Cướp giật kiếm tiền “nướng” vào game
Trời u ám, trầm buồn như gương mặt của những người mẹ theo con đến tòa dự khán. Cả hai người phụ nữ đều mang trong lòng những nỗi niềm riêng, nên khuôn mặt cũng trở nên nặng nề, phiền muộn. Con trai họ, là bị cáo Tùng và bị cáo Long, bị TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đưa ra xét xử về tội “Cướp giật tài sản”.
Một sáng cuối tháng 7/2017, trong khi cùng nhau uống cà phê, Tùng rủ Long đi cướp giật tài sản. Long đồng ý. Tùng giao xe máy hiệu Yamaha Exciter cho Long điều khiển chở mình chạy trên các tuyến đường ở TP Huế, tìm người có tài sản sơ hở để chiếm đoạt.
Khi cả hai đang chạy xe trên đường Nguyễn Du, thì phát hiện một phụ nữ đang chạy xe máy một mình, túi áo khoác bên trái của chị này có để một chiếc điện thoại di động hiệu Iphone 7 Plus màu đen (để hở ra ngoài, có giá trị 15 triệu đồng) nên cả hai bám theo.
Sau đó Long chạy xe vượt lên áp sát phía bên trái chị này, để Tùng ngồi sau dùng tay phải giật lấy chiếc điện thoại di động rồi nhanh chóng tẩu thoát.
Sau khi chiếm đoạt được tài sản, cả hai đem đến bán cho một cửa hàng mua bán điện thoại di động trên phố, lấy 10 triệu đồng, cả hai chia nhau tiêu xài hết. Bằng thủ đoạn tương tự, Tùng và Long còn liên tục thực hiện thêm năm vụ cướp giật tài sản khác. Những chiếc điện thoại mà cả hai chiếm đoạt được, đều do các nạn nhân cất hớ hênh sau túi quần.
Bị cáo Tùng và bị cáo Long đều nghỉ học sớm. Tùng ở nhà phụ cha mẹ làm sắt. Long có nghề sửa xe. Dù không nghiện ngập, nhưng cả hai đều mê game. Tất cả số tiền chiếm đoạt được từ sáu vụ cướp giật, đều bị hai thanh niên này nướng hết vào game. Sau khi vụ án được khởi tố, cả hai bị bắt tạm giam.
Tuy nhiên, sau hai tháng ngồi trong trại, Tùng được thay đổi biện pháp ngăn chặn “tạm giam” bằng biện pháp ngăn chặn “bảo lĩnh”. Về Long, khi bị bắt, bị cáo chỉ mới vừa cưới vợ được hai tháng. Ở trong tù, Long lo lắng vợ ở nhà cha mẹ chồng không quen, nên nhờ cha mẹ mình dẫn vợ Long về gửi nhờ bên nhà bố mẹ vợ.
Phiên tòa hôm ấy, vợ Long đến tòa cùng mẹ. Cô gái đưa ánh mắt buồn buồn nhìn chồng. Mẹ cô ngồi bên cạnh, hết nhìn con gái lại ngước mắt nhìn con rể đứng xa xa nơi vị trí dành cho bị cáo. Người mẹ ấy chỉ biết thở dài, rồi lại thở dài. Con gái mới gả đi còn chưa được hai tháng, đã phải ngày ngày tháng tháng bới xách cho chồng trong trại giam, người làm mẹ như bà, sao cười cho nổi.
Bà bảo hồi hai đứa quen nhau, bà thấy con rể cũng hiền lành lắm, dễ thương lắm, có ai ngờ. Thấy con gái còn nhỏ, bà khuyên hai đứa từ từ hãy cưới hỏi. Bằng tuổi đấy, còn “ăn chưa no, lo chưa tới”, sao có thể làm chồng, làm vợ, làm dâu làm rể cho tròn. Nhưng nói mãi con gái không nghe, thì thôi bà cũng đành nghe con. Vậy mà không khí cưới hỏi còn chưa tan hết, thì con rể đã khăn gói vô tù. Bà chép miệng đầy chán nản.
Đôi bạn cùng tiến vào… tù
Tòa hỏi Long có biết Tùng chưa thành niên không? Long khai cả hai quen biết nhau qua một người bạn khác. Bạn bè chơi với nhau, biết Tùng nhỏ tuổi hơn, nhưng thấy Tùng cao lớn, nên Long không biết cậu ta còn chưa đủ 18 tuổi.
“Bị cáo đi cướp giật, tiền chiếm đoạt được có mang về cho vợ không?”, tòa hỏi bị cáo Long. Bị cáo lắc đầu bảo không có.
“Vợ bị cáo có biết bị cáo đi cướp giật của người ta không?”. Bị cáo lần nữa lắc đầu.
