Chị Anh Phương gửi tới báo PLVN một bài viết với đề nghị “đây là lời khẩn cầu tôi muốn gửi tới các ông, bà chủ doanh nghiệp đang có “chiêu thức” kinh doanh bằng cách cho nhân viên nhắn tin, gọi điện quấy rầy khách hàng, trong đó có tôi”. Chị Phương viết:
“Tôi sử dụng 02 số điện thoại di động, trong đó 01 máy là số hot line của cơ quan nên số lạ, số quen tôi đều phải nghe, bất cứ giờ nào trong ngày cũng phải nghe. Gần đây, mỗi ngày tôi nhận hàng chục tin nhắn “rác” chào mời mua bất động sản, bảo hiểm nhân thọ, bán sim, số đẹp, khuyến mại hàng hoá…Cứ vài ngày tôi lại phải xoá hộp thư vì đầy tin nhắn rác. Song điều đó vẫn chưa khó chịu bằng các cuộc điện thoại “không mời mà tới”.
Hàng đầu là các công ty bảo hiểm nhân thọ, mà họ có cách tiếp cận rất “đau tim”. Ví dụ, tôi có mẹ già và con nhỏ, nhân viên hãng bảo hiểm nhân thọ biết được điều này, họ gọi cho tôi khi nào cũng bắt đầu với câu: chào chị, có phải mẹ chị là bác M không. Mẹ tôi ở nhà một mình, chỉ nghe hỏi thế thôi tôi đã hoảng hốt hỏi lại ngay: em là ai, mẹ chị có việc gì à. Nhân viên này “dịu dàng” trấn an, không, không chị ạ, em là A,B,C ở công ty Bảo hiểm XYZ, công ty em mới có sản phẩm….
Các con tôi đang tuổi đi học, lúc chúng ở trường, tôi nhận được điện thoại hỏi tôi có phải là mẹ của cháu G, cháu H không, tôi bảo vâng, các con tôi có chuyện gì sao, thì họ cũng lại “nhỏ nhẹ” trình bày là giới thiệu sản phẩm. Các văn phòng gia sư, các đơn vị, trung tâm đào tạo tiếng Anh, các tổ chức dạy kỹ năng sống, du học…cũng có cách tiếp cận như thế này. Họ cũng “nã” điện thoại và làm tôi “đau tim” trước khi mời tiếp cận hàng hoá, dịch vụ của họ.
Các loại tin nhắn làm phiền khách hàng |
Các công ty, văn phòng môi giới bất động sản cũng không chịu kém cạnh các hãng bảo hiểm nhân thọ. Sáng sớm, đêm khuya, bất kể khi nào tôi cũng bị các cuộc điện thoại gọi tới và hỏi: chị có phải chủ căn hộ này, căn hộ kia không, chị có bán, có cho thuê hay không. Tôi trả lời hàng trăm lần với hàng trăm số điện thoại, rằng là cái căn hộ đó tôi đang ở rồi, tôi không có nhu cầu bán hay cho ai thuê nhưng chẳng hiểu sao hôm sau, hôm sau nữa, cho tới tận hôm nay tôi vẫn cứ phải nghe điện thoại và đau khổ trả lời lại những điều đã nói.
Không gọi hỏi có cho thuê, có bán bất động sản không, các nhân viên môi giới bất động sản còn tra tấn tôi bằng các cuộc gọi mời mua bất động sản. Họ gọi điện với giọng rất thân thiết: chị ơi, em Minh đây ạ, bên em đang phân phối dự án nọ, chị có quan tâm không, em mời chị tới tham quan và tìm hiểu dự án.
Tôi hiểu rằng, các ông chủ, bà chủ doanh nghiệp muốn bán được hàng và có thể bằng kinh nghiệm thương trường, các vị cho rằng gọi 100 cuộc điện thoại, bắt được 1 khách hàng, thế đã là hiệu quả, còn hơn là quảng cáo trên báo chí hay các kênh bán hàng khác. Nhưng không hiểu các ông, bà chủ có nghĩ tới vế còn lại là khi bị quấy rầy quá nhiều, đến mức khó có thể chấp nhận nổi thì những khách hàng tiềm năng như chúng tôi đây, thay vì lựa chọn dịch vụ, sản phẩm của quý vị, chúng tôi sẽ căm ghét quý vị và ghét lây cả sản phẩm, dịch vụ của quý vị.
Nếu như ông (bà) cũng có một đứa con, khi nó đang ở trường học, có số máy lạ gọi cho ông (bà), giọng nghiêm trọng (hình sự) hỏi: có phải phụ huynh của em A, B, C không. Trong lúc ông (bà) thót tim lo con có việc gì nguy cấp mà nhà trường gọi, thì đầu dây bên kia sau khi đã xác nhận được đúng là “con mồi” bèn “dụ”: có sản phẩm mới, muốn giới thiệu…thì cảm giác của ông (bà) thế nào? Ông (bà) có thích cảm giác đó không”?
Nếu như ông (bà) đang trong cuộc họp quan trọng mà buộc phải nghe điện thoại rồi khi nhấc máy thì bị đeo bám “mời mua sản phẩm nọ, dịch vụ kia”, cuộc họp bị cắt ngang, tất cả mọi người trong phòng họp đều bị làm phiền, nhìn ông (bà) bằng con mắt thiếu thiện cảm, thì ông (bà) nghĩ gì?
Tôi chắc rằng ông (bà) sẽ khó chịu như tôi mà thôi, vậy thì vì sao lại bắt khách hàng chúng tôi phải chịu trận?