“Yểm bùa” cho cân
Nhờ sự chỉ dẫn của một phụ nữ bán trái cây trên đường Tân Sơn (Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), chúng tôi biết được một cơ sở chuyên độ cân tại quốc lộ 1A, quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Hóa thân thành hai tiểu thương, chúng tôi mang theo 1 chiếc cân đồng hồ loại 5kg tìm tới địa chỉ này nhờ “độ cân”.
“Muốn làm cân lắc hay lắp chíp điện tử?” Đó là câu hỏi đầu tiên của người đàn ông khoảng 30 tuổi tên Hùng, chủ của cửa hàng buôn bán cân, độ cân này với chúng tôi. Không những thế, Hùng còn tự tâng bốc mình, ở quanh khu vực này chỉ có anh ta là có thể độ được các loại từ cân đồng hồ tới loại rất khó như cân điện tử.
Theo như lời Hùng, trong giới thường chia ra thành ba kiểu “độ” chính. Thứ nhất là độ lại lò xo, độ lắc và độ công nghệ. Tiếp lời Hùng bảo độ lại lò xo thì đơn giản, chỉ cần tác động lên chiếc lò xo trong cân như thay, mài, co giãn… còn chơi công nghệ là lắp chíp điện tử vào trong cân và dùng điều khiển chỉnh theo ý mình. Nhưng tiền nào của nấy, nếu độ lò xo chỉ mấy chục ngàn, còn độ chíp thì mấy trăm, thập chí là mấy triệu tùy thuộc vào loại chíp khách hàng lắp. Khi độ xong đứng trong khoảng phạm vi khoảng 10m là có thể điều khiển.
Khi chúng tôi đưa ra yêu cầu, độ giúp lò xo cho chiếc cân mình mang theo, Hùng nhanh nhảu cầm lấy chiếc cân và bắt đầu ngồi “phù phép”. Thoăn thoắt tháo gỡ chiếc cân anh ta vừa nói, khi vặn làm giãn lò xo thì “ăn” tối đa được 200 gram, giá độ là 20.000 đồng, nếu anh chị không muốn “ăn” nữa, tôi có thể chỉnh lại chuẩn xác như lúc đầu.
Vừa “phẫu thuật” anh ta vừa dùng một quả cân bằng sắt nặng 1kg để thử. Khi chúng tôi nói muốn ăn khoảng 100 gram, Hùng dùng kìm vặn đi vặn lại vài vòng chiếc lò xo rồi gắn vào cân thử, chỉ cần chỉnh sửa vài lần chiếc cân đã đúng như ý là biến giá trị quả cân từ 1kg thành 1,1kg. “ Với chiếc cân này thì nếu khách hàng mua tối đa 5kg thì anh ăn được 0,5 kg, ăn như vậy ít nên khó phát hiện đấy” Hùng cười nói.
Khi lắp xong chiếc lò xo đã được “phù phép”, Hùng quay qua nói: “Nếu để như vậy mà gặp quản lý thị trường là chết chắc. Muốn qua mặt họ thì cần làm một công đoạn nữa, nhưng phải tốn thêm 100 ngàn thì tôi sẽ làm cho đảm bảo họ không phát hiện”.
Tỏ vẻ đồng tình, tôi nói: “Đúng đấy, trước đây em cũng độ y như vậy khi cơ quan chức năng kiểm tra em bị phát hiện và phạt mất mấy triệu”. “Giờ các anh tính sao, làm chứ” - Hùng nói. Khi chúng tôi gật đầu đồng ý, anh ta đi ra phía sau nhà cắt một miếng cao su vuông đem gắn vào gần mặt lò xo. Hùng hướng dẫn chúng tôi: “Khi khách hàng hay quản lý thị trường có biểu hiện nghi vấn chiếc cân của mình là sai và có ý định mượn chiếc cân khác để thử thì chỉ cần lắc chiếc cân nghiêng sang bên trái hoặc phải tùy theo quy ước “độ” là cân lại trở về với đúng giá trị thực của nó, muốn có giá trị sai lệch thì lắc ngược lại. Phải tốn công canh chừng và cảnh giác với khách hàng khó tính và những đợt kiểm tra của cơ quan chức năng”.
Rời tiệm của Hùng với chiếc cân đã được “yểm bùa” với tổng giá là 120.000 đồng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vạch trần thủ đoạn của những kẻ tiếp tay cho “gian thương” với một tiệm cân khác cũng nằm ngay trên quốc lộ 1A, trước chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Tại đây, chúng tôi được vị chủ cửa hàng giới thiệu cho rất nhiều kiểu độ, nhưng theo tìm hiểu, tiệm này nổi tiếng nhất là độ cân công nghệ cao.
