“Lỗ hổng” dẫn đến lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

(PLO) - Cục Thú y, Bộ NN&PTNT vừa cho biết có đến 100% các cơ sở sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhưng chỉ có 63% cơ sở tuân thủ đúng liều lượng và liệu trình sử dụng kháng sinh và các tỉnh ở Đông Nam bộ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhiều hơn các tỉnh phía Bắc.
Thông tư cho phép sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi dễ gây hiện tượng lạm dụng gây hậu quả đến sức khỏe con người và môi trường.

Việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh không đúng quy định trong chăn nuôi đã gây ra các tác hại rất lớn cho sức khỏe con người, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái.

Đông Nam bộ dùng kháng sinh trong chăn nuôi nhiều hơn ngoài Bắc

Trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam đang sử dụng có 51 loại hoạt chất kháng sinh. Mục đích sử dụng nhằm điều trị bệnh, phòng bệnh và kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở chăn nuôi lạm dụng và sử dụng kháng sinh không đúng quy định gây ra các tác hại rất lớn như phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột của gia súc, gia cầm và sau đó là người, gây tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa… làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Theo dự án điều tra tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn tại 5 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình và Nam Định năm 2015 của Cục Thú y cho thấy, có đến 100% số cơ sở chăn nuôi có sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho lợn; 68% số cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng; 24,04% số cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, trong đó 1,23% số hộ trộn bằng kháng sinh dạng nguyên liệu.

Các tỉnh Đông Nam bộ sử dụng kháng sinh nhiều hơn các tỉnh phía Bắc. Những loại kháng sinh được nhiều cơ sở chăn nuôi sử dụng là Amoxcillin, Tylosin, Tetracilin, Lincomycin, Gentatylo, Enrofloxacin, Dexamethasone, Neomycin…  và có khoảng 3% số hộ đã từng sử dụng kháng sinh trong danh mục hạn chế, cấm sử dụng.

Báo cáo cũng cho thấy, có 63% cơ sở tuân thủ liều lượng và liệu trình sử dụng kháng sinh. Có 86% số cơ sở biết về quy định ngừng sử dụng kháng sinh trước khi xuất chuồng và 83% cơ sở đã ngừng sử dụng kháng sinh điều trị bệnh theo quy định. Thế nhưng đó là việc sử dụng kháng sinh trong điều trị, còn việc sử dụng thức ăn chứa kháng sinh thì có đến 50% số cơ sở vẫn sử dụng cho đến khi xuất chuồng.

Lỗ hổng từ luật?

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, Cục Thú y thẳng thắn cho biết: “Tại Thông tư số 81 ngày 25/12/2009 của Bộ NN&PTNT cho phép cơ sở chăn nuôi sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích tăng trưởng, Thông tư này dễ gây hiện tượng lạm dụng kháng sinh gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường. Chưa kể, hiện nay vẫn chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y sai mục đích, bán cho các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép kinh doanh nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc thú y. Chế tài xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y còn thấp chưa đủ sức răn đe”.

Vậy làm thế nào để người chăn nuôi không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, có nhiều giải pháp được đưa ra. Đó là xem xét và bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y cho các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y và hành vi sử dụng nguyên liệu kháng sinh để phòng trị bệnh cho động vật vào Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Nâng mức xử lý vi phạm, đặc biệt đối với hành vi sử dụng thuốc kháng sinh cấm, nếu phát hiện vi phạm, sẽ phạt nặng, có thể tiêu huỷ đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc sử dụng thuốc thú y và tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh không đúng quy định. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng cho động vật.

Không chỉ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhiều cơ sở còn sử dụng chất cấm gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường. Những chất cấm mới được phát hiện gần đây là Salbutamol được sử dụng với mục đích kích thích tăng trưởng, tạo nạc, Auramine nhằm tạo màu bắt mắt cho cám.

Trong ba tháng đầu năm 2016, Cục Thú y đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi như TP HCM có 88/473 mẫu dương tính với Salbutamol, Thái Nguyên 5/50 mẫu dương tính, Khánh Hòa 1/23 mẫu dương tính, Thanh Hóa 3/70 mẫu dương tính (số liệu tháng 1/2016).

Phải ngừng sử dụng kháng sinh trước khi giết mổ

Để hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng kháng sinh gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, Cục Thú y cho biết nguyên tắc khi sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi: chỉ sử dụng kháng sinh khi đã xác định được căn nguyên là vi khuẩn hoặc trong trường hợp có nguy cơ nhiễm khuẩn cao (phẫu thuật); lựa chọn kháng sinh hợp lý (đúng chủng loại); phải nắm vững nguyên tắc khi cần thiết phải sử dụng phối hợp kháng sinh (nắm chắc tác dụng cộng dồn, tác dụng hiệp đồng hoặc tác dụng đối kháng, không bao giờ được sử dụng phối hợp kháng sinh diệt khuẩn với một loại kháng sinh kìm khuẩn; sử dụng kháng sinh đúng thời gian, đủ liệu trình; ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, giết mổ đúng thời gian theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý.

Đọc thêm