Lo ngại các kênh mạng ảnh hưởng xấu tới trẻ em

(PLVN) - Trẻ em xem và bắt chước các thần tượng trên các kênh mạng đang trở thành một thực tế đáng lo ngại không chỉ cho các bậc phụ huynh mà cả với xã hội.
Một clip “triệu view” có nội dung không tốt với trẻ em.
Một clip “triệu view” có nội dung không tốt với trẻ em.

Nhiều clip có nội dung nguy hiểm

Những năm gần đây, sự xuất hiện của một số kênh thiếu nhi có nội dung xấu, nguy hiểm đã làm các bậc phụ huynh lo lắng. Những sự việc như kênh về chú heo hồng có chèn đoạn clip độc hại hướng dẫn tự sát, rạch mặt.

Kênh Người nhện và công chúa Elsa do người đóng, thực tế lại là một phiên bản bóp méo của các nhân vật được thiếu nhi yêu thích, với các hành động lố lăng, khiêu dâm. Hay như trào lưu hết sức nguy hại là Momo, với biểu tượng đáng sợ, hướng dẫn trẻ cách tự hủy hoại bản thân…

Không chỉ có các clip, các kênh nguồn gốc nước ngoài, nhiều kênh trong nước dành cho thiếu nhi cũng chứa một số mầm nguy hiểm. Như kênh Thơ Nguyễn, thời gian trước đây từng bị cộng đồng chỉ trích vì những trò “xúi dại” trẻ, như cho đá khô vào chai nhựa đóng kín, khiến chai phát nổ. Hoặc clip khá phản cảm đăng tải cảnh cô này trong bồn tắm với âm thanh khá “ám muội”.

Sau khi nhận phản ứng mạnh từ các bậc phụ huynh, đồng thời đứng trước nguy cơ bị đóng trang, sau đó Thơ Nguyễn đã có sự điều chỉnh nội dung cho phù hợp hơn. Tuy nhiên mới đây, một kênh khác giả mạo Thơ Nguyễn trên Youtube cũng khiến các bậc phụ huynh “hú hồn”. Kênh này cũng đặt tên Thơ Nguyễn, lấy hình ảnh giống hệt, nhưng lại đăng những bài viết về... vùng kín phụ nữ (!).

Thực tế, không ít mầm độc hại, đáng sợ xuất hiện từ các kênh Youtube giả mạo dành cho thiếu nhi, hoặc dùng mã độc chèn vào giữa đoạn clip dành cho thiếu nhi. Các kênh này thường “núp bóng” là kênh hoạt hình, cổ tích hay dạy tiếng Anh, dạy kĩ năng cho trẻ để đưa vào những clip có nội dung xấu. Mục tiêu là “câu view”, thu hút nhiều lượng xem để trục lợi.

Ẩn họa khó lường

Mới đây, tại Trung Quốc đã xảy ra một sự việc đau lòng khi trẻ em bắt chước thực hành theo video clip của một nhân vật nổi tiếng trên mạng.

Cô Yeah là người được cư dân mạng Trung Quốc mệnh danh là “thánh ăn công sở” bởi những clip nấu nướng bằng bất cứ vật dụng gì có sẵn nơi văn phòng làm việc. Nhưng clip như nướng thịt, nấu lẩu bằng vỏ chiếc CPU, làm bắp rang bơ hay xào mì trên bàn làm việc của cô Yeah có trên chục triệu lượt xem cho mỗi clip.

Hay như việc có hai bé gái, là “fan” hâm mộ của “thánh ăn công sở” đã bắt chước một trong những clip trên, làm bắp rang bơ trong hộp thiếc. Trong quá trình sử dụng cồn, lửa đã bốc cháy mạnh khiến một bé tử vong, một bé bị thương nặng, hủy hoại gương mặt. Hiện cô Yeah đang đối mặt với yêu cầu chịu trách nhiệm từ phía gia đình và cộng đồng.

Clip của cô Yeah nói trên không chỉ được xem ở phạm vi Trung Quốc. Và cũng không chỉ bắt chước clip làm bắp rang bơ, nếu trẻ bắt chước các clip khác thì tính nguy hiểm cũng cao, như việc tháo vỏ chiếc CPU ra để nướng thịt, hay tận dụng các thiết bị điện trong nhà, văn phòng để nấu nướng theo kiểu “dã chiến”.

Sự việc nói trên không chỉ là tiếng chuông cảnh báo lớn cho cư dân mạng Trung Quốc. Tại Việt Nam tồn tại không ít cá nhân, kênh chuyên quay những clip “chơi dại” như thế. Người thì chuyên quay clip ăn sống sinh vật đang bò, đốt sách vở, tạo các phản ứng hóa học gây cháy nổ.

Có phụ huynh đã chia sẻ, con mình suýt gặp nguy hiểm vì bắt chước một Vlogger, bỏ bạch tuộc sống vào miệng. Nhiều trẻ bắt chước các trò thử phản ứng hóa học trên mạng chỉ, gây ra đám cháy…

Trẻ em có tính tò mò cao, đồng thời cũng chưa có khả năng phân biệt được đâu là hướng dẫn kĩ năng thật, đâu là những trò chơi, “câu view” không nên thử trên thực tế. Ví dụ như những clip của cô Yeah nói trên, chỉ nên xem ở tính giải trí, tạo trò vui, còn nếu bắt chước nấu ăn theo hướng dẫn, chắc chắn không thể sử dụng được, hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe...

Tuy nhiên, vì không phân biệt được, vì cảm thấy thích thú, trẻ em thường có xu hướng bắt chước cách làm và cũng từ đó nhiều hậu quả không hay xảy đến.

Nhiều phụ huynh có thói quen “thả” điện thoại thông minh, máy tính bảng cho con mình xem thoải mái. Có máy trong tay, trẻ dễ dàng lân la từ kênh trẻ em sang kênh người lớn, và từ đó tiếp nhận không biết bao nhiêu mầm độc vào tâm trí.

Đã có những chuyên gia IT đưa ra các hướng dẫn để phụ huynh có thể cài trong máy nhằm ngăn chặn các mã độc, clip độc hại, hoặc hạn chế chỉ cho phép trẻ tiếp cận các video theo độ tuổi. Cạnh đó, không khó để dành ít phút mỗi ngày rà soát xem hôm nay con xem gì trên điện thoại. Nhưng đáng tiếc là rất nhiều cha mẹ chưa thực sự chú tâm đến các kĩ năng này./.