Tác động tiêu cực đến hệ sinh thái
Hiện nước ta có 31 vườn quốc gia (VQG), 68 khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN), 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học cùng với các tài nguyên tự nhiên như địa hình, khí hậu, sông ngòi… Có ba hình thức tổ chức kinh doanh du lịch sinh thái phổ biến tại các VQG, KBTTN như: Tự tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái; Cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch; Liên kết với các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển du lịch.
Đáng chú ý, du lịch sinh thái tại Việt Nam đã và đang phát triển, song chưa tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, thu hút được sự tham gia của cộng đồng. Việc lo ngại về việc phá vỡ, hủy hoại tính nguyên vẹn của các KBTTN của các chuyên gia không phải không có cơ sở.
TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếc nuối: “10 năm trước tôi đến động Phong Nha, nhìn những thạch nhũ lung linh tuyệt đẹp, giờ đến màu sắc động đã xỉn màu do một thời gian dài lượng khách quá đông”. Một số nơi du lịch phát triển sinh thái phát triển quá “nóng” lại mang tính mùa vụ, gây ra những tác động tiêu cực về môi trường, cảnh quan. Riêng trong mùa thu, từ tháng 10 đến tháng 11 hoa dã quỳ Ba Vì nở, lượng khách tới VQG Ba Vì lên đến 11.000 người/ngày.
Tại VQG Hoàng Liên (Lào Cai), có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, trong đó có việc xây dựng các nhà máy thủy điện; ồ ạt đưa du khách lên khám phá Phan-xi-păng trong khi công tác quản lý còn bất cập; việc phân chia nguồn lợi từ du lịch chưa hài hòa khiến người dân bản địa - những người chủ đích thực của núi rừng - chưa được hưởng lợi nhiều; việc “biến” bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa thành nguồn lợi chưa tương xứng với tiềm năng...
Hơn chục năm trước, huyện Mường Nhé (Điện Biên) được biết đến với KBTTN hoang sơ, nơi cư ngụ và sinh sống của các loài động, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học với những nét hoang sơ được đánh giá giàu tài nguyên nhất cả nước hiện đã không còn giữ được nguyên trạng. Lượng dân di cư tự do, khách du lịch vào địa bàn liên tục tăng, kéo theo nhu cầu lớn về đất ở và đất sản xuất. Rất nhiều diện tích rừng thuộc vùng đệm bị chặt hạ để lấy gỗ hoặc chuyển đổi thành đất sản xuất.
Cần có một chiến lược quốc gia
Theo nhận định của TS. Phạm Hồng Long, hầu hết các VQG, KBTTN chưa có chiến lược phát triển du lịch sinh thái, chưa dành nguồn kinh phí đáng kể cho công tác quảng bá du lịch; các KBTTN chưa tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng; Nguồn thu từ phát triển du lịch sinh thái còn hết sức hạn chế chưa bù đắp chi phí và đầu tư trở lại; Một số nơi du lịch sinh thái phát triển nóng, gây ra những tác động tiêu cực; Trình độ nhận thức của người dân về du lịch sinh thái còn thấp khiến KBTTN bị tác động mạnh bởi các hoạt động nông nghiệp, khai thác lâm sản, săn bắn của cư dân… là những thách thức lớn đối với sự phát triển của du lịch sinh thái và cả bảo vệ các KBT.
Các chuyên gia môi trường, du lịch cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các VQG và KBTTN; Đẩy mạnh quy hoạch phát triển du lịch sinh thái theo các vùng lãnh thổ đến từng VQG, KBTTN; Thường xuyên có các chương trình các lớp huấn luyện, các hoạt động nâng cao nhận thức về du lịch sinh thái; Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương và giảm thiểu sự phụ thuộc của họ vào rừng; Xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, các sản phẩm du lịch; Tích cực học tập các kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch sinh thái bền vững…