Hà Tĩnh “ưu ái” bia Sài Gòn, hộ kinh doanh nhỏ lẻ “khóc thầm”

(PLO) - Không ký hoặc ký mà không thực hiện cam kết “ưu tiên tiêu thụ bia Sài Gòn”, các hộ kinh doanh có nguy cơ "bị gây khó dễ" nên họ đành “cười nụ, khóc thầm”. Đằng sau sự "ưu ái" cho một nhãn hàng là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ bị mất quyền tự do kinh doanh, người tiêu dùng mất quyền tự do lựa chọn hàng hoá…
Từ tuyên truyền đến cam kết
Có mặt tại Hà Tĩnh những ngày vừa qua, nhóm phóng viên ghi nhận “hiện tượng” nơi nơi “thúc đẩy” tiêu thụ bia Sài Gòn, bia 333. Người dân ở xã Cẩm Yên, Cẩm Xuyên cho biết họ thấy rất bất ngờ khi hệ thống loa phát thanh ở các xóm đồng thanh “ra rả” phát đi thông điệp tuyên truyền, đẩy mạnh việc sử dụng bia Sài Gòn. 
Trước đó, UBND huyện Cẩm Xuyên có văn bản số 199/UBND-VHTT về việc “Đẩy mạnh sử dụng tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn”, nêu rõ “UBND huyện yêu cầu: UBND các xã, thị trấn tăng cường thời lượng phát thanh tuyên truyền về cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính Trị phát động và chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm sản xuất trên địa bàn…chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng trên địa bàn vận động khác hàng ưu tiên sử dụng bia Sài Gòn…”.
Huyện Cẩm Xuyên cũng yêu cầu đài Phát thanh – Truyền hình huyện nhà tăng cường thời lượng tuyên truyền về cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…; chỉ đạo Ban Quản lý khu du lịch Thiên Cầm khuyến khích khách hàng ưu tiên tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh, trong đó có bia Sài Gòn; Yêu cầu các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ treo các biển quảng cáo bia Sài Gòn; Yêu cầu đưa bia Sài Gòn vào trong menu (thực đơn )…của đơn vị mình.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên xác nhận, sau khi nhận được văn bản của UBND huyện về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn. Ông đã chỉ đạo chuyển cho bộ phận phát thanh, phát trên hệ thống loa tới tận các xóm. Điều này đã khiến không ít người dân phải thắc mắc vì lần đầu tiên xảy ra việc dùng loa phát thanh xã để tuyên truyền, vận động việc…uống bia.
Tại huyện Đức Thọ, xuất hiện một cách làm “lạ”, đó là ông Đặng Giang Trung - Phó chủ tịch huyện Đức Thọ là người đại diện phía chính quyền ký với chủ các cơ sở kinh doanh bản cam kết về việc ưu tiên tiêu thụ bia Sài Gòn. Huyện Kỳ Anh có bản cam kết do Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện yều cầu các chủ kinh doanh ký cam kết với nội dung nhấn mạnh: “Kể từ ngày…nhà hàng tăng số lượng tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn (bia Sài Gòn, bia 333), nước khoáng Sơn Kim và tiến tới việc “không tiêu thụ các hãng bia, nước khác”…” 
Đây không phải lần đầu tiên Hà Tĩnh “ưu ái” cho nhãn hàng bia Sài Gòn tới mức trở thành “tâm điểm” của dư luận. Hồi tháng 8/2014, huyện Kỳ Anh cũng từng có công văn yêu cầu các cơ quan, ban ngành địa phương “đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm Bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại huyện Kỳ Anh” trong các hội nghị, liên hoan. 
Gần đây nhất, ngày 1/9, ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng tỉnh Hà Tĩnh đã ký giấy mời đóng dấu “Hỏa tốc” gửi tới các lảnh đạo, thủ trưởng sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch các hội, hiệp hội trong tỉnh, lảnh đạo huyện trên địa bàn tới tham dự lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn”.
“Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”?
Trao đổi với phóng viên PLVN, một chủ nhà hàng lớn trên địa bàn Hà Tĩnh ngại ngần kể đã ký biên bản sử dụng bia Sài Gòn từ lâu. “Thực tế là bắt ký cả, nếu không thì sẽ bị “phạt” các tội khác liên quan đến lĩnh vực như: an toàn thực phẩm vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường, thuế má...Hơn thế nữa, còn bắt buộc phải trưng bày sản phẩm bia Sài Gòn ngay trước quán, thậm chí sắp không đẹp còn bị nạt nữa là, chỗ có quen biết còn đỡ chứ các chỗ khác không có là “ép” mạnh..”, vị chủ quán e dè nói. Sau đó minh chứng thêm: “Có hôm khách đến quán tôi ban đầu là uống bia Sài Gòn rồi chuyển sang uống bia khác, sau đó thì những vị khách này bị lãnh đạo phê bình vì tội không uống bia Sài Gòn”.
