Lội bùn, vượt núi vận động học sinh đến trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước thềm năm học mới, nhiều giáo viên mầm non ở huyện miền núi Nghệ An lại bắt đầu hành trình vượt núi, băng rừng đến tận các bản làng xa xôi, gặp phụ huynh để vận động học sinh đến trường. Phải băng qua những con đường độc đạo lầy lội bùn đất, cheo leo, hiểm trở khiến công việc của các giáo viên càng vất vả hơn.
Đường rừng cộng với trời mưa khiến chiếc xe máy kẹt trong bùn đất.
Đường rừng cộng với trời mưa khiến chiếc xe máy kẹt trong bùn đất.

Ngay từ những ngày đầu tháng 8/2023, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tri Lễ (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) đã cắt cử 14 giáo viên vào 5 điểm trường ở các bản của xã vận động phụ huynh cho con em đến trường đi học. Năm điểm trường gồm Huồi Mới, Mường Lống, Pà Khốm, Huồi Xái, Nậm Tột là những điểm trường rất khó khăn, nơi 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông.

Trong đó, con đường từ trung tâm xã đến điểm trường tiểu học, mầm non Huồi Mới dài hơn 10km là vất vả nhất. Đây cũng là nỗi ám ảnh với người đi đường. Tuyến đường có nhiều đoạn bùn đất trơn trượt, lầy lội, một bên vách núi, một bên vực sâu thăm thẳm. Vào những ngày trời mưa, con đường càng trơn trượt khiến xe máy của các thầy cô giáo kẹt cứng trong bùn đất.

Cô Lầu Y Pay, giáo viên Trường Mầm non Tri Lễ chia sẻ, phần lớn bà con đồng bào nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống vất vả. Hàng ngày, bố mẹ lên rẫy, hoặc đi làm ăn xa gửi con cái cho ông bà, vì thế việc chăm lo cho con em đến trường còn hạn chế. Nếu các thầy cô không đi vận động thì có nguy cơ cao các em không được đến lớp. Vì thế, mặc dù gian nan, vất vả, thầy cô vẫn phải kiên trì đến từng nhà bà con để vận động.

Sau khi được các thầy cô giáo đến động viên cho con em đến trường, nhiều phụ huynh đồng ý. Tuy nhiên, vẫn còn một số phụ huynh từ chối. Khi đã không đồng ý, họ đưa ra nhiều lý do rồi đưa con em mình lên rẫy cùng. Vì thế, việc thuyết phục các phụ huynh càng khó khăn, thách thức hơn.

Cô Hoàng Thị Đài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tri Lễ chia sẻ, đường sá xa xôi, vất vả, bên cạnh đó bất đồng ngôn ngữ cũng khiến công tác vận động phụ huynh học sinh của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Các thầy cô giáo phải nhờ trưởng bản hay những người biết tiếng Mông đi cùng để vận động phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc cho các cháu đến trường đi học sớm.

Các giáo viên đến tận nhà, thuyết phục từng phụ huynh đăng ký cho trẻ đến trường.

Các giáo viên đến tận nhà, thuyết phục từng phụ huynh đăng ký cho trẻ đến trường.

Hiện tại các thầy cô giáo đã vận động được khoảng một nửa số trẻ nhỏ từ 3 -5 tuổi đến trường. Những ngày tới, các giáo viên sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục để các em học sinh khác đều được đến trường đi học.

Bên cạnh thời gian đến tận nhà người dân vận động phụ huynh cho con em đi học, các giáo viên lại đến các điểm trường để dọn vệ sinh trường lớp, chuẩn bị cho một năm học mới bắt đầu.

Ông Lữ Thanh Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong chia sẻ, hiện tại đối với trẻ mầm non 5 tuổi, thì gần 100% các em đã được gia đình đăng ký nhập học. Tuy nhiên, ở độ tuổi nhóm trẻ (3 - 4 tuổi) thì tỷ lệ còn thấp, vì hiện tại vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho các cháu. Bởi vậy, việc vận động của giáo viên và chính quyền địa phương là rất cần thiết để các cháu được đến trường sớm.

Đọc thêm