Ở một quốc gia, một dân tộc có nơi thờ tự tổ tiên là điều đặc biệt, hiếm gặp và có lẽ, trên thế giới rộng lớn này chỉ có ở Việt Nam ta, khi mọi người mặc nhiên cho rằng mình sinh ra từ một ông tổ, cùng một bào thai (do đó mà gọi “đồng bào”).
Truyền thuyết và lịch sử song hành, lưu giữ truyền thống quý báu, khởi nguồn và nuôi dưỡng chí khí độc lập quật cường, bảo vệ giống nòi và giang sơn gấm vóc. Đền thờ Hùng Vương có từ xa xưa, vào thời Tiền Lê, thế kỷ IX đã có rồi. Trải qua nhiều triều đại hưng phế nhưng nơi thừa tự đó vẫn không suy suyển cả ở ngoài đời và trong lòng dân tộc. Điều đó đủ để nói lên rằng dân tộc ta coi trọng tổ tiên như thế nào.
Nghĩa Lĩnh – Đền Hùng trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt, hội tụ cả yếu tố lịch sử, văn hóa và tâm linh. Những triều đại phong kiến kế tiếp nhau gìn giữ nơi này nhưng chưa có vị vua nào dám ra sắc phong cho đền thờ này vì sợ bất kính với tổ tiên. Vì thế, rất dễ hiểu là các “dị vật” mang đến nơi đất thiêng này đều bị bật ra, từ hòn đá mang bùa đến tấm hoành phi mang nội dung mới.
Mỗi gốc cây, ngọn cỏ nơi đây đều coi như báu vật và mang một ý nghĩa tâm linh nhất định, cả những chân nhang, tro trong bát hương hoặc nắm đất Đền Hùng đều là bảo vật để những người con xa quê hương mang về thờ cúng. Ai đó lợi dụng tín ngưỡng dân tộc nhằm mang lại lợi ích cho mình hãy coi chừng một sự trừng phạt, nếu không từ những lực lượng siêu nhiên bí ẩn thì cũng từ sự giận dữ của lòng người hiện tại.
Nghĩa Lĩnh – cái tên gọi núi đó cũng đủ để nói lên tâm hồn và trí tuệ dân tộc Việt, đó là đỉnh cao của việc nghĩa, nơi tụ nghĩa, một “đột ngột cao sơn” nghĩa khí nổi lên giữa đồng bằng, tả hữu là hai dòng sông lớn. Những người hành hương về đến Tổ, chiêm bái tổ tiên đều đi qua cái cổng mà trên đó có 4 chữ đại tự “Cao sơn cảnh hành”, núi cao, đường lớn. Con đường đi của dân tộc vươn tới đỉnh cao nhân loại được soi sáng bằng đức cao, nghĩa cả. Chắc chắn, đó cũng là ước vọng của tổ tiên để con cháu Lạc Hồng muôn đời thực hiện và noi theo.
Lịch sử bốn ngàn năm dân tộc ngưng đọng tại ngọn núi này, nơi gìn giữ khí thiêng sông núi và hồn người dân Việt. Tiếng ngựa phi của Thánh Gióng hay tiếng trống đồng của thời đại Hùng Vương còn vang vọng tới giờ và mãi mai sau. Những người dựng nước và giữ nước bất tử trong lòng dân tộc Việt Nam, làm nên một truyền thống bất khuất, rất đáng tự hào. Ngày hôm nay, dù gần hay xa, dưới chân Nghĩa Lĩnh hoặc một nơi nào đó có đền thờ Vua Hùng, nén tâm nhang lòng thành dân tộc được thắp lên cũng với những xúc cảm thiêng liêng tri ân tổ tiên và nguyện gìn giữ đất nước tươi đẹp này cho muôn đời con cháu!