UBND tỉnh Thanh Hoá mới ban hành Công điện về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức kêu gọi, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa còn lại.
Rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng chống dịch COVID-19.
Các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất những năm gần đây, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.
Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Triển khai các biện pháp không để người dân vớt củi trên sông, suối khi có mưa lũ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai gây ra.
Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, đến 10h ngày 8/10, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 3.675 tàu thuyền các loại/14.000 thuyền viên vào bờ neo đậu, tránh trú; trong đó có khoảng 70 tàu/450 thuyền viên ngoại tỉnh.
Các địa phương cùng lực lượng chức năng đang hướng dẫn ngư dân chằng néo, bảo vệ tài sản; đồng thời tiếp tục liên lạc, thông tin, kêu gọi tàu, thuyền đang đánh cá vào bờ để đảm bảo an toàn. Những tàu, thuyền đang nằm bờ đều được yêu cầu không ra biển đánh bắt trong điều kiện mưa bão phức tạp.
Tại Quảng Trị, hơn 200 hộ dân được di dời sau khi mưa lớn và kéo dài liên tục khiến nước lũ dâng cao chia cắt nhiều khu vực ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrong.
Mưa lớn kéo dài 2 ngày qua cũng khiến đất đá sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông cục bộ tại Km6 đường tỉnh 588A và một đoạn trên tuyến Quốc lộ 14 đi qua xã Tà Long (huyện Đakrông).
Trước diễn biến mưa lớn, nước lũ trên các sông dâng nhanh, chính quyền địa phương di dời 25 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu tại xã Tà Long và 170 hộ dân ở xã Ba Lòng nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to, mưa rất to, có nơi mưa đặc biệt to.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn bộ tàu, thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn. Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo Cảnh sát Giao thông đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu thuyền trên sông, đầm phá.
Sáng 8/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến ứng phó bão số 7 (tên quốc tế là Lionrock).
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho hay đã kiểm đếm, kêu gọi 61.468 tàu/278.639 người biết vị trí, hướng di chuyển đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.
Hiện nay trên vùng biển bão số 7 hoạt động, cũng như khu vực hướng di chuyển của bão, đã không còn phương tiện tàu thuyền hoạt động.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4.557 tàu thuyền hoạt động ở ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ninh - đây là khu vực nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 7 trong 1-2 ngày tới.
Căn cứ vào diễn biến của bão sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị từ Quảng Ninh đến Nghệ An kêu gọi các tàu, thuyền di chuyển vào bờ để đảm bảo an toàn, kiên quyết sẽ không để các phương tiện này nằm trong vùng nguy hiểm.
Các địa phương rà soát, cập nhật phương án ứng phó, đặc biệt là phương án sơ tán dân tại các địa phương đang có dịch bệnh (số lượng, hình thức tập trung, tại chỗ, đảm bảo xử lý các F0, F1 đảm bảo y tế...).