Chuyện nghề Thi hành án Dân sự

Những giọt nước mắt trong đêm của nữ Chi Cục trưởng đau đáu với nghề

(PLVN) - Những tháng ngày tuổi trẻ lăn lộn dưới cơ sở trong vai trò là chấp hành viên, sẵn sàng "trơ mặt ra" cho đương sự mắng chửi, thậm chí là xúc phạm đã tạo ra một Chi Cục trưởng rắn rỏi, quyết đoán như hôm nay. Chị là Nguyễn Thị Bốn, Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. 

Nghề thường xuyên nghe ..."lăng mạ"

Gặp Chi Cục trưởng Nguyễn Thị Bốn (SN 1981) trong phòng làm việc của chị với ngổn ngang các loại tài liệu, giấy tờ được chất thành từng đống trên bàn, công việc luôn bận rộn. Chị nói bản thân có “nghiệp” với nghề Thi hành án dân sự. “Đã là “nghiệp” thì muốn dứt ra cũng không được. Vậy nên tôi cứ yêu thương, gắn bó và nỗ lực vì nghề dù nghề có lắm truân chuyên, vất vả”, chị Bốn mở đầu câu chuyện.

Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang Nguyễn Thị Bốn. (Ảnh: Minh Hữu).

Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang Nguyễn Thị Bốn. (Ảnh: Minh Hữu).

Nhiều người nghĩ, Thi hành án dân sự là nghề có thể có đôi chút vất vả, nhưng là công việc của Nhà nước nên chắc cũng có phần nhàn hạ. Nhưng qua câu chuyện của nữ Chi Cục trưởng Nguyễn Thị Bốn, người viết mới nhận ra rằng Thi hành án dân sự không chỉ là một nghề vất vả, gian truân, dễ bị tổn thương mà còn là một nghề đối diện với muôn vàn hiểm nguy.

Chị Nguyễn Thị Bốn cầm bằng Cử nhân Đại học Luật năm 2004 với bao ước mơ màu hồng. Chị tìm được một công việc khá thuận lợi ở Hà Nội, nhưng bố chị lại muốn cô con gái làm việc ở gần nhà huyện Lạng Giang. Hôm đó chị đi xe đạp ra bến tàu để đi Hà Nội thì bố chị đuổi theo, giữ xe đạp lại, không cho con đi làm nơi xa. Thương bố mẹ già, chị đành ở lại quê. Được gia đình, nhất là anh trai cả động viên, chị quyết định thi vào ngành Thi hành án dân sự.

“Cuối năm 2004, Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang tổ chức kỳ thi tuyển. Tôi nỗ lực ôn trong gần một tháng, thuộc cả quyển Pháp lệnh năm 1993 dày mấy chục trang. Kỳ tuyển sinh năm đó tôi đứng vị trí thứ hai, đủ điều kiện vào làm ở Chi cục Thi Hành án dân sự huyện”, chị Bốn nhớ lại, kể tiếp rằng, trước khi vào làm, ngành yêu cầu làm giấy cam kết, phải làm tối thiểu 5 năm, nếu bỏ việc giữa chừng sẽ bị phạt 30 triệu đồng.

Những ngày đầu làm việc ở Thi hành án dân sự, đơn vị thiếu người, chị vừa giúp việc cho một anh chấp hành viên, vừa thực hiện công việc văn phòng và thủ quỹ. Ban đầu, anh chấp hành viên còn hướng dẫn, đưa chị đi cơ sở, sau đó chị phải lọ mọ một mình.

“Một lần tôi đi cơ sở để yêu cầu đương sự nộp phạt trong một bản án đánh bạc. Bà chủ nhà hất hàm lên, tỏ vẻ khinh bỉ bảo tôi rằng: “Tôi lạ gì các cô, các cô là loại đi đòi nợ thuê”, rồi lớn tiếng đuổi chị ra khỏi nhà. Lúc đó chị cố bình tĩnh, thưa lại rằng: “Cháu đúng là đi đòi nợ, nhưng cháu đi đòi nợ cho Nhà nước, và cháu nhân danh Nhà nước đi làm nhiệm vụ, chứ không phải đòi nợ kiểu xã hội đen…”. Nói xong chị ấm ức ra về.

Sau khi về nhà, chị Bốn cảm thấy như bị xúc phạm, trong lòng tổn thương. Ước mơ màu hồng của cô cử nhân mới ra trường hôm nào bỗng hóa thành một màu u ám.

Chị kể, nhiều lần bị đương sự mắng chửi, lăng mạ, đêm về cảm thấy tủi thân vô cùng. Những giọt nước mắt cứ âm thầm rơi trên má. Trước áp lực công việc, chị đến gặp anh trai, ngỏ ý muốn bỏ việc. Được anh trai động viên, phần khác vì thương bố mẹ vì nếu nghỉ việc sẽ bị phạt 30 triệu nên chị ráng với công việc với ý định hết 5 năm sẽ nghỉ.

