Lo ngại đờn ca giảm chất “tài tử”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ ngày 5/12/2013. Sau gần 9 năm, công tác bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này vẫn đang vượt qua những khó khăn.
Công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)
Công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Câu lạc bộ đờn ca tài tử - lượng nhiều, chất ít?

Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau.

Bảo tồn đúng hồn cốt, bản sắc, truyền tải đến người thưởng thức một bản đờn ca tài tử đúng nghĩa cũng là một thách thức đặt ra hiện nay. Tại khắp 21 tỉnh phía Nam, hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có Câu lạc bộ Đờn ca tài tử (CLB ĐCTT). Chỉ tính riêng TP HCM, con số thống kê chưa đầy đủ, hiện đang có 118 CLB ĐCTT với hơn 2.000 tài tử.

Có trường hợp địa phương thành lập CLB ĐCTT để biểu diễn phục vụ là chính và theo phong trào chứ chưa thực sự là điểm hẹn của những người yêu thích ĐCTT. Chưa kể, nhiều CLB hoạt động theo hình thức “tự thân vận động” là chính nên rất khó duy trì sinh hoạt, tổ chức các hoạt động truyền dạy và biểu diễn thường xuyên.

Đa phần các thành viên trong các CLB đều lớn tuổi, còn những người trẻ hầu như vắng bóng. Giới trẻ hiện nay thích tân nhạc nhiều hơn. Họ thích cái gì dễ học, còn ĐCTT rất khó học, đòi hỏi phải có lòng nhiệt huyết, đam mê.

Nhiều nghệ nhân dân gian giỏi nghề vì tuổi cao sức yếu đã qua đời, các bậc trưởng bối trong lĩnh vực ĐCTT, những “báu vật nhân văn sống” đã dần mai một. Nhiều nhà văn hóa lo ngại, chậm chân ngày nào, nguy cơ thất truyền sẽ ngày càng cao. Lớp “tre” đã già, nhưng lớp “măng” lại chưa kịp mọc lượng và chất.

ĐCTT có rất nhiều giọng ca hay nhưng lại thiếu trầm trọng những tay đờn. Khó là ở chỗ, chỉ mất khoảng 6 tháng là có thể học ca được tài tử, trong khi người học đờn phải tốn ít nhất là 3 năm, thậm chí lâu hơn để học đờn những bài bản này.

Còn đó những nỗi lo

Các loại hình nghệ thuật khác như các dòng nhạc mới, nhạc số... phát triển hấp dẫn hơn đã cạnh tranh, lấn át ĐCTT. Một thực trạng không ít địa phương đang gặp phải là với những người sống được bằng “nghề” thì sẵn sàng bỏ sinh hoạt, hội diễn, liên hoan để đi show kiếm sống. Thậm chí, phong cách “chơi” cũng không còn giữ đúng chất tài tử. ĐCTT dần bị “thương mại hóa”, trở thành một sản phẩm phục vụ ở các nhà hàng, quán ăn, đám tiệc. Ở những không gian này, người ca là thực khách của nhà hàng, còn người đàn là người phục vụ.

Với mối quan hệ này thì người ca và người đàn không có sự tri âm của những bậc tài tử mà chỉ chú trọng đến tính chất phục vụ. Nhiều bạn trẻ tham gia chỉ có xu hướng hát vọng cổ, trích đoạn, không đi sâu vào 20 bài tổ của ĐCTT, một số lại chỉ hát được 1 đến 2 lớp trong bản tổ mà không hát được trọn vẹn tác phẩm. Người ca không dám ngẫu hứng hòa nhịp đờn ca để “khoe giọng”, người đàn lại càng không dám sáng tạo để “khoe ngón đờn”. Điều này giảm tính “phiêu” của khí chất tài tử vốn là thế mạnh môn nghệ thuật độc đáo này.

Lại có nơi, khi biểu diễn ĐCTT phục vụ du khách lại không có dàn nhạc đầy đủ tứ tuyệt (gồm đờn kìm, đờn cò, đờn tranh và đàn bầu), mỗi địa phương lại hát một kiểu khiến du khách hiểu chưa đầy đủ, trọn vẹn về sự độc đáo, hòa quyện nhuần nhuyễn của các loại nhạc cụ và giọng ca trong nghệ thuật ĐCTT. Nó phản ánh không đúng giá trị của ĐCTT, vô tình làm lu mờ giá trị và bản sắc của di sản.

Thực tế cho thấy, ở một số địa phương tổ chức không ít cuộc liên hoan, hội thi nhưng dường như chỉ đậm tính phong trào, đơn giản và hời hợt.

Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đào tạo cần có tính hệ thống, phát huy các sáng tác địa phương và thực hiện kết hợp đa phương tiện trong giảng dạy bên cạnh phương pháp dạy truyền khẩu, truyền “ngón” của nghệ nhân... Nhạc tài tử thuộc nhạc cổ điển với 20 bài bản tổ phổ biến, được sử dụng chung cho loại hình ĐCTT ở khắp nơi trong cả nước mà không có sự phân biệt vùng miền riêng lẻ.

Các địa phương, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch cũng cần có sự đầu tư bài bản hơn. Các khu du lịch nên chú ý tạo không gian trình diễn ĐCTT phù hợp, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong lời giới thiệu, thuyết minh trong chương trình biểu diễn để du khách hiểu rõ hơn nét độc đáo, sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhằm tôn vinh quảng bá, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, Liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ III năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 5 - 10/4/2022 tại TP Cần Thơ. Liên hoan lần này có chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bảo tồn và phát triển”, được tổ chức quy mô cấp quốc gia, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo.

Trong đó, điểm nhấn là Lễ khai mạc Liên hoan dự kiến có khoảng 1.000 đại biểu tham dự. Các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan gồm: Hội thi nghệ thuật ĐCTT với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản Đất phương Nam”; Tổ chức Không gian ĐCTT với sự tham gia của 21 tỉnh, thành Nam Bộ; Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”…

Đọc thêm