“Linh động” thẩm quyền xử sơ thẩm vụ án hành chính

(PLO) - Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hành chính là vấn đề "nóng" trong nhiều phiên họp thảo luận về Luật Tố tụng hành chính (LTTH) sửa đổi. Cuộc tranh luận này đã chính thức khép lại khi sáng nay (25/11), QH chính thức thông qua LTTHC 2015 với phương án 'linh động" thẩm quyền xử sơ thẩm vụ án hành chính.
Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII
Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII
Trước đó, theo báo cáo của UBTVQH, việc phân định thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương đã có nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành về thẩm quyền của TAND cấp huyện.
Nhiều ý kiến khác tán thành việc giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định nhằm hạn chế tác động từ phía UBND cấp huyện, ảnh hưởng đến sự độc lập, khách quan của Thẩm phán khi xét xử vụ án; Có ý kiến đề nghị quy định người khởi kiện có quyền lựa chọn Tòa án để yêu cầu giải quyết theo trình tự sơ thẩm.
Theo UBTVQH, việc phân định thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định tại Luật TTHC hiện hành là phù hợp với thực tiễn và định hướng cải cách tư pháp ở nước ta. Việc đề xuất giao thẩm quyền cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật là không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện.
Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh cũng như không nêu cao được trách nhiệm của đội ngũ Thẩm phán TAND cấp huyện trong giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính. Theo lập luận này, thì cũng sẽ không hợp lý nếu dự thảo Luật vẫn giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh như Luật hiện hành. Đồng thời, để tháo gỡ một số trường hợp khó khăn, vướng mắc cho TAND cấp sơ thẩm trong việc giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý lại khoản 7 Điều 33 của dự thảo Luật theo hướng: “Theo đề nghị của TAND cấp huyện và khi xét thấy cần thiết, TAND cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện quy định tại Điều 32 của Luật này”.

Như vậy, kể từ ngày 1/7/2016, khi  LTTHC 2015 có hiệu lực, Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó;

Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó; Khiếu kiện về danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án.

Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; 
Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Toà án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính; khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án....
Đặc biệt, TAND cấp tỉnh sẽ xét xử sơ thẩm vụ án theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện. Khi xét thấy cần thiế  Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 32 của Luật này.

Đọc thêm