Thời gian dần trôi qua, rồi chị lấy chồng, sinh con. Bẵng đi đã hết 5 năm. Lúc này chị Bốn không còn tâm lí muốn bỏ nghề thi hành án dân sự nữa.

Càng gắn bó chị càng yêu nghề, quý nghề hơn. Quãng thời gian 5 năm chị “trơ gan cùng tuế nguyệt” đủ để hiểu và thấu cảm với nghề. “Đi làm nhiều, quen dần với môi trường, nghe dân mắng chửi nhiều rồi cũng quen. Nghe xong thì mình bình tĩnh khuyên giải họ bằng lí, bằng tình”, chị Bốn nhớ lại và cho rằng, nếu nghề Thi hành án dân sự mà dễ tự ái, sợ bị xúc phạm thì không thể làm được việc.

“Tiền, tài sản đang ở tay họ, giờ mình đi cưỡng chế, đi bán thì không ai thích mình cả. Họ văng tục mắng chửi mình, chúng tôi cho đó là tâm lí bình thường. Công việc Nhà nước giao, mình không thể tự ái cá nhân mà chùn bước”, chị Bốn nói.

Nữ Chi Cục trưởng Nguyễn Thị Bốn trong một lần đi cơ cở. (Ảnh: NVCC).

Nữ Chi Cục trưởng Nguyễn Thị Bốn trong một lần đi cơ cở. (Ảnh: NVCC).

Từ kinh nghiệm của bản thân, nữ Chi cục trưởng Nguyễn Thị Bốn cho rằng, để hoàn thành tốt công việc Thi hành án dân sự, cán bộ chấp hành viên ngoài việc thượng tôn pháp luật, kiên quyết bảo vệ công lý thì cần sự bản lĩnh, khách quan, đúng mực và dân vận khéo.

“Không chỉ nghiên cứu kỹ hồ sơ bản án, chúng tôi còn nghiên cứu kỹ nhân thân, lý lịch người phải thi hành án. Trong lúc làm việc, lựa tâm lí từng người để có cách vận động khéo léo. Có những trường hợp đương sự bức xúc, nóng nảy, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” thì mình phải biết dừng đúng lúc”, chị Bốn chia sẻ.

Kỷ niệm về những “ca khó đỡ”

Công việc Thi hành án dân sự gian khó và nguy hiểm là vậy, nhưng chị Nguyễn Thị Bốn dù là một người phụ nữ nhỏ nhắn, chân yếu tay mềm nhưng luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Từ một chấp hành viên, nhờ sự xông xáo, quyết liệt và hiệu quả trong công việc, chị được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm làm Phó Chi cục Trưởng, rồi Chi Cục trưởng (năm 2019).

“Làm chấp hành viên vất vả nhưng làm lãnh đạo còn vất vả hơn. Những việc khó mà chấp hành viên không làm được mới đến tay lãnh đạo”, chị Bốn chia sẻ và cho biết, hồi chị mới được bổ nhiệm làm Chi Cục trưởng, công việc tồn đọng nhiều, chị phải làm việc xuyên trưa, thậm chí làm việc cả buổi tối. “Tôi được thuận lợi là nhà ở gần cơ quan, lại được bà nội giúp đỡ việc gia đình, nên nhiều khi việc dồn lại nhiều, về ăn tối xong 7-8 giờ tối tôi lại ra cơ quan làm việc đến đêm khuya mới về”, chị Bốn nhớ lại.

Trong hơn 20 năm làm việc tại Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang, chị Bốn trải qua nhiều vụ việc khó khăn, đáng nhớ. Không chỉ bị đương sự xúc phạm, lăng mạ, nhiều lần chị và đồng nghiệp bị đe dọa, thậm chí bị nhắn tin đe dọa cả nhà. Lại có những vụ chị cùng đồng nghiệp bị đương sự đuổi đánh, phi dao vào người, bị nhốt hoặc bị tẩm xăng dọa đốt. “Đi thi hành án gặp rất nhiều trường hợp nguy hiểm. Nếu thiếu bản lĩnh, nếu sợ sệt thì khó hoàn thành nhiệm vụ”, nữ Chi cục trưởng nhắc lại.

Đương sự sẵn sàng phi dao vào lực lượng Thi hành án dân sự. (Ảnh: NVCC).

Đương sự sẵn sàng phi dao vào lực lượng Thi hành án dân sự. (Ảnh: NVCC).

Đương sự dùng dép đánh đuổi chấp hành viên. (Ảnh: NVCC).

Đương sự dùng dép đánh đuổi chấp hành viên. (Ảnh: NVCC).

Chị Bốn nhớ lại, khoảng năm 2016, đơn vị chị cần thi hành một bản án ly hôn, chia tài sản tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang. Anh chồng là Đặng Đức Thịnh buộc phải chia cho vợ khoảng 1 tỷ đồng sau ly hôn. Dù đã được vận động nhiều lần nhưng người chồng không chịu thi hành án, buộc Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang phải cưỡng chế ngôi nhà người chồng đang sinh sống.

