3 “lỗ hổng” ngày càng bị nới rộng
Theo GS. Đặng Hùng Võ, thực trạng vận hành Luật đất đai 2013 cùng những chính sách về đất đai của chúng ta hiện nay cho thấy pháp luật về đất đai đang có 3 “lỗ hổng” lớn và những lỗ hổng này không những không được thu hẹp mà càng ngày càng nới rộng ra.
“Lỗ hổng” thứ nhất, theo GS. Võ, nằm ở sự khó khăn trong việc vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường. “Sở hữu đất đai là công hữu nhưng chúng ta phải công nhận vận hành quyền sử dụng đất trên thị trường. Giá quyền sử dụng đất là rất trừu tượng và thậm chí lệch nhiều so với giá trị mảnh đất” – ông nhận định.
“Lỗ hổng” thứ hai, đó là cơ chế nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường tái định cư. Biện giải rõ hơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ chế này đã được xác lập từ Luật Đất đai đầu tiên năm 1987 nhưng bồi thường hỗ trợ tái định cư thì chưa có chính sách gì trong giai đoạn đấy. Năm 1993, chúng ta dùng cơ chế nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. “Đây là một tiêu chí thu hồi đất “rất đẹp” nhưng vận dụng trong thực tế lại có sự vênh nhau” – ông nhận định.
GS. Võ chỉ ra rằng các quy định được ban hành năm 2003 đã rành mạch hơn trong việc công bố mục đích thu hồi đất. “Đã xác định rõ tiêu chí nào là vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Không có chuyện dùng đất quốc phòng để kinh doanh mà gọi đó là đất quốc phòng” – ông nói. Song, đến Luật Đất đai 2013 lại chọn phương án nghiêng về Nhà nước thu hồi đất nhiều hơn, trong khi không có nhiều kinh nghiệm đền bù, dẫn đến thực tế là những dự án do Nhà nước thu hồi đất thì khiếu kiện nhiều, còn những dự án do nhà đầu tư tự thương thảo thì thường chỉ đạt được thỏa thuận khoảng 70%-80%, phần còn lại là do người dân phát giá “trên trời” nên nhà đầu tư không chịu. Ông cũng cho rằng Luật này vẫn chưa giải quyết được vấn đề xử lý đối với những dự án “treo” không thực hiện được.
“Lỗ hổng” thứ ba được GS Võ chỉ ra là cơ chế quyết định hành chính phát sinh ra tiền. “Quyết định hành chính cho phép chuyển đất từ nông nghiệp thành phi nông nghiệp rồi đất phi nông nghiệp thành đất thổ cư sẽ sinh ra rất nhiều tiền. Diện tích càng lớn thì tiền càng nhiều. Đây là nguồn cơn của tham nhũng” – ông nói.
Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân
Là chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP và chuyên nghiên cứu về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, bà Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết, trong các dự án mà UNDP đã nghiên cứu cho thấy có hiện tượng tham nhũng hoặc nguy cơ tham nhũng trong các dự án mua sắm, đấu thầu hay “chung chi” trong các dự án xây dựng.
Theo bà Huyền, vấn đề gây bức xúc nhất cho dân là sự không thỏa đáng trong bồi thường diện tích đất bị thu hồi. Một ví dụ, 1.000m2 đất thu hồi chỉ được đền bù tái định cư tại chỗ 100m2 cho gia đình 4 người, khiến người dân có cảm giác chính quyền thông đồng với nhà đầu tư để thu hồi mảnh đất. Vẫn theo bà Huyền, sau 7 năm nghiên cứu trong lĩnh vực đất đai, bà nhận thấy tại các địa phương tỉ lệ người dân tiếp cận được kế hoạch sử dụng đất chỉ dao động tầm 13,6% - 20%. Còn việc góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất cũng chỉ có khoảng 3% đến 5%.
TS. Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển (CECODES) thì cho rằng việc thiếu giám sát của cộng đồng trong thu hồi đất đối với các công trình, dự án cộng đồng là một trong những nguyên nhân gây mất niềm tin của dân đối với cơ quan chức năng. Theo ông Giang, luật quy định cộng đồng có Ban Thanh tra nhân dân nhưng trên thực tế các ban thanh tra này không làm được gì nên không có cơ chế nào để người dân có thể giám sát các công trình đúng thiết kế hay không, đúng dự trù kinh phí hay không.
Bàn về giải pháp giải quyết những hạn chế, tồn tại của các chính sách đất đai hiện tại, TS. Hoàng Xuân Lương - nguyên Thứ trưởng Uỷ ban Dân tộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc và miền núi cho rằng, cần phải sửa Luật Đất đai 2013. Về giải pháp ngắn hạn, các chuyên gia nhấn mạnh đến giải pháp đối thoại khi cần thu hồi đất, người dân cũng như doanh nghiệp cần dựa trên luật pháp để giải quyết các mâu thuẫn nội tại liên quan đến đất đai…