“Black Lives Matter” - câu chuyện dài của khát vọng bình đẳng

(PLVN) - Bùng phát tại Mỹ và nhanh chóng lan rộng khắp các châu lục trong bối cảnh cả thế giới đang lao đao đối phó với dịch bệnh Covid-19, phong trào “Black Lives Matter” (Quyền được sống của người da màu) mang một khát vọng, không phải đề cao cá nhân, mà hướng tới sự bình đẳng thực sự.
Phong trào Black Lives Matter lan rộng sau cái chết của George Floyd.
Phong trào Black Lives Matter lan rộng sau cái chết của George Floyd.

Làn sóng phẫn nộ

Trước thời điểm ngày 25/5/2020, virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 là chủ đề tranh luận hàng đầu tại Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới. Vào ngày 25/5, mọi thứ đã thay đổi, cho dù virus vẫn đang lây lan và gây chết chóc với tốc độ khủng khiếp thì câu nói của một người da màu: “Tôi không thở được”, thốt ra khi ông bị đè chết dưới đầu gối của một cảnh sát da trắng, còn lan rộng nhanh hơn.

Vào ngày đó, ông George Floyd (46 tuổi) đã bị thiệt mạng do cảnh sát lạm dụng bạo lực khi trấn áp. Vụ việc của ông George Floyd đã thổi bùng lên một làn sóng phản đối chưa từng thấy kể từ phong trào dân quyền những năm 1960. Cái chết của ông được coi là ngòi nổ kích hoạt nhận thức quốc gia về vấn đề chủng tộc tại Mỹ.

Chỉ vài ngày sau, “Black Lives Matter” đã trở thành khẩu hiệu phổ biến tại các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ ở tất cả 50 bang của Mỹ. Bất chấp yêu cầu giãn cách xã hội của cuộc chiến chống Covid-19, hàng chục ngàn người vẫn xuống đường tuần hành nhằm phản đối nạn đối xử bất bình đẳng và bạo lực của cảnh sát.

Từ Mỹ, làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc nhanh chóng lan rộng khắp các châu lục, với những cuộc xuống đường quy mô lớn, nhiều cuộc thu hút hơn 10.000 người tham gia.

Hoạt động hưởng ứng phong trào “Black Lives Matter” diễn ra ở Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Hungary, Bỉ, Áo, Canada, Australia, New Zealand... Sự kiện George Floyd cho thấy nạn phân biệt chủng tộc như ngọn lửa luôn âm ỉ trong lòng nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.

Thực trạng phơi bày

Đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật tình trạng bất bình đẳng xã hội ở Mỹ, số liệu cho thấy những người sống tại các khu dân cư nghèo có tỷ lệ tử vong cao hơn từ 3-5 lần so với các khu giàu có. Hồi giữa tháng 4, người da màu chiếm 40% số ca tử vong do Covid-19 ở Illinois, trong khi chỉ chiếm 15% dân số bang này.

Theo một cuộc thăm dò của Viện Monmouth sau vụ George Floyd, 57% người Mỹ được hỏi cho rằng cảnh sát sử dụng “vũ lực quá mức” đối với người da màu hơn là đối với người da trắng.

Cần nhắc lại rằng chỉ có 33% người được hỏi đưa ra nhận định này sau cái chết của Eric Garner năm 2014. Thậm chí một cuộc khảo sát của ABC News/Ipsos còn chỉ ra rằng 74% người Mỹ được thăm dò coi vụ việc George Floyd là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn trong thái độ đối xử của cảnh sát với người da màu, trong khi chỉ 43% nghĩ như vậy vào năm 2014, thời điểm thành phố Ferguson bạo loạn sau cái chết của Michael Brown.

Trong suốt 35 năm làm việc, nhà tư vấn về chính sách và truyền thông của đảng Cộng hòa Frank Luntz chưa bao giờ thấy quan điểm “thay đổi sâu sắc và nhanh chóng” đến thế. Trên mạng Twitter, ông nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đã là một đất nước khác chỉ cách đây 30 ngày.”

 

Thuật ngữ “Black Lives Matter” được nhà hoạt động Alicia Garza tại Oakland lần đầu tiên sử dụng vào năm 2013 trên mạng xã hội, sau khi thiếu niên da màu Trayvon Martin bị một nhân viên bảo vệ ở Florida giết hại.

Năm 2014, căng thẳng tăng cao khi phe bảo thủ phản pháo lại với khẩu hiệu “All Lives Matter” (Tất cả sinh mạng đều quan trọng), và lực lượng cảnh sát với “Blue Lives Matter” liên quan đến sắc phục của họ. Tuy vậy, phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ngày càng phát triển. Bà Alicia Garza giải thích: “Chúng tôi bị đối xử quá cực đoan, đi quá xa giới hạn của những gì có thể xảy ra. Và bây giờ, với vô số cái chết của người da màu, thông điệp thực sự có ý nghĩa.”

Quan điểm xã hội thay đổi, phong trào mang màu sắc mới khi nhìn vào thành phần tham gia các cuộc biểu tình. Chưa bao giờ nhiều người da trắng - đặc biệt là những người trẻ tuổi - tham gia “cơn thịnh nộ” của người da màu đến vậy.

