Những thay đổi này có thể góp phần hạn chế tình trạng vợ/chồng lợi dụng để tẩu tán tài sản chung đang diễn ra khi một người không may lâm vào tình trạng bạo bệnh dẫn đến mất năng lực hành vi.
Bất cập từ thực tiễn
Một vụ việc khá điển hình diễn ra tại TP.HCM cách đây gần 4 năm. Số là, bà N (quận 3) có cô con gái tên H (SN 1971) bị biến chứng sau cơn bạo bệnh khiến không còn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Bà N đã “gõ cửa” rất nhiều cơ quan để giành quyền giám hộ người con gái nhưng bất thành. Bà N cho rằng chồng chị H đã ngoại tình, có con riêng và còn tự ý bán đi một số tài sản chung của vợ chồng. Vậy nên ngoài nguyện vọng được đưa chị H về nhà mình chăm sóc, bà N còn muốn được thay con rể thực hiện quyền giám hộ đối với chị N.
Căn cứ vào một số văn bản trả lời của nhiều cơ quan, trong đó có thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra quận Tân Bình cho rằng chồng chị H có dấu hiệu vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhưng chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự, bà N đã đến UBND phường nơi bà cư trú để đăng ký làm người giám hộ cho chị H.
Đây cũng là hướng dẫn của Bộ Tư pháp khi trả lời đơn khiếu nại của bà tại Công văn ký ngày 28/3/2012. Tuy nhiên, yêu cầu đã nêu của bà N khi ấy không được UBND phường chấp thuận với lý do chưa có hướng dẫn về giám hộ đương nhiên.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, thay vì quy định về người giám hộ đương nhiên như trong Bộ luật hiện hành, Dự thảo Bộ luật quy định theo nguyên tắc xác định người giám hộ theo ý chí của người cần được giám hộ trong trường hợp họ là người thành niên cử người giám hộ cho mình trước khi lâm vào tình trạng cần được giám hộ với hai điều kiện là việc cử giám hộ này phải được lập thành văn bản có công chứng và người được cử đồng ý làm người giám hộ.
Người giám hộ cũng được xác định theo sự thỏa thuận của người thân thích của người cần được giám hộ (người thân thích theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 bao gồm người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời).
Trường hợp người thân thích không có thỏa thuận thì người giám hộ được cử trong số những người thân thích hoặc cá nhân, pháp nhân khác và ưu tiên cho người sống cùng hoặc đang trực tiếp chăm sóc người cần được giám hộ nếu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người được giám hộ.
Nên có nhiều người giám hộ
Về quyền, nghĩa vụ của người giám hộ đã được Dự thảo Bộ luật quy định khá cụ thể. Đặc biệt, Dự thảo Bộ luật đã quy định tách biệt và cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của người giám hộ, theo đó trong trường hợp người được giám hộ còn người thân thích thì những người thân thích phải thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ người được giám hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Người giám hộ phải tạo điều kiện để người khác nói chung, người thân thích của người cần được giám hộ nói riêng quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người được giám hộ.
Nêu vấn đề tại sao lần sửa đổi này Việt Nam không áp dụng chế định đồng giám hộ trong khi đây là chế định có nhiều lợi ích, GS người Pháp Michel cho rằng, việc chỉ có một người giám hộ mà Việt Nam đang đi theo sẽ có phần cứng nhắc. PGS.TS Đỗ Văn Đại cũng cho biết, hiện có nhiều nước áp dụng chế định đồng giám hộ, nhất là các nước theo hệ thống luật Anh - Mỹ.
Cụ thể hơn, GS Michel chia sẻ, ở Pháp, người chưa thành niên có thể có 2 người giám hộ, một người giám hộ về nhân thân, một người giám hộ về tài sản. Về người giám hộ, với trường hợp người bị mất năng lực hành vi, phần lớn sẽ do thẩm phán chỉ định người giám hộ, còn trước khi mất năng lực thì do chính họ chỉ định; người chưa thành niên thì do bố, mẹ còn sống hoặc đã mất đi để lại di chúc chỉ định, ra Tòa có thể bác nhưng tình huống này ít xảy ra.
Đối với trường hợp chồng có sự trục lợi về tài sản chung như trên, Pháp có quy định bảo vệ rõ ràng nhờ chế định người giám sát giám hộ và người tư vấn về hôn nhân - gia đình, cao nhất là sự can thiệp của thẩm phán. Đây là những kinh nghiệm quý cho Việt Nam tham khảo trong quá trình hoàn thiện chế định giám hộ của Dự thảo Bộ luật.