rắn cắn, người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm, kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà; nhất là trong thời điểm sau các cơn mưa, mùa nồm ẩm. Nếu đi ra vườn, ruộng, đi rừng nên đi ủng, giày cao cổ, đội mũ rộng vành và mặc quần áo dài, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ.

Khi gặp rắn, không đe dọa rắn, không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất, mắc võng ngủ ngoài vườn. Cần hướng dẫn để ý đến trẻ em, không để trẻ chơi gần nơi rắn thích cư trú như đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm của gia đình.

Đọc thêm