Ngày nay, “Black Lives Matter” không còn bị coi là một phong trào cực đoan nữa. Liệu có nhất thiết phải giải thích rằng khẩu hiệu trên không có nghĩa là cuộc sống của người da màu quan trọng hơn, mà chỉ đơn giản là cũng quan trọng như những người khác? Thế hệ trẻ Mỹ dường như đã hiểu được thông điệp rằng “Black Lives Matter” luôn là một “lời kêu gọi tập hợp vì công lý.”

Cử chỉ mạnh mẽ

Trong số những biểu tượng mạnh mẽ, quỳ gối, từ lâu được coi là một cử chỉ cực đoan, ngày càng được nhiều người thực hiện. 

Năm 2016, cầu thủ bóng đá người Mỹ Colin Kaepernick đã khuỵu gối xuống đất khi hát quốc ca, để thể hiện chống nạn phân biệt chủng tộc. Liên đoàn bóng đá quốc gia Mỹ bị kêu gọi tẩy chay và cầu thủ này đã phải kết thúc sự nghiệp thể thao của mình sớm hơn dự kiến. 

Ngày nay, cảnh sát quỳ gối bên cạnh những người biểu tình. Các chính trị gia như Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng đã làm như vậy. Giới kinh doanh cũng tham gia phong trào. Nhiều thương hiệu lớn nhỏ đã ra thông cáo báo chí khẳng định cam kết chống phân biệt chủng tộc. Ông chủ Twitter Jack Dorsey coi ngày 19/6, kỷ niệm tuyên bố giải phóng nô lệ người Mỹ gốc Phi ở Texas, như một ngày nghỉ lễ của công ty.

Tập đoàn công nghệ Google thông báo gói hỗ trợ trị giá 175 triệu USD dành cho các chủ doanh nghiệp, người sáng lập các công ty khởi nghiệp, người tìm việc làm và các nhà phát triển phần mềm là người da màu...

“Black Lives Matter” trở thành một khẩu hiệu toàn cầu chống nạn phân biệt chủng tộc. Ba ngày sau sự kiện George Floyd, Twitter đã ghi nhận hơn 8 triệu tin nhắn mang hashtag #BlackLivesMatter. Đặc biệt, tại châu Âu nổi lên làn sóng “đạp đổ tượng”, khi người biểu tình muốn xóa bỏ khỏi không gian công cộng những bức tượng của các nhân vật đại diện cho chế độ thực dân hoặc nô lệ.

Ở bến cảng Bristol (Anh), những người biểu tình đã lật đổ tượng nhà buôn nô lệ thế kỷ 17 Edward Colston và ném xuống nước. Ở London, bức tượng Robert Milligan (một chủ đồn điền nô lệ thế kỷ 18) đã bị tháo dỡ. Ở Glasgow (Scotland), các cuộc tranh cãi xoay quanh bức tượng William III xứ Orange, vị vua Anh gốc Hà Lan có liên quan tới việc buôn bán nô lệ.

Tại Bỉ, các bức tượng Leopold II là đích ngắm của làn sóng “phi thực dân hóa không gian công cộng” mà các phong trào chống phân biệt chủng tộc tuyên bố. Vị vua trị vì từ năm 1865 đến 1909 này là người đã biến Congo thành thuộc địa của Bỉ. Sau cuộc biểu tình vào tháng 6 trước tòa án Brussels, các tượng bán thân của Leopold II đã biến mất khỏi các trường đại học Mons và Leuven.

Cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc tại Pháp dâng cao vào đầu tháng 6 với hàng loạt cuộc biểu tình kéo dài suốt hơn 2 tuần tại các thành phố lớn. Ủy ban Adama (được đặt theo tên của Adama Traoré, người thanh niên da màu gốc Mali 24 tuổi qua đời tháng 7/2016 sau khi bị hiến binh bắt giữ) đã trở thành mũi nhọn của phong trào chống bạo lực cảnh sát, một chủ đề thảo luận hàng đầu trên các phương tiện truyền thông Pháp kể từ vụ việc George Floyd.

Hiện tượng này tồn tại cả trong các dịch vụ công lẫn khu vực tư nhân tại Pháp, dẫn đến sự bất bình trong các cộng đồng thiểu số. Một ngọn lửa âm ỉ dễ dàng bị thổi bùng thành đám cháy lớn với bất kỳ yếu tố kích thích dù là nhỏ nhất.

Giống như một loại virus, nạn phân biệt chủng tộc thường xuyên biến đổi và mỗi đột biến khiến nó trở nên nguy hiểm hơn. Do đó, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc không thể tách rời cuộc chiến vì bình đẳng, chống chủ nghĩa bài Do Thái, chống kỳ thị đồng tính, chống phân biệt giới tính và tất cả các hình thức phân biệt khác.

Tròn 55 năm trước, tháng 12/1965, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và công ước này đã có hiệu lực từ năm 1969. Giữa tháng 6 vừa qua, sau vụ George Floyd, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lên án nạn phân biệt chủng tộc. 

Đọc thêm