“Tiệm anh sửa cả hàng điện tử à”? Thấy vậy ông chủ này cười lớn rồi cho biết, họ đang chế lại cân điện tử. Làm loại đó rất khó, phải mất nhiều công và máy móc hiện đại mới có thể “hô biến” nó trở nên sai lệch được nên giá cũng khá cao. Ngoài những chiếc cân như chúng tôi mang tới, tại cửa hàng này còn bày la liệt đủ các loại cân lớn, nhỏ khác nhau. Theo tìm hiểu thì tùy vào nhu cầu từng người và mục đích sử dụng, chủ cửa hàng sẽ tư vấn riêng cho từng người khi mua hàng.
Một nhân viên đang lắp “thiết bị” vào cân. |
Vào thủ phủ cân độ…
Sau khi tìm hiểu tại hai cửa hàng trên quốc lộ 1A khu vực quận Thủ Đức, chúng tôi tìm tới khu chợ Kim Biên, quận 5 (TP. Hồ Chí Minh), nơi đây từ lâu được coi là thủ phủ của hóa chất. Thế nhưng, ít ai biết rằng, quanh khu vực chợ này còn một nghề rất nổi tiếng khác nữa là độ cân.
Không khó để tìm ra những cửa hàng mua bán và chỉnh sửa cân. Khi chúng tôi có mặt tại một cửa hàng tên M.Y, dù mới có 8h sáng nhưng đã có nhiều người đến lò “độ” cân này. Người mang theo cân trọng lượng nhỏ từ 5 tới 10kg, còn dân buôn bán lớn thì mang cân lên tới hàng 100-200kg. Với những khách hàng là tiểu thương bán hàng rong thì chỉ yêu cầu “ăn” một vài lạng, con buôn lớn thì yêu cầu “độ” ít là 5kg nhiều thì hơn 10kg tùy trọng lượng thật của cân. Tuy cửa hàng M.Y nằm ẩn trong một con hẻm nhỏ, thế nhưng nơi đây lại thu hút được nhiều người tìm tới nhất bởi những chiêu độc của họ.
Theo lời giới thiệu của bà Quyên, tại cơ sở của mình có thể “hô biến” được tất cả các loại cân từ đúng thành sai với giá rẻ nhất. Sau khi chúng tôi than vãn bị kiểm tra gắt gao quá, cần có một loại cân tinh vi hơn, một nhân viên đang “độ” chiếc đồng hồ cho khách ngoảnh lên cười nói: “Tưởng gì chứ cái đó thì có gì khó, cứ yêu cầu làm sao em làm cho hết. Sợ bị phát hiện hả, vậy thì đầu tư khoảng 5 triệu đồng vào đây, em bảo đảm bị vừa “bịp” được người mua lại vừa qua mặt được việc kiểm tra của cơ quan chức năng”.
Để chứng minh, cậu thanh niên nay buông chiếc kìm trên tay xuống và vào trong nhà đem ra một chiếc cân 100kg đặt ở giữa căn phòng. Khi chúng tôi chưa kịp hiểu anh ta làm gì thì chiếc cân đã được mở một bên ra. Chỉ tay một miếng mạch nhỏ gắn trong cân, anh ta cười nói, đó là “siêu bùa” có thể hô hoán làm cho cân sai lệch từ 10 ký cho đến vài chục ký tùy vào nhu cầu của chủ cân.
Để chúng tôi tin tưởng, người này kêu tôi đứng lên cân thử, đúng 56kg. “Đúng cân không anh? Khi tôi gật đầu người này nói tiếp, giờ anh coi lại nha. Vừa nói cậu ta vừa rút trong túi ra một chiếc điều khiển nhỏ bằng 2 đầu ngón tay và nói tôi lên lại cân. Lúc này, sau khi được nhân viên này hô biến cho nhảy múa, trong phút chốc tôi đã tăng được tới 24kg nghĩa là kim đồng hồ nhảy lên tới 80kg, con số không tưởng. Thấy hầu hết những người có mặt tại đó đều tỏ vẻ ngạc nhiên người này cười khoái trá: “Như vậy mới đáng đồng tiền bát gạo chứ. Đố ông nào có thể biết được”. Tuy tỏ ra rất hứng thú với chiêu trò vừa rồi, nhưng chúng tôi lấy lý do không mang đủ tiền nên xin phép được quay lại sau.
Qua nhiều ngày trong vai người đi độ cân, chúng tôi đã được mục sở thị cách mà các cửa hàng chuyên độ không khác nhau là mấy. Hầu hết các tiệm này đều “treo đầu dê bán thịt chó” với danh nghĩa buôn bán cân cũ, mới nhưng thực chất là vỏ bọc để “độ cân”. Những hành vi này của họ đã góp phần tiếp tay cho các gian thương, từng ngày, từng giờ móc túi người tiêu dùng./.