“Loạn” đơn thuốc điều trị COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian gần đây, việc bùng phát COVID-19 chủng mới dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, thực phẩm chức năng quá mức cần thiết trong người dân.
Molnupiravir đang được bán tràn lan.
Molnupiravir đang được bán tràn lan.

Mới đây, tại Bình Chánh, một bé trai 7 tuổi mắc COVID-19 đã được người nhà cho uống... thuốc Molnupiravir để điều trị. Trước đó, thấy con nhiễm COVID-19 một tuần chưa khỏi bệnh, chị Thanh Hồng, mẹ cháu đã được một người hàng xóm cho viên thuốc Molnupiravir để cho cháu uống, bảo là thuốc này diệt virus, mau khỏi bệnh. Sau khi cho con uống xong, chị Thanh Hồng mới phát hiện đây là loại thuốc... chống chỉ định với trẻ em.

Sự việc đã gióng lên hồi chuông về sự “loạn cào cào” trong việc tự điều trị COVID-19 trong người dân thời gian này. Molnupiravir là thuốc diệt virus đặc trị được rất nhiều người mách nước nhau mua dùng, dẫn đến sự cố như trên không phải cá biệt. Thực tế, loại thuốc này nếu dùng cho người lớn cũng dựa trên sự thăm khám, kê toa của bác sĩ và uống theo liều lượng chứ không phải “uống một viên là khỏi” kiểu như trên.

Trong thời điểm COVID-19 chủng mới bùng phát như hiện nay, có tình trạng người dân lo lắng, hoang mang nên tự tìm hiểu thông tin về thuốc, lên mạng đọc hoặc mách nước nhau để tìm các loại thuốc điều trị.

Với quan niệm “người khác uống khỏi mình uống cũng khỏi”, nhiều người truyền nhau toa thuốc, trong đó có kháng sinh, kháng viêm (không có trong toa điều trị COVID-19 của ngành Y tế) dẫn đến những biến chứng nặng, điều trị lâu dài, suy gan, suy phổi, tim mạch…

Mới đây, một bác sĩ giàu kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 có bức xúc chia sẻ về tình trạng lợi dụng COVID-19 để “chặt chém” bệnh nhân của một số nơi. Khá nhiều bệnh nhân đưa toa thuốc nhà thuốc kê để tư vấn bán cho bệnh nhân để hỏi ý kiến bác sĩ. Đáng buồn là trong một dãy dằng dặc các loại thuốc điều trị COVID-19 mà phía nhà thuốc kê cho bệnh nhân, có đến hơn 50% là “vô thưởng vô phạt”, là thuốc bổ, thực phẩm chức năng được bán với giá cao nhưng bệnh nhân không biết, nghĩ là thuốc cần cho quá trình điều trị nên bỏ tiền mua. Có đơn thuốc nhà thuốc bán cho bệnh nhân lên đến vài triệu đồng.

Tranh thủ bệnh nhân hoang mang, lo lắng vì bệnh tật, những nhà thuốc tại chỗ hoặc online thi nhau quảng bá, tư vấn cho bệnh nhân hàng loạt thực phẩm chức năng từ Tây y đến Đông y để trị bệnh. Bệnh nhân vừa được tư vấn uống đồng thời thuốc hạ sốt, thuốc diệt virus, vitamin cho đến xuyên tâm liên, thuốc trị cảm mạo, các loại cao, thậm chí cả… thuốc bổ máu.

Trên mạng xã hội, lồng ghép trong các chương trình giải trí hiện nay có rất nhiều mẩu quảng cáo thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng chống COVID-19 xâm nhập hoặc hỗ trợ điều trị COVID-19.

Bác sĩ đã cảnh báo về việc không ít trường hợp ngộ độc thuốc, tổn hại gan vì lạm dụng thuốc và các loại thực phẩm chức năng.

Bác sĩ Nguyễn Đức Tài, Hội Dược liệu TP HCM cho biết, trong những buổi khám cho bệnh nhân tại phòng khám, ông phát hiện một số bệnh nhân uống quá nhiều thuốc, nhất là các loại thuốc và thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng. Có trường hợp bệnh nhân uống cùng một thời điểm gần cả chục loại thuốc, thực phẩm chức năng như: thực phẩm chức năng trị nám da, thuốc chống nắng, Glucosamin, thuốc huyết áp, thuốc trị đau khớp, thuốc trị tiểu đường, thuốc bổ não… Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tài, việc uống quá nhiều loại thuốc rất dễ dẫn đến gan làm việc quá tải, gây tổn thương khó phục hồi cho gan.

Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân COVID-19 nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế, bác sĩ khi nhiễm bệnh để được kê toa theo thể trạng, độ tuổi, triệu chứng và bệnh nền. Cạnh đó, tuyệt đối không nghe theo các đơn thuốc, thực phẩm chức năng được truyền miệng, tránh lạm dụng thuốc gây tổn hại cơ thể. Có thể dùng các loại dược liệu tự nhiên hạ sốt, tăng sức đề kháng và giải độc gan như tía tô, nhân trần, rau má, các loại tỏi, gừng…

Đọc thêm