Lời nguyền từ một cuộc hôn nhân
Gặp gỡ ông Trần Đại Cải - người đảm nhận nhiệm vụ trông coi đình làng Quang Ốc, ông cho rằng sự tích về lời nguyền tuy không có sổ sách ghi chép nhưng câu chuyện về lời nguyền giữa hai làng trong xã Bắc Lý là Quang Ốc và Nội Rối là hoàn toàn có thật, được truyền tai từ đời này qua đời khác và đã hơn 300 năm vẫn chưa được hóa giải.
Chuyện kể rằng, ông chánh thiều (chuyên trông coi sổ sách của làng) ở làng Quang Ốc, gả con gái cho người làng Nội Rối. Lấy nhau về, vợ chồng sống với nhau hòa thuận và hạnh phúc. Nhưng làng Nội Rối vì quá nghèo nên hai vợ chồng có cuộc sống khó khăn. Một hôm, hai vợ chồng tâm sự với nhau, chàng rể người làng Nội Rối nói với vợ mình: “Em về dưới nhà, lấy cho anh tập sổ sách ruộng đất của bố, anh chữa lấy ít đất đai cho vợ chồng cày cấy để còn sinh nhai và nuôi con cái nữa”.
Ông Trần Đại Cải - người trông giữ làng Quang Ốc khẳng định câu chuyện về lời nguyền và hàng trăm năm nay trai gái hai làng không lấy nhau là hoàn toàn có thật. |
Người vợ nghe nói thì cũng thuận lòng, bởi lẽ ruộng đồng ở làng Quang Ốc thì mênh mông, chả cấy cày hết được nên bèn về lấy trộm cuốn sổ bạ của cha mình đưa cho chồng. Người chồng lại đưa cho bố mình – một người có chức sắc ở làng Nội Rối. Ông bố này lại là người học rộng, tài cao, ông cầm sổ bạ, vẽ lại bản đồ địa chính và lấy mất của làng Quang Ốc khoảng 100 mẫu ruộng đầu làng. Tại thời điểm ấy, số ruộng này làng Quang Ốc để không, không cày cấy nên cũng không đóng thuế.
Sau khi vẽ lại, ông lại âm thầm đóng thuế để chứng thực đây là đất của làng mình. Sau một thời gian, ông bắt đầu cho người dân ra để cày cấy ở 100 mẫu ruộng này. Người dân làng Quang Ốc thấy vậy thì can ngăn và xảy ra xô xát, mâu thuẫn tranh chấp đất đai và kiện lên quan phủ. Ông chánh thiều của làng Quang Ốc vẫn yên tâm và chắc thắng vì tin rằng mình có sổ sách chứng thực. Ấy vậy nhưng khi giở sổ ra thì thấy đã bị chỉnh sửa, cộng với hơn một năm qua làng Nội Rối có đóng thuế đầy đủ nên quan xử đất đấy thuộc về Nội Rối là hoàn toàn hợp pháp.
Không chịu phán xử của quan, hai làng tiếp tục xảy ra đánh nhau, tranh chấp. Làng Quang Ốc trong đêm đã khiêng đình làng từ giữa làng ra đặt lại ở đầu làng. Người ở làng Nội Rối không dám vượt qua đình làng nên chỉ chiếm được khoảng một nửa số đất mà trước đó đã có âm mưu chiếm đoạt. Sau đó, mọi người ở làng Quang Ốc đã tổ chức cuộc họp ở đình làng. Ông cai điền thổ của làng đã đóng một chiếc đinh vào cột đình kèm theo một lời nguyền: “Trai gái làng Quang Ốc và làng Nội Rối tuyệt đối không được lấy nhau. Trừ khi có ai đó nhổ được cái đinh ở trong đình làng”.
Chiếc đinh mà mọi người cho rằng gắn với lời nguyền. Tuy nhiên, trong lời nguyền có nói đến đinh được đóng ở cột đình làng, còn đây là ở xà đình nên không ai dám khẳng định chắc chắn. |
Bây giờ không còn ai nhớ chính xác năm sự việc diễn ra, cũng không còn ai nhớ là chiếc đinh có trong lời thề được đóng chính xác ở vị trí nào trong đình làng. Bởi trong một đình làng có hàng trăm, hàng nghìn chiếc đinh. Hàng năm, vào dịp giỗ làng người dân thường tập trung ở đây để ôn lại, truyền tai nhau câu chuyện li kì về lời nguyền cách đây 300 năm.
Không thể hóa giải?
Sau câu chuyện lời nguyền thì người con gái con ông chánh thiều của làng Quang Ốc ở hẳn lại làng Nội Rối và không trở về nhà ngoại nữa. Năm tháng qua đi, lớp trẻ lớn lên, những hằn thù bị xóa nhòa, trai gái hai làng sống rất chan hòa với nhau, cũng đã có nhiều người yêu nhau. Tuy nhiên, mặc dù hai bên gia đình không ai đe dọa, ngăn cấm vì trai gái hai làng trót yêu thương nhau nhưng họ chỉ trở thành bạn bè chứ không kết hôn.
Mọi người ở hai làng tin rằng, nguyên cớ việc trai gái hai làng mấy trăm năm qua không qua lại kết hôn với nhau không phải do thù oán gì sâu nặng, hay chịu sự ép buộc của tôn giáo, luật lệ hà khắc nào cả, mà nguyên nhân chính là tại chiếc đinh được đóng ở cột đình làng Quang Ốc do ông cai điền thổ lúc bây giờ đóng vào để ghi nhớ một lời nguyền chưa được ai phát hiện và nhổ đi.
Sau giải phóng, thời kì Nhà nước tuyên truyền về bài trừ mê tín dị đoan, có ông Kim Văn Bồi, người làng Quang Ốc đã phá vỡ lời thề, lấy gái làng Nội Rối. Nhưng sau đó, cuộc sống gia đình ông này gặp nhiều trục trặc không rõ nguyên nhân khiến mọi người nhớ lại lời nguyền cách đây 300 của làng và thêm phần nghi ngại - ông Trần Đại Cải chia sẻ.
Cũng theo ông Cải, câu chuyện này vì không có sổ sách ghi chép lại nhưng những gì diễn ra ở đây hơn 300 năm qua là có thật và được người dân hai làng xác thực. Tuy vậy, đến bây giờ hiện tượng này vẫn là một “ẩn số” đối với thế hệ hậu sinh, và nó được xem như là nét văn hóa độc đáo có phần kì bí của hai làng Quang Ốc và Nội Rối.