Vụ “sản xuất, buôn bán hàng giả” tại Đồng Nai: Cần xem xét lại chứng cứ khởi tố

(PLO) - Chỉ tiến hành chiết nạp gas thuê, không phải là cơ sở sản xuất gas để bán, vỏ bình ga là do khách hàng đưa đến nhưng chủ cơ sở chiết nạp gas bị quy kết “sản xuất, buôn bán hàng giả” liệu có hợp ký?
Vụ “sản xuất, buôn bán hàng giả” tại Đồng Nai: Cần xem xét lại chứng cứ khởi tố
Sang chiết ga thuê
Đầu năm 2011, Nguyễn Thanh Hải và Lê Văn Thìn bàn bạc góp vốn đầu tư xây dựng trạm chiết nạp gas tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư là 400 triệu đồng, trong đó Thìn góp 200 triệu đồng, Hải góp 100 triệu đồng và Lưu Văn Ngọt góp 100 triệu đồng. Thìn giao Hải trực tiếp tổ chức xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị…
Đến tháng 3/2011, việc xây dựng trạm chiết nạp gas hoàn thành và bắt đầu hoạt động. Để thuận lợi cho việc sản xuất, buôn bán, Hải, Thìn đã sử dụng hồ sơ pháp nhân của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Xuân Hằng (trụ sở tại 74C, khu phố 5, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) do Trần Thị Xuân Hằng (vợ Thìn) làm chủ doanh nghiệp, đồng thời thuê một số người làm để chiết nạp gas…
 Ngày 4/5/2012, Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra trạm chiết nạp gas của Hải và Thịnh, phát hiện Đỗ Văn Định và Dương Đình Quý đang chuẩn bị vận chuyển 62 bình gas (đã được chụp màng co giả các thương hiệu gas có uy tín, đã được bảo hộ độc quyền) không có hóa đơn chứng từ để giao cho đại lý gas số 5 Minh Lộc. Lực lượng công an đã lập biên bản phạm tội quả tang và tạm giữ các tang vật để điều tra xử lý. 
Sau không ít lần điều tra bổ sung, mới đây ngày 16/3/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Biên Hòa đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án và tang vật đến VKSND TP.Biên Hòa đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Hải, Lưu Văn Ngọt, Lê Văn Thìn và Nguyễn Hải Đại về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Vụ việc bị hình sự hóa?
 Liên quan vụ án này, nhiều luật sư cho rằng cơ sở chiết nạp gas Xuân Hằng không phải là cơ sở sản xuất gas (chỉ mua gas về bán); vỏ bình ga là do khách hàng đưa đến (để thuê cơ sở chiết nạp gas vào đó). Quá trình giải quyết vụ án đã làm rõ, gas mà cơ sở chiết nạp có hợp đồng mua (có nguồn gốc) và đã được cơ quan giám định đủ chất lượng (không phải là hàng giả). 
Có luật sư còn nêu quan điểm hành vi “chiếm dụng vỏ bình ga” trên chỉ là hành vi vi phạm hành chính, vi phạm Điểm d Khoản 2 Điều 53 Nghị định 97/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (mua, bán, vận chuyển, trao đổi, lưu trữ các loại chai LPG và LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng đã ký). 
Về màng co chụp nắp bình gas, bị can Hải cho biết, sau khi bị bắt tạm giam được 9 ngày thì Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã thu được 1 lô màng co ở cơ sở bên cạnh trạm chiết nạp gas Xuân Hằng và đưa Hải về lập biên bản, buộc Hải phải nhận tội về hành vi này. 
Nếu lời tố của Hải trên đây là đúng thì việc “thu một nơi, lập biên bản một nẻo” này là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trong quá trình điều tra vụ án. Mặt khác, đến ngày 4/5/2012 thì Nhà nước chưa có quy định quản lý nhãn hiệu độc quyền hàng hóa về màng co nên không thể áp đặt cho cơ sở chiết nạp gas Xuân Hằng sản xuất, mua bán màng co giả.
Kết luận điều tra bổ sung số 58 ngày 16/3/2015 của Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa nêu: Cơ sở chiết nạp gas Xuân Hằng đã chiết nạp gas vào những chai gas của những thương hiệu đã đăng ký độc quyền là vi phạm pháp luật. 
Để có thể quy kết theo nội dung trên, cần phải làm rõ một số tình tiết khác như: Vì sao cơ sở bán gas lấy thương hiệu đăng ký độc quyền bán cho cá nhân, tổ chức sử dụng đã nhiều năm mà cơ quan chức năng không hề biết để bắt họ bồi thường thiệt hại? Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có rất nhiều cơ sở chiết nạp gas để bán ra thị trường và theo cơ chế thị trường thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm của những cơ sở chiết nạp gas có chất lượng cao và giá thành thấp. 
Hơn nữa, người tiêu dùng khi đã mua gas của những hãng gas có thương hiệu độc quyền thì cũng có nghĩa vỏ bình đã thuộc quyền sở hữu của họ (họ đã trả tiền vỏ bình). Nếu họ mang bình gas này đến chiết nạp tại cơ sở của Hải, Thịnh thì sao lại quy kết Hải, Thịnh giả thương hiệu độc quyền được?
Kết luận điều tra còn cho rằng, DNTN Xuân Hằng không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập chi nhánh tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa nhưng Hằng vẫn lấy danh nghĩa DNTN của mình cho Hải, Thìn và Ngọt sử dụng pháp nhân doanh nghiệp để đầu tư trang thiết bị mua máy móc, trụ bơm, bồn chứa gas. Từ tháng 4/2011 đến ngày 07/5/2012, Hằng đã ký hợp đồng mua bán gas với các đại lý, công ty gas và ký xuất hóa đơn GTGT cho các khách hàng đến mua gas, đồng thời hàng tháng thuê kế toán khai báo cáo thuế tại Chi cục Thuế Biên Hòa nhằm hợp thức hóa hoạt động sang chiếc gas trái phép.
Tuy kết luận như trên nhưng cơ quan CSĐT lại tách Trần Thị Xuân Hằng để giải quyết bằng một vụ án khác với cùng tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là vô lý. Việc khởi tố vụ án và coi Nguyễn Thanh Hải là đầu vụ, buộc Hải phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho các cơ sở chiết nạp gas có thương hiệu độc quyền, tách Hằng để khởi tố thành một vụ án khác cùng tội danh cần phải được xem xét lại một cách khách quan, toàn diện. 

Đọc thêm