Loạn gắn đèn ưu tiên, đèn led cho ô tô các tỉnh ĐBSCL

(PLVN) - Theo quy định hiện hành, chỉ có xe quân sự, công an, cứu thương và xe làm nhiệm vụ đặc biệt mới được sử dụng đèn, còi ưu tiên. Tuy nhiên, thực tế trên đoạn đường Quốc lộ 1, hướng từ Cà Mau về TP HCM, rất nhiều ô tô của cơ quan chức năng các tỉnh, thành ngang nhiên bật tín hiệu ưu tiên khi tham gia gia thông. 



Gắn đèn ưu tiên “vô tội vạ”, bất chấp quy định

Có thể nói, với việc dễ dàng mua đèn ưu tiên bán khá phổ biến trên thị trường hiện nay, nhiều tài xế “phớt lờ” hoặc không nắm rõ quy định sử dụng tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Không khó bắt gặp những chiếc ôtô, môtô gắn đèn, còi ưu tiên dù chỉ là xe cá nhân thông thường. Thậm chí nhiều “siêu xe” cũng ngang nhiên gắn đèn ưu tiên, mặc sự khó chịu của những người đi đường.

Một cán bộ cảnh sát tại TP HCM cho biết, theo quy định, việc gắn đèn còi ưu tiên chỉ dành cho các phương tiện xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cảnh sát giao thông dẫn đường, xe cứu thương, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp trong trường hợp xảy ra đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội hoặc khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm. Ngoài đèn và còi, các xe này còn phải gắn cờ ưu tiên theo quy định của từng chủng loại xe.

Đèn pha LED làm người đi đường chói mắt, mất khả năng quan sát
 Đèn pha LED làm người đi đường chói mắt, mất khả năng quan sát

Cũng theo vị này, ngay cả xe của đội trật tự đô thị các phường, xã khi gắn đèn còi ưu tiên phải là phương tiện có “Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên” mới được lắp đặt, sử dụng các thiết bị trên. 

Ông cho biết, việc có khá nhiều xe tự gắn hệ thống đèn còi ưu tiên và vô tư mở khi đi trên đường với mục đích “dẹp đường” là vi phạm luật, thậm chí các xe cứu thương gắn đèn ưu tiên màu xanh là sai quy định, bởi đèn ưu tiên dành cho phương tiện này được quy định tại Nghị định 109/2009 là màu đỏ. Tuy nhiên, những vi phạm này đang được “ngó lơ”, không có sự can thiệp của ngành chức năng.

Một vị cán bộ khác trong ngành công an cũng cho rằng, theo quy định chỉ có xe quân sự, công an và xe làm nhiệm vụ đặc biệt đang đi làm nhiệm vụ mới được sử dụng đèn ưu tiên (đèn quay hoặc đèn chớp) phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe. Đối với xe cứu thương thì luật quy định chỉ có (đèn quay hoặc đèn chớp) phát sáng màu đỏ.

Tuy nhiên thực tế hiện nay tất cả các xe cứu thương đều gắn đèn có cả màu đỏ và xanh. Thậm chí có nhiều xe của các đơn vị, doanh nghiệp gắn đèn ưu tiên màu vàng, vì cho rằng luật chỉ cấm gắn đèn màu đỏ và xanh. "Cảnh sát giao thông cũng khó có thể xử phạt đối với những ô tô gắn đèn ưu tiên cố tình “lách luật” này", ông nói.

Các tín hiệu ưu tiên được người dân ngang nhiên gắn vào xe và lưu thông nhan nhản trên đường
 Các tín hiệu ưu tiên được người dân ngang nhiên gắn vào xe và lưu thông nhan nhản trên đường

Đó là chưa kể đến những xe “nhái” đèn ưu tiên. Nhiều chiếc gắn đèn tín hiệu trên nóc giống như kiểu đèn ưu tiên của các xe chuyên dụng. Họ “lách luật” bằng cách không sử dụng màu xanh, màu đỏ như quy định mà dùng màu vàng hoặc các màu khác.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đó không phải là những tín hiệu ưu tiên. Tuy nhiên, khi những chiếc xe này lưu thông trên đường lại tạo sự lầm tưởng cho người dân.

