Nghề khó ở vùng đất khó
Chuyến công tác đến Chi cục THADS huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) của chúng tôi diễn ra vào một ngày giữa tháng 5. Nằm ở phía Đông tỉnh Hà Giang, Bắc Mê có phần diện tích tiếp giáp với huyện Na Hang và lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang và huyện Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng. Đây là vùng đất thơ mộng và hùng vĩ, đa sắc màu văn hoá bản địa. Nơi đây có 13 đơn vị hành chính (gồm 12 xã, 1 thị trấn) với 14 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lương Ngọc Tú - Chi cục THADS huyện Bắc Mê cho biết, địa bàn rộng, trải dài, điều kiện địa hình khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều như vậy nhưng Cơ quan THADS huyện Bắc Mê chỉ có 5 biên chế, bao gồm cả lãnh đạo chi cục. Trong điều kiện ít người, mỗi khi tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động toàn lực cũng vẫn thấy thiếu.
|
Một vụ cưỡng chế thi hành án giao đất tại huyện Bắc Mê. |
Muốn làm tốt nghề này, theo vị Chi cục trưởng chia sẻ, ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì cán bộ, chấp hành viên phải hiểu rõ văn hóa của bà con, phải đặt mình ở hoàn cảnh của người dân, thấu hiểu đương sự thì mới giải quyết công việc thấu đáo, nhân văn, người dân mới tâm phục khẩu phục.
Ông Lương Ngọc Tú tự hào chia sẻ, những năm qua, anh em đã phải rất vất vả, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong số cán bộ THADS tiêu biểu của đơn vị, chấp hành viên Đoàn Thị Ngát (SN 1988) là một người trẻ, vững chuyên môn, giàu nhiệt huyết. Những năm gần đây chị Ngát đã giải quyết thành công nhiều vụ thi hành án khó tại địa phương.
Lội suối, vượt sông vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án
Do đặc điểm địa hình núi rừng hiểm trở, có sông, suối nên chuyện chấp hành viên, cán bộ THADS Bắc Mê phải băng rừng, trèo đèo lội suối, vượt sông sang đò đi làm nhiệm vụ cũng là chuyện bình thường. Vất vả, nhưng họ vẫn phải khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Trò chuyện với phóng viên, chị Ngát khiêm tốn nói: “Mấy công việc này đều là thực hiện nhiệm vụ chung, cơ quan giao thì chúng tôi phải cố gắng hoàn thành, nhưng để vận động được bà con chấp hành các vụ việc trên này thì không hề đơn giản, bởi hoàn cảnh họ còn khó khăn, nhận thức hạn chế. Chuyện “chia con” vừa rồi chúng tôi vận động thi hành án thành công là câu chuyện đáng nhớ”.
|
Chấp hành viên trong một buổi hoà giải thi hành án dân sự. |
Chị Ngát kể, vừa qua Chi cục THADS huyện đã thi hành xong bản án của Tòa án nhân dân huyện Bắc Mê, về việc ly hôn và nuôi con chung. Sau khi anh K và chị L ly hôn, hai con chung của họ (gọi tên là bé Thóc và bé Gạo) được Toà án phân định anh K nuôi cháu Gạo, chị L nuôi cháu Thóc cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi, không bên nào phải đóng tiền cấp dưỡng nuôi con.
Đáng nói, hai cháu bé đã và đang sống với bố (tức anh K) và ông bà nội tại thôn Khuổi Nấng, xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê. Sau khi Quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, anh K nhất quyết không giao cháu Thóc cho chị L trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc nên chị L đã đến cơ quan Thi hành án yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.
Sau khi thụ lý vụ việc, Chấp hành viên đã ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo Quyết định của Tòa. Đồng thời, phối hợp với lãnh đạo xã, Công an xã, các tổ chức chính trị - xã hội tại xã Thượng Tân thuyết phục anh K - là người phải thi hành án tự nguyện giao con cho vợ cũ nuôi dưỡng.