Hỏi vị chủ quán nghĩ sao khi ký cam kết ưu tiên bán bia Sài Gòn, chúng tôi nhận được lời chia sẻ chân thành “ chúng tôi là người bán hàng, chiều khách là quan trọng nhất, khách họ thích uống cái chi là tùy họ, phải ép uổng như thế này, là cực chẳng đã thôi”. 
Một chủ đại lý kinh doanh tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) cũng chia sẻ với báo giới “Chúng tôi buôn bán là tùy thuộc vào nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, họ yêu cầu loại nào thì chúng tôi cung cấp loại đó, ép buộc khách hàng họ không mua chúng tôi mất doanh thu nhưng nếu không ký cam kết, không thực hiện, nếu đoàn đến kiểm tra, phát hiện không có bia Sài Gòn thì sẽ bị phạt các lỗi khác như không niêm yết giá sản phẩm, tìm các mặt hàng chưa đăng ký giấy phép kinh doanh để phạt.
Trong lúc các hộ kinh doanh nhỏ lẻ e ngại không thực hiện cam kết “ưu tiên sử dụng bia Sài Gòn” sẽ bị “gây khó dễ” thì lực lượng quản lý thị trường Hà Tĩnh “phản pháp” với báo giới là “không có chuyện bị phạt vì không bán hoặc trưng bày bia Sài Gòn”. Ngành Công thương tỉnh này cũng “phân trần”: chỉ đề nghị “khuyến khích”, “ưu tiên” chứ không có dòng nào “ép” “buộc”, yêu cầu“chỉ ” được bán bia Sài Gòn”.
Các hộ kinh doanh “sợ bóng sợ vía” hay có “phần chìm của tảng băng trôi” trong câu chuyện này, dù thế nào đi chăng nữa thì sự thực vẫn là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và người tiêu dùng Hà Tĩnh, khách hàng vãng lai có việc đi qua Hà Tĩnh như du lịch hay lưu thông, khi dừng lại các quán xá thuộc địa phận tỉnh này buộc phải đối diện với việc “chỉ có bia Sài Gòn để chọn nếu muốn uống bia/ bán bia”.
Việc Hà Tĩnh ưu ái bia Sài Gòn khiến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ mất quyền tự do kinh doanh, người tiêu dùng mất quyền tự do lựa chọn hàng hoá. Theo các chuyên gia kinh tế sự “ưu ái” này còn có biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trái với luật cạnh tranh, làm méo mó thị trường.
“Từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã từng bước thực hiện các cam kết làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp được bình đẳng trên thị trường. Do vậy việc can thiệp vào quyền tự do kinh doanh, tự do lựa chọn hàng hoá như việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh ưu tiên bán bia Sài Gòn là có biểu hiện  phân biệt đối xử với hàng hóa trong nước và nước ngoài, đi ngược lại các cam kết của chúng ta”, luật sư Trương Quốc Hoè, Văn phòng luật sư Interla khẳng định.
Vẫn theo luật sư Trương Quốc Hoè thì Hiến pháp năm 2013, hiện đang có hiệu lực đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của công dân. Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Người kinh doanh được pháp luật bảo vệ nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Theo khảo sát của phóng viên PLVN, mặc dù “chẻ” câu chữ thì chữ “ưu tiên” trong các bản cam kết có thể “cứu” các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh khỏi “hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh” song thực tế thị trường bia và nước uống giải khát Hà Tĩnh vẫn "bất bình thường". Biểu hiện sinh động là "sự vắng bóng" các nhãn hàng cạnh tranh với bia Sài Gòn và các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh này đều e ngại, vì vậy họ đều ký cam kết cũng như buộc lòng "chỉ" bán bia Sài Gòn cho “yên ổn”. 
Đã đến lúc Bộ Công Thương cần có ý kiến chính thức về sự việc này, để các hộ kinh doanh có cơ hội thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình theo đúng các quy định trong Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, đúng với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia khi gia nhập WTO, bảo vệ quyền tự do lựa chọn hàng hoá của người tiêu dùng.

Đọc thêm