Trường hợp xe “AN NINH MIỀN BẮC” tung hoành trên các tuyến đường TP Cần Thơ vào giữa tháng 11 vừa qua đã khiến dư luận xôn xao. Chỉ là xe của một Công ty bảo vệ ở Hà Nội nhưng đơn vị này lại “trang điểm” cho xe của mình “na ná” như xe đặc dụng: In dòng chữ “AN NINH MIỀN BẮC” to tướng ở 2 bên hông xe, trên nóc xe gắn đèn tín hiệu màu vàng…

“Lúc mới nhìn vào tôi cứ tưởng là xe của lực lượng an ninh nhưng nhìn kỹ thấy biển số trắng mà nên đâu phải xe công. Chẳng hiểu sao chiếc xe như vậy lại chạy ngang nhiên trên đường làm người dân hiểu lần”, ông Trần Phú Hữu (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bức xúc.

Đèn LED khiến tài xế bị 'mù'

Liên quan đến “câu chuyện đèn”, khi tham gia giao thông trên quốc lộ, còn vấn đề khác khiến những người tham gia giao thông rất bức xúc. Anh Lê Hoàng Thi chia sẻ: "Tôi thường lái xe đêm trên quốc lộ, khi gặp đèn ưu tiên dù thật hay “zỏm”, nhưng vẫn còn đỡ hơn nhiều so với mỗi lần gặp ôtô độ đèn pha LED. Đối diện với xe trang bị loại đèn này, tôi gần như bị “mù” trong giây lát, rất nguy hiểm. Tôi nghĩ, nhiều vụ tai nạn xảy ra cũng là do đèn pha dội vào mắt tài xế làm tài xế không thấy đường và mất phương hướng".

Một chiếc xe biển số xanh của một đơn vị ở An Giang bật đèn ưu tiên khi tham gia giao thông
 Một chiếc xe biển số xanh của một đơn vị ở An Giang bật đèn ưu tiên khi tham gia giao thông

Trên thực tế, không ít xe bán tải cho đến xe tải các cỡ và container đều gắn đèn LED. Nhiều xe gắn 2 dãy đèn khiến xe ngược chiều nhìn vào chói lòa không quan sát được phía trước. Có xe gắn đèn LED đủ màu sắc, xanh, đỏ, tím, vàng…

Anh Nguyễn Văn Dũng, tài xế chạy xe dịch vụ tại TP Cần Thơ cho rằng, tài xế "độ" đèn LED vì nghĩ ho sáng đường để dễ chạy xe mà không nghĩ gây nguy hiểm cho những xe ngược chiều.

“Đèn pha xưa rồi, giờ xe khách, xe tải toàn gắn thêm dàn đèn LED siêu sáng. Đang đi đường bị đèn này chiếu vào thì đảm bảo xe ngược chiều chỉ lái bằng... niềm tin mà thôi. Hầu như ông nào lái xe đêm cũng rất ức chế với vụ này”, anh Dũng nói.

Xe “AN NINH MIỀN BẮC” gắn đèn tín hiệu màu vàng dễ làm người dân nhầm lẫn
 Xe “AN NINH MIỀN BẮC” gắn đèn tín hiệu màu vàng dễ làm người dân nhầm lẫn

Nói đến hậu quả tai hại của đèn LED, anh Dũng kể: Cách đây khoảng vài tháng, em họ của anh lái xe từ Cà Mau lên Cần Thơ, đến đoạn thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng bị chiếc xe tải chiếu đèn pha LED nên không thấy đường đã đụng một người đàn ông đang chuẩn bị qua đường. Hậu quả nạn nhân gãy chân. “Bởi vậy bây giờ tôi sợ lắm, lúc bị “mù tạm thời” phải thắng lại chạy chậm chậm, không dám chạy nhanh vì không thấy đường sợ đụng người ta”, anh Dũng giãi bày.

Tịch thu thiết bị sử dụng trái quy định và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng

Tại Điểm e Khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người Điều khiển xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên nhưng không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định.

Trong khi đó, đối với xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên sẽ bị bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, ngoài ra sẽ bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt sử dụng trái quy định và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Đọc thêm