Thông tin được bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai công bố. Ông Trung cho biết: "Trong ngày 6/5, Sở Y tế sẽ có báo cáo liệu kết quả xét nghiệm máu ghi nhận vi khuẩn E.coli có trùng hợp với mẫu thức ăn hay không".
Vi khuẩn E.coli thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống... Các triệu chứng khi mắc E.coli thường là buồn nôn và nôn, tiêu chảy ra nước hoặc máu tùy vào loại E.coli. Người bệnh có thể khởi phát sau 3 - 4 ngày ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn và kéo dài triệu chứng từ 5 - 10 ngày.
Khuẩn E.coli lây nhiễm ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ, người già dễ trở nặng và gặp biến chứng nghiêm trọng như hội chứng tán huyết ure. Hội chứng này khiến các tế bào hồng cầu bị tổn thương gây suy thận.
Trước đó, ngày 30/4, tiệm bánh mì Băng, ở đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, TP Long Khánh bán ra 1.100 ổ bánh mì. Đến ngày 1/5, những người ăn bánh mì có dấu hiệu ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn..., nhập viện cấp cứu, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm.
Hiện cơ quan chức năng ghi nhận 530 người nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng. Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị 5 bệnh nhi nặng, trong đó ba em đã tương đối ổn định và tốt dần lên. Hai em còn lại vẫn thở máy, trong khi một em tiên lượng tốt thì trường hợp còn lại chuyển xấu do từng bị ngưng tim khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM tiếp nhận nam bệnh nhi 6 tuổi nguy kịch từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chuyển lên. Hiện các bác sĩ nỗ lực kiểm tra, đánh giá lại tình trạng của trẻ và hội chẩn tìm phương án cứu chữa.
Chủ tiệm bánh mì Băng cho biết mua nguyên liệu, thực phẩm ở các cửa hàng nhỏ lẻ rồi về tự chế biến tại nhà. Trong đó pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Các nguyên liệu khác như chả lụa, thịt nguội, thịt heo... được tiệm mua từ nơi khác.
Hiện cơ sở này đã bị ngưng hoạt động. Cơ quan chức năng đang truy nguồn gốc nguyên liệu và thực phẩm trên, cũng như xét nghiệm mẫu tìm tác nhân gây ngộ độc.
Sáng 3/5, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế Đồng Nai về vụ ngộ độc thực phẩm. Đoàn công tác đề nghị Sở Y tế tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng. Nếu những trường hợp nào ổn định cho những bệnh nhân xuất viện về nhà, tập trung điều trị những ca nặng hơn. Ông Long đề nghị qua vụ việc này, các ngành chức năng của Đồng Nai cần chú ý hơn đến việc kiểm soát các cơ sở buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, tránh lặp lại vi phạm.