Doanh thu tăng 25%
Trước đây, nếu như doanh nghiệp (DN) chỉ cạnh tranh bằng giá cả và sự khác biệt của sản phẩm thì giờ DN còn cần phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững, phải tính đến việc đồng bộ các yếu tố khi hoạch định chiến lược cạnh tranh của mình, như: y tế, xã hội, môi trường, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học.
Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) tiến hành gần đây tại 50 DN thuộc hai ngành dệt may và da giày, nhờ thực hiện các chương trình “Trách nhiệm xã hội của DN” mà doanh thu của các DN này tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.
DN thực hiện tốt an sinh xã hội sẽ góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, tăng năng suất, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thúc đẩy DN thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng. Đồng thời, DN sẽ tạo ra được một đội ngũ người lao động gắn bó, yêu thích công việc, tự hào về công ty và làm việc hết mình vì lợi ích chung của “đại gia đình”.
Theo PGS.TS. Lê Xuân Đình, khi tham gia vào quá trình thực thi các quy định về thực hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp sẽ đạt nhiều lợi ích.
Thứ nhất là nâng cao hình ảnh và thương hiệu.
Thứ hai là tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu bởi các điều khoản cam kết về môi trường là một phần không thể thiếu trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Thứ ba, giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường có thể sẽ làm tăng chi phí trong thời gian đầu nhưng về lâu dài sẽ giảm thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và các chi phí liên quan đến chính sách xã hội, khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Việc này cũng giúp DN cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong xu thế ngày càng có nhiều nước thúc đẩy và triển khai các chương trình quốc gia về mua sắm và tiêu dùng xanh như hiện nay.
Ở góc độ DN, ông Rad Kivette - Giám đốc điều hành Quỹ Vinacapital dẫn chứng các nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng 55% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho một sản phẩm, nếu DN đó thực hiện tốt trách nhiệm xã hội; 65% các công ty trong nhóm 500 DN lớn nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn cũng đã kết nối hoạt động quyên góp, ủng hộ người lao động của họ với các hoạt động về nhân đạo; 93% DN lớn nhất thế giới đã công bố các báo cáo về trách nhiệm xã hội dân sự hàng năm của mình.
Nhưng doanh nghiệp vẫn thờ ơ
Tuy kết quả khá rõ ràng như vậy nhưng theo ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH), cam kết của DN Việt đối với các hoạt động thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống còn rất hạn chế. Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho thấy, tính đến hết ngày 31/11/2017, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội là gần 13,1 nghìn tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, nhiều DN không quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Một số DN đánh bóng hình ảnh với mục đích không trong sáng như làm ăn phi pháp, móc ngoặc, trốn tránh trách nhiệm với người lao động, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trách nhiệm xã hội của DN nửa vời là do tổ chức công đoàn ở một số nơi còn yếu. Tại khu vực DN vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân chỉ có khoảng 10% DN có tổ chức công đoàn hoặc có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động chỉ mang tính hình thức.
Nguyên nhân được chỉ ra là do xuất phát từ thực tế hơn 97% DN là nhỏ và siêu nhỏ, còn thiếu nhận thức về nhiệm vụ xã hội, tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó là vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu cả về số lượng, yếu về chất lượng, công nghệ, chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ.
Phân tích về góc độ đầu tư của DN khi thực hiện tăng trưởng xanh, TS.Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, một trong những nguyên nhân là chính sách ban hành còn chậm, không theo kịp mức độ phát triển tiến bộ chung của khoa học, công nghệ, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy DN đầu tư vào tăng trưởng xanh. Đặc biệt, sự hỗ trợ nguồn lực còn hạn chế. Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy các DN bỏ vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh. Các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của DN.