Vị chủ tọa nói với cả hai bị cáo: “Cả hai bị cáo còn trẻ, còn khỏe, lẽ ra phải lo lao động, làm ăn, đằng này lại đi cướp giật, chiếm đoạt tài sản mồ hôi nước mắt của người khác để tiêu xài. Mình lười học tập, không học văn hóa được thì đi học nghề.
Có nghề rồi thì phải lo chăm chỉ mà lao động. Mình có tuổi trẻ, có sức khỏe, lại đi vào con đường phạm pháp như thế, để đến nỗi phải ra đứng đây, có hối tiếc không?”. Cả hai bị cáo im lặng cúi đầu.
Vị hội thẩm hỏi cha mẹ Tùng: “Ông bà làm cha làm mẹ nhưng không quản lý con, mà trong sáu tháng con trai còn đang ở tuổi vị thành niên đi cướp giật tài sản đến sáu lần mà không hay không biết? Có tiền trong tay, sinh hoạt của con cái sẽ khác thường ngày, chi tiêu cũng sẽ thay đổi, nếu cha mẹ để tâm thì sẽ phát hiện ra ngay. Chỉ vì lơi lỏng trong việc quản lý con cái, mà ông bà đã gián tiếp khiến con mình sa vào con đường phạm pháp”.
Mẹ bị cáo Tùng vẻ mặt khổ sở, giọng run run phân bua với tòa. Ông bà có tất cả ba đứa con. Tùng là con đầu, sau Tùng còn có hai đứa em đang tuổi ăn tuổi học. Vợ chồng ông bà tối ngày cứ quần quật lao động, mong kiếm đủ tiền cho con cái ăn cái mặc, nên mới không thể lúc nào cũng bên cạnh con.
Mỗi lần Tùng đi chơi, ông bà đều nghĩ con đi cà phê với bạn, đâu có ngờ con trai lại đi cướp của người ta, lấy tiền tiêu xài. Cả một đời vợ chồng bà sống ngay thẳng, chẳng bao giờ táy máy thứ gì của ai, một quả ớt, một trái cà không phải của mình, ông bà cũng không dám đưa tay ngắt. Vậy mà con trai mình, lại có thể chạy xe trên phố để cướp giật. Người mẹ giọng đắng nghét, muốn ứa nước mắt.
Trong vụ án này, cả hai bị cáo Tùng và Long phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội nhiều lần”. Bị cáo Long còn phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “xúi giục người chưa thành niên phạm tội”.
Do các bị cáo đã tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho các bị hại, tự thú về hành vi phạm tội trước đó mà chưa bị phát hiện, thành khẩn khai báo, được người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt…, vì vậy, tòa tuyên phạt bị cáo Tùng 27 tháng tù, bị cáo Long 42 tháng tù.
Khi hai bị cáo được dẫn giải ra xe để về lại trai giam, vợ bị cáo Long vội vã chạy theo chồng. Cô gái trẻ tần ngần nhìn chồng, lời còn chưa kịp nói, Long đã bị đẩy lên xe, chiếc xe nhanh chóng rời khỏi sân tòa, để lại vệt khói xám ngoét quẩn quanh trên sân. Vợ Long đứng đó, nhìn miết, cho đến khi chiếc xe khuất dạng vẫn chưa chịu dời gót.
Chiếc xe mà bị cáo Tùng sử dụng để gây án (do Tùng đứng tên chủ sở hữu), hiện đã bị cơ quan chức năng thu giữ để thi hành án. Tòa hỏi mẹ Tùng, tại sao xe “dân chơi”, Tùng chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái, lại giao xe cho con trai sử dụng, vô tình đưa con vào con đường phạm tội? Mẹ Tùng xua tay bảo, chiếc xe đó là do vợ chồng bà bỏ tiền ra mua, mục đích là để làm phương tiện đi lại trong gia đình.
Do có ý định sau khi Tùng đủ 18 tuổi và có bằng lái xe, ông bà sẽ cho con trai chiếc xe này. Nhưng khi đi mua xe, người bán xe tư vấn Tùng đã đủ tuổi sở hữu, nên để Tùng đứng tên, sau này khỏi mất công đi sang tên đổi chủ thêm lần nữa. Thấy cũng đúng, nên ông bà mới để con trai đứng tên. Tại phiên tòa, bố mẹ Tùng yêu cầu tòa xem xét để trả lại chiếc xe cho ông bà, bởi vì đây không phải là tài sản của bị cáo.
Tuy nhiên, theo hội đồng xét xử, mặc dù tiền mua xe là của bố mẹ bị cáo Tùng, nhưng tên chủ sở hữu chiếc xe do bị cáo đứng tên. Quá trình điều tra xác định chiếc xe này chính là phương tiện phạm tội, do đó tòa không chấp nhận yêu cầu trả lại xe cho bố mẹ bị cáo Tùng mà tịch thu, sung vào công quỹ.