Lo chung, lo riêng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước khó khăn của thị trường BĐS hiện nay, quan điểm của Chính phủ là “chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều dự án bất động sản (BĐS) tại các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến nguồn cung nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp; trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, thị trường; doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án...

Đây là đánh giá của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, vừa được ban hành.

Thực tế là, bất động sản (nhà, đất) đang trầm lắng. Trong khi, không ít địa phương (tỉnh, huyện) nguồn thu ngân sách chủ yếu là từ… đất. Thị trường BĐS chuyển động tích cực sẽ kéo theo lợi ích của nhiều ngành khác như ngân hàng, xi măng, sắt thép... Đối với không ít doanh nghiệp BĐS, người môi giới, đầu cơ về BĐS (nhất là tầng lớp “lướt sóng”) thì rõ ràng đang như “ngồi trên lửa” bởi “dư thừa sản phẩm”, dự án dở dang, thậm chí lãng phí vì không triển khai được. Khách hàng (người tiêu dùng cuối cùng) thì hy vọng BĐS sẽ trở về giá trị thực của nó, không bị “thổi giá”, “móc túi” như lâu nay.

Trước khó khăn của thị trường BĐS hiện nay, quan điểm của Chính phủ là “chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”. Cách đây gần một tháng, ngày 17/2, tại Hội nghị trực tuyến về gỡ khó cho BĐS, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm: Gỡ khó BĐS trên tinh thần “không ai giải cứu ai”.

Thực tế mà nói, hơn một năm qua, hơn 40% doanh nghiệp BĐS phá sản. Đây là quy luật tất yếu của thị trường. Cổ nhân dạy: “Buôn tài không bằng dài vốn”; nếu doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, chỉ dựa vào vốn vay ngân hàng và tiền ứng trước của người mua thì rất khó chống đỡ khi thị trường “hắt hơi, sổ mũi”. Khi BĐS xây không kịp để bán thì lợi nhuận họ “bỏ túi”, lúc “dư thừa” lại kêu “giải cứu” thì không ổn. Chính Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trên đã rất rạch ròi: “Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung”.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp, nêu tại Nghị quyết số 33/NQ-CP, vấn đề “nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, BĐS đảm bảo đồng bộ, khả thi” được Chính phủ nêu lên đầu tiên. Rõ ràng, cái gốc của vấn đề là thể chế, trong đó có chính sách thuế về BĐS. Đồng thời, phải kiểm tra, giám sát; công khai, minh bạch.

Đọc thêm