Cần giới hạn quyền nhà đầu tư chiến lược
Sáng nay (23/5) Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu).
Đại biểu Võ Thị Như Hoa đoàn Đà Nẵng đã có những ý kiến đầu tiên về Dự án Luật. Theo nữ đại biểu, Điều 22 dự thảo luật quy định việc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo thủ tục rút gọn là cần thiết. Tuy nhiên hiệu quả đầu tư mới quan trọng. Vì vậy không nên vì đảm bảo tiến độ mà không đánh giá tính khả thi, tính hiệu quả dự án có thể dẫn đến hoạt động đầu tư không hiệu quả.
"Ví dụ như luật quy định không cần đánh giá nhà đầu tư, đánh giá công nghệ: Không đánh giá thông tin nhà đầu tư thì làm sao biết được nhà đầu tư có khả năng thực hiện dự án. Hoặc không đánh giá về công nghệ thì làm sao biết công nghệ đó lạc hậu hay tiên tiến. Vì thế thông tin nhà đầu tư là cần thiết, cần đánh giá với mọi dự án”, đại biểu Hoa nói.
Đại biểu đoàn Đà Nẵng cho rằng cần giới hạn quyền lợi nhà đầu tư chiến lược. |
Đại biểu đoàn Đà Nẵng cũng bày tỏ băn khoăn về quy định trao quyền cho nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư chiến lược cần có cơ chế đặc biệt nhưng cần cân nhắc phạm vi giới hạn. Trong dự thảo Luật cho phép nhà đầu tư chiến lược được tham gia trong công tác lập quy hoạch, xây dựng chính sách mà không có giới hạn nhất định. Điều này có thể làm cho nhà đầu tư chiến lược lợi dụng để chi phối hoạt động quy hoạch, xây dựng chính sách theo hướng có lợi cho mình, làm hạn chế khả năng cạnh tranh với các nhà đầu tư khác:
“Nên quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng cơ chế ưu đãi nhất định trong thực hiện dự án còn trong việc lập quy hoạch, xây dựng chính sách nên bình đẳng như nhau”, đại biểu nói.
Nữ ĐBQH Đà Nẵng tiếp tục bày tỏ lo lắng về quyền của nhà đầu tư chiến lược trong việc thu hồi đất quy định tại Điều 32. Chẳng hạn như quy định thu hồi đất thực hiện dự án của nhà đầu tư chiến lược mà không đưa ra kèm bất cứ điều kiện gì tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng, vì lợi ích nhà đầu tư chiến lược mà bỏ qua quyền lợi người dân.
Bất cập thẩm quyền tòa án đặc khu
Về khía cạnh tư pháp, hành pháp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy- đoàn Bắc Kạn chỉ ra những bất cập về thẩm quyền tòa án. Dự thảo Luật tăng thẩm quyền của tòa án đặc khu với các vụ án dân sự. Đối với vụ án hình sự, tòa án đặc khu được xét xử các vụ án có mức án tới 15 năm tù. Theo ý kiến đại biểu Thủy nên xem xét kĩ lưỡng quy định trên.
Đại biểu đề nghị với các vụ án dân sự không nên tăng quyền cho tòa án đặc khu mà sẽ giao tòa án tỉnh giải quyết. Ví dụ như các khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch đặc khu và UBND đặc khu cần giao tòa án cấp tỉnh giải quyết. Đại biểu đưa ra 5 vấn đề chứng minh cho lập luận trên:
“Cùng với sự phát triển năng động cũng dự báo các đặc khu gia tăng các vụ án dân sự, vụ án hành chính. Nhất là các vụ án liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường dự án. Số liệu thống kê hai năm gần đây cho thấy hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND cấp huyện và chủ tịch huyện bị khiếu kiện đến tòa tăng mạnh”, đại biểu Thủy phát biểu.
Ngoài ra quy định tăng thẩm quyền cho tòa án đặc khu trong giải quyết vụ án dân sự, thậm chí có thẩm quyền giải quyết vụ án liên quan đến bắt giữ tàu bay quốc tế rất phức tạp.
Đại biểu đoàn Bắc Kạn cho rằng phân quyền cho tòa án đặc khu chưa đủ mạnh |
Trong khi đó, với các vụ án hành chính tòa án không có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện liên quan tới chủ tịch và UBND đồng cấp: “Nếu lấy lý do giao tòa án đặc khu giải quyết các khiếu kiện, vụ án liên quan tới UBND và chủ tịch đặc khu ảnh hưởng tới tính khách quan cũng chưa phù hợp. Quy định hiện hành cho phép tòa án cấp tỉnh giải quyết các vụ khiếu kiện liên quan tới chủ tịch đồng cấp”.
“Mặt khác quy định trên chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa cho người dân và nhà đầu tư. Đại biểu lấy ví dụ cả ba đặc khu đều xa trung tâm tỉnh nên đi lại khó khăn, ví dụ như đi từ Phú Quốc vào trung tâm tỉnh Kiên Giang phải mất 130km đường biển. Trường hợp bản án cấp tỉnh bị kháng cáo thì tòa án cấp cao giải quyết. Trong khi cả nước chỉ có 3 tòa cấp cao ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng”, nữ đại biểu phát nêu ý kiến.
Lo gia tăng dồn án, dồn việc lên cấp trên
Một bất cập khác về tư pháp được đại biểu đặt câu hỏi đó là quy định trong vụ án hành chính, Chủ tịch đặc khu phải trực tiếp tham gia vụ án, nếu ủy quyền thì chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch. “Với số lượng phó chủ tịch 2-3 người như hiện nay thì riêng công tác chỉ đạo điều hành tại địa phương thôi đã quá tải, không còn đủ thời gian để tham gia các phiên tòa. Trong khi đó các đặc khu dự báo phát triển nóng thời gian tới đòi hỏi người đứng đầu phải chỉ đoạt nhanh nhẹn. Việc lên tỉnh tham gia các vụ án sẽ ảnh ảnh hưởng tới quản lý tại địa phương. Còn nếu không tham dự phiên tòa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tranh tụng với người dân, làm tăng bức xúc với người dân”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói và cho rằng, quy định trên cũng đi ngược nguyên tắc không dồn án lên cấp trên.
Bà Thủy thông tin thêm: “Khi tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi được đánh giá phát triển thành công mô hình đặc khu, chúng tôi có hỏi điều gì tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nơi đây thì nhận được câu trả lời rằng ban đầu đó là ưu đãi kinh tế, nhưng về lâu dài là ổn định chính sách và một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh, có đủ thẩm quyền và năng lực giải quyết các vấn đề xảy trên đặc khu. Chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự từ Trung Quốc”.