Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong 3 năm qua, từ năm 2010 tới năm 2013, số người phạm tội trong các cơ quan tư pháp, tức là người của cơ quan tư pháp thực hiện chiếm đến 10% tổng số tội phạm trong phạm vi cả nước.
Còn theo thống kê của VKSNDTC, từ năm 2010 đến nay, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố 169 vụ với 206 bị can là người của các cơ quan tư pháp phạm tội trong hoạt động tư pháp, số lượng vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp được điều tra, khởi tố bằng 10% số án của cả nước.
Trao “cây gậy” điều tra để VKS làm tốt quyền công tố
Từ thực tiễn tội phạm trong hoạt động tư pháp ngày càng phức tạp và nghiêm trọng như vậy, nhiều chuyên gia đánh giá, quy định thẩm quyền và tổ chức cơ quan điều tra trong VKSNDTC sẽ tạo thêm điều kiện cho VKSND thực hiện được toàn diện, có hiệu quả vai trò công tố, đặc biệt vai trò kiểm sát các hoạt động tư pháp trong các khâu điều tra, nhất là để cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC trực tiếp điều tra các tội phạm trong hoạt động tư pháp do người của các cơ quan tư pháp thực hiện, góp phần nâng cao tính khách quan và hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm trong hoạt động tư pháp nói riêng.
Hoàn toàn tán thành việc dành cho VKSND quyền điều tra, ông Trần Ngọc Vinh - Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng - cho rằng, qui định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho Cơ quan điều tra của VKSNDTC thực sự phát huy được sức mạnh, là công cụ phục vụ hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND; đồng thời phục vụ đắc lực trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động tư pháp của cơ quan tư pháp.
Từ những nhận thức thực tiễn trong hoạt động tư pháp, “có oan sai thì có “bóng dáng” của tội phạm tham nhũng”, ông Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) thấy rằng: “Tiếp tục phải quy định cơ quan điều tra và chỉ tổ chức ở VKSNDTC thì mới đảm bảo hiệu quả trong công tác thực hành công tố và kiểm sát tư pháp”, vì “nếu VKS không có quyền điều tra mà chỉ phát hiện và kiến nghị xử lý những hoạt động vi phạm bề nổi thì sẽ không loại trừ được những hành vi tội phạm “ẩn nấp” đằng sau vi phạm đó”.
Qua tổng kết trong hai năm rưỡi, số lượng vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp được điều tra, khởi tố bằng 10% số án của cả nước, ông Hà Công Long - Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội - khẳng định, hoạt động điều tra của VKSND là một công cụ quan trọng trong việc đấu tranh chống tham nhũng cho hoạt động tư pháp nên “tiếp tục quy định như trong Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) là hết sức cần thiết, không cản trở gì với vấn đề thu gọn đầu mối cơ quan điều tra, không ảnh hưởng gì đến các hoạt động điều tra khác. Không thể thực hành quyền công tố tốt nếu như không tiến hành điều tra và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay”.
“Lấp” những “khoảng trống” trong hoạt động điều tra
Không chỉ đồng tình với việc trao quyền điều tra cho VKS, ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương - còn đề nghị nghiên cứu mở rộng thêm thẩm quyền cho Cơ quan điều tra VKSNDTC trực tiếp điều tra đối với trường hợp VKS thực hiện có dấu hiệu của sự bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc có dấu hiệu oan sai và yêu cầu điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu của VKS, trong trường hợp này cần có sự đồng ý của VKS.
Trường hợp thứ hai là khi VKS có đầy đủ căn cứ để khẳng định nếu giao cho cơ quan điều tra khác thực hiện điều tra thì sẽ không đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tính nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt người phạm tội là người thuộc cơ quan điều tra.
Ngược lại, cũng có một số ý kiến cho rằng không nên mở rộng nhiệm vụ điều tra của cơ quan điều tra VKSND, thậm chí không quy định chức năng điều tra cho VKSND vì như ý kiến của ông Chu Sơn Hà - Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội: “Nếu giao cho VKSND điều tra thực hành sẽ khó khách quan, sẽ xảy ra tình trạng vừa điều tra, vừa giữ quyền công tố”.
Còn theo ông Phạm Hồng Phong - Phó Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang: “Hiến pháp 2013 cũng không quy định chức năng điều tra cho VKS nên việc điều tra vụ án chỉ giao cho cơ quan công an thực hiện để phân biệt rành mạch ba giai đoạn tố tụng là điều tra, truy tố và xét xử”.
Từ góc độ cơ quan điều tra, ông Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - nhận thấy: “VKSND có thẩm quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra” thì không bảo đảm nguyên tắc tố tụng hình sự và sự chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp, nên đề nghị “quy định cho rõ VKS có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra nào, không nên quy định chung chung như Dự thảo, sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng sau này khi Dự án Luật có hiệu lực thi hành”.
Việc VKSND có được quyền điều tra hay không sẽ còn phải chờ đến cuối năm nay Quốc hội biểu quyết. Tuy nhiên, phân tích sự cần thiết phải mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, ông Nguyễn Bá Thuyền (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nhấn mạnh, hoạt động điều tra của cơ quan điều tra cũng là để phục vụ cho chức năng công tố, giúp cho cơ quan thực hành quyền công tố đưa vụ án ra Tòa và buộc tội người phạm tội trước Tòa án. Xuất phát từ chức năng hiến định của VKS trong hoạt động tư pháp thì giao thẩm quyền điều tra cho VKS đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là hoàn toàn đúng đắn.
Bên cạnh đó, thực trạng nền tư pháp nước ta vẫn còn một số mặt hạn chế, tồn tại nên việc duy trì Cơ quan điều tra của VKS với tư cách là một cơ quan điều tra chuyên trách, độc lập để phát hiện, điều tra, xử lý khách quan và phòng ngừa có hiệu quả đối với các tội phạm này là cần thiết.