Gần 200 ngàn trẻ… làm quen
TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong năm học 2016 - 2017, việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh (LQTA) không chỉ thực hiện ở các thành phố lớn mà còn tổ chức tại nhiều tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai... do nhu cầu cho trẻ LQTA ngày càng tăng cao.
Ở năm học 2017 - 2018, cả nước có 41/63 tỉnh/thành cho trẻ LQTA, với tổng số trên 192.000 trẻ. Một số tỉnh/thành có số lượng trẻ tham gia đông như TP Hồ Chí Minh (hơn 96.000 trẻ), Hà Nội (gần 30.000 trẻ), Đà Nẵng (khoảng 13.000 trẻ), Vĩnh Phúc (hơn 7.000 trẻ)… Độ tuổi theo học nhiều nhất là từ 4 - 6 tuổi. Các tài liệu, học liệu hiện đang sử dụng rất đa dạng và có thẩm định từ địa phương. Tại TP Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT thẩm định và cho phép sử dụng 4 tài liệu để giảng dạy. Tại Hà Nội, số đơn vị được Sở GD&ĐT phê duyệt tài liệu gồm 14 trung tâm và 10 hệ thống trường mầm non tư thục.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, sau 3 năm triển khai việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, hiện đã có 41 tỉnh, thành tham gia, tăng 20 tỉnh so với trước đó. Trẻ đã mạnh dạn, tự tin và nghe nói tiếng Anh tốt hơn. Nhận thức của phụ huynh tăng cao trong việc cho trẻ LQTA. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Giáo dục cũng nhấn mạnh, qua báo cáo và kiểm tra thực tế, các trường đều chú ý cho trẻ LQTA phù hợp với đặc điểm tiếp nhận ngôn ngữ, phù hợp tâm, sinh lý. Thời điểm tổ chức cho trẻ LQTA linh hoạt, đa dạng. Hầu hết các trường dựa trên đăng kí của cha mẹ học sinh, liên kết với các trung tâm đã được Sở GD&ĐT địa phương thẩm định để phối hợp thực hiện.
Hệ thống phòng học ở các trường quốc tế hoặc chất lượng cao khá hiện đại. Riêng khối trường công lập, các đơn vị phải sử dụng phòng chức năng, phòng âm nhạc, phòng thể chất để tổ chức các lớp cho trẻ LQTA.
Mỗi nơi một phách
Mặc dù đạt một số thành quả ban đầu, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, việc cho trẻ LQTA hiện còn nhiều hạn chế. Ông Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ, trường được giao đào tạo giáo viên mầm non dạy ngoại ngữ cho trẻ từ năm 2006, mỗi năm chỉ cho “ra lò” số lượng khiêm tốn từ 25-30 em. Sau 10 năm, những lứa sinh viên ra trường được xã hội đón nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, không thể đáp ứng được hết nhu cầu. Đánh giá về chất lượng giáo viên tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục mầm non, ông Thọ cho biết có 2 hạn chế lớn nhất là: giáo viên mầm non có trình độ tiếng Anh lại hạn chế về phát âm; ngược lại đội ngũ trình độ đạt chuẩn tiếng Anh lại không có nghiệp vụ sư phạm nên gặp khó khăn khi tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ bằng tiếng Anh.
Từ thực tế địa phương, đại biểu đến từ Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, vì thiếu giáo viên nên địa phương đã phải liên kết với các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để mời giáo viên đến dạy. Điều này hạn chế việc trẻ tiếp xúc với giáo viên do không có thời gian để giáo viên và học sinh thân thiết với nhau. Đặc biệt, giáo viên các trung tâm không ổn định nên các trường khó khăn vì phải thay đổi giáo viên thường xuyên. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị đưa tiếng Anh vào chương trình chính khóa trong giáo dục mầm non.
Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh Lào Cai có tổng số 28/209 trường (22 trường mầm non công lập và 6 trường mầm non ngoài công lập) cho trẻ LQTA, chiếm 13,3%. Tổng số nhóm, lớp cho trẻ LQTA là 174. Trong đó, có 125 trường mầm non công lập. Có 29 nhóm, lớp của trẻ 3 tuổi; 72 nhóm, lớp của trẻ 4 tuổi; 97 nhóm, lớp của trẻ 5 tuổi. Tổng số trẻ làm quen với tiếng Anh là 4.694/46.994 trẻ (đạt 9,96% trẻ tham gia). Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT Lào Cai, Bộ cần có chương trình khung để các địa phương làm căn cứ giảng dạy. Có chế độ tuyển dụng giáo viên hoặc hình thức hợp đồng để trẻ LQTA bài bản hơn, không qua hình thức liên kết hoặc liên kết ở mức vừa phải.
Trước thực trạng nhiều nơi đang thực hiện chương trình liên kết tiếng Anh dành cho trẻ mầm non tại các địa phương theo kiểu “mỗi nơi một phách”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Tới đây, Bộ sẽ xem xét lại toàn bộ về chương trình, nội dung, cách thức thực hiện do đang trong quá trình thí điểm nên còn nhiều thứ vẫn chưa bài bản.
Vấn đề học liệu dạy học còn mỗi nơi một kiểu do đang giao các Sở GD&ĐT thẩm định. Thí dụ TP Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT thẩm định và cho phép sử dụng 4 tài liệu để giảng dạy. Tại Hà Nội, số đơn vị được Sở GD&ĐT phê duyệt tài liệu gồm 14 trung tâm và 10 hệ thống trường mầm non tư thục. Nhìn chung các tỉnh, thành khác đều có thẩm định tài liệu giảng dạy nhưng một số thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, do nhiều trường mầm non tư thục nhỏ lẻ thực hiện nhiều học liệu khác nhau nên chưa thể thẩm định hết.
Theo bà Nghĩa, đây là dịp để đánh giá và học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn, chẳng hạn sẽ phải xây dựng chương trình khung phù hợp với tâm, sinh lý trẻ em Việt Nam và có văn bản đến các Sở GD&ĐT, các trường... chứ không phải tùy tiện ai muốn dạy gì thì dạy với trẻ.
Thứ trưởng Nghĩa khẳng định, sắp tới Bộ sẽ đi khảo sát các địa phương, lấy ý kiến chuyên gia và chính địa phương đó để có sự lựa chọn, không thể liên kết bừa bãi. Về hệ thống học liệu, hiện đang giao các Sở GD&ĐT thẩm định nên chưa đồng đều về năng lực. Vì vậy, thời gian tới sẽ phải có sự thống nhất, ví dụ, về chương trình giảng dạy, tài liệu, giáo viên, cơ chế như thế nào, văn bản pháp luật nào cần phải điều chỉnh cho phù hợp?… Bộ sẽ rà soát lại toàn bộ chương trình tiếng Anh liên kết.
Có thế nói, để đưa tiếng Anh vào nhà trường từ mầm non tới các bậc học, hơn hết cả, đó là trẻ yêu thích ngôn ngữ mới này. Một chuyên gia giáo dục mầm non Singapore chia sẻ, sở dĩ ở đất nước nhỏ bé ấy, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chính bởi họ đã dạy và học ngôn ngữ ấy bằng chính trái tim mình! Chương trình khung của họ được ví như một cái hộp rỗng, để từng trường tự thiết kế và sáng tạo môn học sao cho hiệu quả nhất. Và mục tiêu, mỗi em bé 5 tuổi phải thuộc lòng ít nhất 50 từ tiếng Anh! Giáo viên có thể là bất kì ai, miễn họ truyền cảm hứng tốt về ngôn ngữ này… chứ không nhất thiết, phải theo một chương trình cụ thể và cứng nhắc…