Chúng ta đang “mắc cạn” ở đâu đó
Số liệu từ TS Đỗ Cẩm Thơ - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Du lịch cung cấp cho thấy, ngành du lịch nói chung đang đạt tốc độ phát triển rất nhanh. Tổ chức Du lịch thế giới từng dự báo, đến năm 2020 du lịch toàn cầu sẽ đạt 1,4 tỉ lượt khách đi du lịch, tuy nhiên, con số này đã đạt được vào năm 2018.
Trong đó, du lịch Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao đang lên” với tốc độ tăng trưởng đứng đầu thế giới. Tổng kết 9 tháng 2019, Việt Nam đón hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước và 66 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng doanh thu đạt 504.000 tỉ đồng, trong khi cả năm 2018 thì tổng doanh thu đạt 620.000 tỉ đồng…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng, tuy giàu tiềm năng nhưng Việt Nam chưa biết cách để làm du lịch phát triển. Việt Nam đến giờ vẫn mới chỉ bằng một nửa Thái Lan về cả du lịch quốc tế lẫn nội địa, trong khu vực châu Á và đứng ở vị trí thứ 10, thua Malaysia, Singapore, Indonesia…
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel đưa ra những con số rất đáng để suy nghĩ: Năm 2017, Việt Nam đón 7,9 triệu khách, tổng thu 7,7 tỉ USD. Qua năm 2018, Việt Nam đón 12,9 triệu khách nhưng tổng thu chỉ 8,8 tỉ USD.
Từ trung bình mỗi khách tiêu 925 USD giảm xuống còn 532 USD, tỷ trọng ngành du lịch trên GDP giảm từ 6,6% xuống còn 6%. “Chúng ta chỉ thu được 8,8 tỉ USD trên lượt khách 12,9 triệu, hụt thu khoảng 3 tỉ USD. Chúng ta đang “mắc cạn” ở đâu đó”, ông Kỳ trăn trở.
Trên 80% khách đến Việt Nam không quay lại, chi tiêu của du khách chưa vượt quá được 90 USD/ngày, chỉ số lưu trú của du khách không vượt 2,6 ngày… Tất cả số liệu được cung cấp từ những chuyên gia, nhà quản lý về du lịch ấy đã cho thấy có những tồn tại rất lớn đang ngày đêm cản trở bước tiến của ngành du lịch.
Điểm nghẽn nằm ở đâu?
Theo các chuyên gia phân tích, những điểm vướng này hầu hết thuộc về tư duy làm du lịch. Một trong số đó chính là “tư duy sản lượng”. Đó là quan niệm chỉ tiêu, là đặt mục tiêu về số khách năm nay cao hơn năm trước.
Từ đó, sinh ra những kiểu du lịch giá rẻ kiểu như tour không đồng, kéo khách ào ạt đổ xô vào bất chấp chất lượng, điều này không chỉ không đem lại lợi nhuận, giúp phát triển du lịch mà còn “phá hoại” cảnh quan.
Chính tư duy sản lượng này đổ đồng từ trên xuống dưới cũng đã gây ra tình trạng làm du lịch kiểu “ăn xổi”, thiếu bài bản, chuyên nghiệp mà nhiều địa phương, nhiều tổ chức, người dân mắc phải, khiến hình ảnh du lịch Việt đôi chỗ trở nên xấu xí đi trong mắt du khách.
Hạ tầng yếu kém, chính sách thị thực, xúc tiến, quảng bá yếu, nhân lực du lịch và liên kết phát triển du lịch chưa tốt… là những điểm nghẽn đã được đưa ra phân tích không ít lần. Cạnh đó, ngành du lịch chưa được đối xử đúng mức cũng là một lý do khiến chưa thể phát triển.
Nói “du lịch mũi nhọn”, trên thực tế chưa hề có một trường Đại học chính quy, quy mô nào chuyên đào tạo về ngành du lịch. Câu nói thường gặp như một slogan của ngành du lịch là “phát triển du lịch bền vững”, thế nhưng, như thế nào là phát triển bền vững, thậm chí những tiêu chí về phát triển du lịch, phát triển bền vững cũng chưa hề được xây dựng.
Chính vì sự thiếu tiêu chí này, dẫn đến chuyện các DN làm du lịch cũng loay hoay giữa đúng và sai, nhất là trong cái ranh giới giữa “đầu tư” và “phá hoại cảnh quan”. Theo TS Trần Đình Thiên, du lịch Việt rất cần những “con sếu đầu đàn” những tập đoàn lớn, có thực lực và đẳng cấp, định hình chân dung du lịch ở các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành như những gì SunGroup đã làm với Đà Nẵng, Sa Pa hay VinGroup làm với Phú Quốc, Nha Trang...
Tuy nhiên, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng phát triển hạ tầng du lịch đã xâm hại môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, tiêu chuẩn để phán xét không có, luận chứng chưa rõ ràng khiến các địa phương lúng túng. Điều này dẫn đến việc DN đi tiên phong gặp rủi ro, thậm chí “chùn chân”.
TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam:
“Theo tôi du lịch VN hoàn toàn đủ điều kiện và phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vì chúng ta có nhiều tiềm năng, vừa sức người. Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới, tài nguyên thiên nhiên của VN xếp thứ 34/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29, đây đều là những thứ hạng rất cao.
Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp VN có thể xây dựng những khách sạn, resort đẳng cấp, các DN lữ hành điều hành tour đều lớn mạnh tầm cỡ thế giới, DN quản lý khách sạn, resort làm rất tốt”.
Ông Nguyễn Huy Thắng, Viện Điều tra quy hoạch rừng:
“Theo tôi, bảo tồn thiên nhiên là cần thiết cho cả hiện tại và mai sau. Nhưng nếu mãi giữ khư khư vẻ đẹp mà không phát triển thì sẽ rất lãng phí. Rõ ràng, sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương rõ rệt nhưng đang gặp nhiều rủi ro khi vấp phải tranh cãi về vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có những nghiên cứu về lượng giá môi trường, về rừng và tài nguyên... Ví dụ một doanh nghiệp A muốn đầu tư vào khu rừng, muốn làm resort thì phải chặt cây. Vậy thì quy đổi số lượng cây đó là bao nhiêu thì doanh nghiệp phải bù đắp lại là bao nhiêu? Nhưng không phải là trồng mới lại cây đó mà là cây gì, thuộc quy hoạch vùng trồng đó. Thứ hai là sự đánh đổi về môi trường?
Phát triển phải có đánh đổi nhưng đánh đổi này dựa trên các căn cứ, luận chứng khoa học rõ ràng. Gần đây những khu vực phát triển du lịch tầm cỡ thường hay gắn với rừng. Vậy phải có sự nghiên cứu bài bản, nghiêm túc để có nhận xét công tâm hơn về các dự án này”.