Do các cháu sống với bố và ông bà nội từ nhỏ, mẹ đi làm công ty ít khi về nhà nên tình cảm giữa người mẹ và hai con không gắn bó, ngược lại ở với ông bà nội nhiều nên cháu Nhung cũng không muốn sống với mẹ, thậm chí bà nội còn dọa sẽ tự tử nếu đưa cháu của bà đi.
Trong cuộc sống, anh K là người hiếu thảo, rất nghe lời bố mẹ, không tin tưởng giao con cho chị L, sợ con gái ở với chị sẽ khổ và sợ không được gặp con nên bản thân anh có hành vi chống đối.
Ngoài ra, trước thời điểm cơ quan thi hành án chưa thụ lý, chính quyền xã cùng Công an cũng đã giải quyết nhiều lần về vụ việc này. Đồng thời đánh giá đây là vụ việc căng thẳng, phức tạp. Gia đình bên phải thi hành án ở bên kia sông, là người dân tộc Dao, có rất nhiều anh em ở gần, lại có sự đoàn kết nên nếu không thuyết phục họ tự nguyện giao con, mà phải tổ chức cưỡng chế thì khả năng giao con tại gia đình rất khó.
Dân vận khôn khéo để những đứa trẻ có hạnh phúc
Nhận thức được vụ thi hành án việc dân sự này tuy nhỏ nhưng tính chất lại phức tạp, nan giải, chấp hành viên Đoàn Thị Ngát xác định vụ việc này nếu chỉ áp dụng quy định pháp luật cứng nhắc sẽ khó thành; cần phải kiên trì hoà giải, vận động thuyết phục, kết hợp với dân vận khéo thì mới hoá giải được mâu thuẫn, căng thẳng để đi đến kết quả.
Xác định việc thi hành án giao con không những thực thi quyết định có hiệu lực của Tòa án, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án; mà còn liên quan và ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ được giao nuôi dưỡng. Từ đó, Chấp hành viên Đoàn Thị Ngát đã lập kế hoạch, tăng cường công tác phối hợp, thuyết phục, nắm bắt tâm lý của các bên đương sự.
|
Trụ sở cơ quan Chi cục THADS huyện Bắc Mê. |
Với mục đích giao con trên tinh thần vui vẻ, hợp tác không ảnh hưởng tâm lý của những đứa trẻ được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên và Tổ công tác đã không ngại khó, ngại khổ, không quản ngày nắng đêm mưa, đường xá xa xôi lội suối, vượt sông đến tác động, thuyết phục các thành viên bên đương sự.
“Từ thông tin cơ sở, chúng tôi lấy đủ lí do để nhiều lần gặp gỡ anh K, thuyết phục vì bản thân anh ấy đang công tác tại thôn phải làm gương đi đầu thực hiện Quyết định của Tòa. Tránh trường hợp phải thi hành án sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, cũng như lí lịch của con sau này. Từ đó, chúng tôi quyết định để chính anh K là người sẽ thuyết phục bố mẹ anh”, chấp hành viên Đoàn Thị Ngát chia sẻ.
Cuối cùng, nhờ kiên trì hoà giải thuyết phục, cộng với những tác động tâm lý tích cực, trong đó có cả công sức của những người có uy tín trong làng, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Bắc Mê đã tiến hành giao người chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng thành công mà không phải tổ chức cưỡng chế.
Được biết, sau khi giao con, các bên có mối quan hệ hòa hảo, định kỳ thăm nom con chung, đứa trẻ được giao nuôi dưỡng vui vẻ, hòa đồng, học tập tốt...
Chị Ngát bảo, thấy được những hình ảnh hạnh phúc ấy, những người chấp hành viên như chị cũng cảm thấy có động lực, từ đó càng thêm yêu cái nghề THADS ở mảnh đất vùng cao này.