Còn xa so với mục tiêu
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2018.NQ-CP ngày 15/5/2018 về “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, (MTKD) nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo” tổ chức ngày hôm 24/5, Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, Nghị quyết 19 được ban hành từ năm 2014, sau 4 năm triển khai thực hiện, đa phần các chỉ số có sự cải thiện về điểm DTF (điểm tuyệt đối) và thứ hạng, trong đó 3 chỉ số (gồm Tiếp cận điện năng, Bảo vệ nhà đầu tư, và Nộp thuế) có mức độ cải thiện tốt nhất.
Đáng lưu ý, 3 chỉ số (Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản; Giải quyết tranh chấp Hợp đồng; và Giải quyết phá sản DN) không có cải thiện, giảm điểm và tụt hạng. 2 chỉ số ( Khởi sự kinh doanh và Giải quyết phá sản DN) đứng cuối bảng xếp hạng.
Ông Cung cũng nhấn mạnh, từ năm 2015, điểm số và thứ hạng MTKD liên tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, năng lực đổi mới sáng tạo cũng có được thứ hạng cao nhất trong năm2017.. Đặc biệt, trong năm 2017, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập gồm Moondy’s, Standards and Poor’s và Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam năm 2016 từ mức ổn định lên mức tích cực.
“Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khá xa so với mục tiêu. Chúng ta chưa đạt được trung bình ASEAN 4 về MTKD, số ĐKKD thực sự được bãi bỏ cho đến nay còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 50% số ĐKKD hiện hành; Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu là giảm ít nhất ½ Danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành…”- Viện trưởng CIEM nhận xét.
Lo ngại “bỏ 1, thêm 10…”
Theo báo cáo của CIEM, tính đến tháng 5/2018, Bộ Xây dựng đang ở “ga”cuối khi mới đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. 4 bộ khác đã có dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung ĐKKD nhưng chưa trình Chính phủ, gồm: GTVT, Y tế, NN&PTNT, TN&MT, Tư pháp. Dự kiến đến ngày 31/10, 1.968 ĐKKD sẽ được cắt bỏ và đơn giản.
Các bộ đã rà soát, có phương án, nhưng chưa xây dựng dự thảo Nghị định, gồm: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, VH TT &DL, GD&ĐT. Các bộ chưa rà soát/chưa có phương án đơn giản hóa ĐKKD, gồm:TT&TT, KH&CN, LĐ TB & XH, Quốc phòng.
“Liệu các bộ này có kịp ban hành Nghị định sửa đổi trước ngày 31/10/2018 không? Trong 5 tháng, chắc không đủ thời gian. ..”- ông Cung nghi ngại. Tuy nhiên, nếu làm được, sẽ có thêm 403 ĐKKD được cắt giảm. Những bộ chưa tiến hành rà soát/chưa có phương án đơn giản hóa cũng cần cố gắng để giảm hơn 300 ĐKKD..
Viện trưởng CIEM dẫn chứng trường hợp Bộ LĐ TB&XH. Bộ này sửa từng Nghị định nhưng không có phương án tổng thể nên dễ dẫn đến tình trạng “bỏ 1 tăng 10”.
Đáng ngại, trong thời đại công nghệ thông tin, kinh tế số với rất nhiều thách thức, và chỉ có tận dụng cơ hội mới vượt qua thách thức, nhưng những Bộ trụ cột trong cuộc cách mạng công nghệ này như TT&TT, LĐ TB&XH, GD&ĐT …, theo ông Cung, lại không phải là những Bộ tiên phong trong cải cách.
Viện trưởng CIEM cũng lưu ý, kết quả đạt được là không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, giữa các bộ ngành và địa phương.
Dẫn trường hợp Bộ GD&ĐT, ông Cung cho biết, khi thảo luận về rà soát ĐKKD lĩnh vực GD&&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD &ĐT có nói đây là lĩnh vực đặc thù. “Nhưng khổ lắm, ai chẳng biết là đặc thù, nhưng cứ quản lý như hiện nay mãi sao trong khi có nhiều cách khác hay hơn nhiều. Theo tôi, trước tiên phải chịu nghe đã, chưa gì đã phản ứng thì không thể cải cách…”- Ông Cung tỏ ra sốt ruột
Theo ông, ở những chỉ số, những lĩnh vực, địa phương mà Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thực sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát Nghị quyết của Chính phủ, thì ở đó đạt được kết quả và có cải thiện rõ nét..
“Chính phủ cần tiếp tục đặt mục tiêu cao, cụ thể nhất có thể; cải cách mạnh mẽ hơn, kết quả đồng đều hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn. Bên cạnh đó, cần tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với những người có trách nhiệm thực thi để đảm bảo mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra…”- Viện trưởng CIEM đề nghị.
Cần tăng cường giám sát
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI bày tỏ ngạc nhiên khi CIEM không đề cập cải cách, bãi bỏ, đơn giản hóa ĐKKD của Bộ KH&ĐT. Theo ông, Bộ KH&ĐT đã thành công trong cải cách thủ tục đăng ký DN nhưng khởi sự kinh doanh còn nhiều thủ tục khác như hóa đơn, mở tài khoản ngân hàng, khắc dấu…
“ Nhìn ra các nước, thấy họ nhanh trong khi Việt Nam còn chậm. Chúng ta không nên hài lòng, cần cải cách nhanh hơn, quyết liệt hơn…”- Ông Tuấn đề nghị.
Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng đề nghị sang năm thứ 5, cần tăng cường đẩy mạnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết 19. “ Tôi quan sát, nhiều bộ vẫn chạy theo con số và mang tính đối phó, chuyển từ ĐKKD sang hình thức quản lý khác như biến nó thành điều kiện kỹ thuật… Tôi có cảm giác các Bộ ban hành văn bản cải cách là xong trách nhiệm. Người ta chỉ thấy có hiệu quả hay ko khi DN và người dân có thụ hưởng được sự cắt giảm thật sự hay không, nên đòi hỏi phải có sự giám sát, không nên chỉ đánh giá hiệu quả bằng cải cách trên văn bản, tuyên bố bao nhiêu ĐKKD được bãi bỏ…”- Ông Tuấn đề nghị.