Hôm cưỡng chế, đương sự chống đối, bế con nhỏ lên tầng 4 dọa nhảy xuống tự vẫn. Trước khi cưỡng chế, chị Bốn cùng đồng nghiệp đã tìm hiểu kỹ căn nhà, thấy rằng đằng sau nhà có cửa phụ. Một mặt thuyết phục đương sự ở trước nhà, mặt khác chị Bốn cử chấp hành viên lẻn vào cửa phía sau, lên tầng 4, lợi dụng lúc đối tượng sơ hở, giải cứu được cháu bé. Sau đó đối tượng đổ xăng quanh nhà, định bật lửa đốt để ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Tuy nhiên nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nên lực lượng chức năng đã ngăn cản kịp một vụ hỏa hoạn và cưỡng chế thành công.

Đương sự ôm con thách thức lực lượng Thi hành án dân sự, dọa nhảy tự tử. (Ảnh: NVCC).

Đương sự ôm con thách thức lực lượng Thi hành án dân sự, dọa nhảy tự tử. (Ảnh: NVCC).

Một vụ khác, chị Bốn chỉ đạo lực lượng Thi hành án dân sự huyện tổ chức cưỡng chế tài sản đối với một đôi vợ chồng tại xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang. Quá trình cưỡng chế, người chồng đóng kín cửa phía trong, ra khỏi nhà bằng cửa ngách. Khi lực lượng cưỡng chế tiến hành phá khoá thì phát hiện ông chồng đã chuẩn bị 30 lít xăng để sẵn trong nhà, đóng kín cửa kính và xả ga ra nhà với ý đồ sẵn sàng cho cháy nổ cả nhà cùng lực lượng cưỡng chế.

Khi lực lượng chức năng định vận chuyển can xăng ra khỏi nhà, người chồng bất ngờ xuất hiện, lao vào nhà đập vỡ can xăng, khiến xăng bắn ướt đẫm quần áo nhiều thành viên lực lượng thi hành án, trong đó có chị Bốn. Đối tượng định lấy bật lửa ra đốt liền bị lực lượng chức năng khống chế. “Trước khi thực hiện cưỡng chế, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ càng, phòng mọi tình huống có thể xảy ra và có cách ứng phó”, chị Bốn nói và cho biết, trong vụ việc trên, chỉ cần chậm một chút, đối tượng bật được lửa thì có thể hậu quả thật thảm khốc.

Một vụ thi hành án khác khiến chị Bốn không thể nào quên xảy ra tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang. Theo đó, hai anh em trong gia đình kiện nhau liên quan đến chia tài sản thừa kế. Theo bản án, người anh buộc phải di dời mồ mả của bố mẹ do xây trên phần ruộng người em. “Đây là vụ việc hi hữu, nếu người anh không chịu di dời mồ mả, chúng tôi sẽ buộc phải cưỡng chế”, chị Bốn nhớ lại và cho biết, khi mới xuống vận động đương sự di dời mồ mả, chị bị lăng mạ, xúc phạm, đe dọa. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì, nhiều lần chị Bốn phối hợp với chính quyền địa phương vận động, thuyết phục, cuối cùng đương sự cũng tự nguyện di dời mồ mả một cách êm thuận.

Lực lượng Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC).

Lực lượng Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC).

“Thi hành án dân sự gặp rất nhiều tình huống phức tạp, khó lường. Nếu sợ khó, sợ khổ, sợ bị lăng mạ, sợ chết thì không bao giờ làm được”, chị Bốn nhắc lại và cho biết, hiện giờ chị làm lãnh đạo, nhưng rất cảm thông, thấu hiểu với cấp dưới chấp hành viên. “Đi cơ sở gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Bởi vậy, dù làm lãnh đạo Chi cục, nhưng tôi vẫn thường xuyên đồng hành, hỗ trợ anh em trong những vụ thi hành án khó khăn, phải cưỡng chế”, chị Bốn nói và cho biết, không quản buổi trưa nắng nôi hay ban tối đã muộn, nếu chấp hành viên đề nghị, chị sẵn sàng đồng hành xuống cơ sở để giải quyết công việc cùng cấp dưới.

Trước khi chia tay chúng tôi, nữ Chi cục trưởng nhỏ nhắn nhưng xông xáo này trăn trở: “Chúng tôi mong sao có thêm những cơ chế để lực lượng Thi hành án dân sự được bảo vệ tốt hơn trong quá trình thực thi công vụ”.

Chi Cục trưởng Nguyễn Thị Bốn thường xuyên đi cơ sở, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, từ đó có giải pháp tháo gỡ. Từ khi lên làm lãnh đạo, vị Chi cục trưởng này được đánh giá là người quyết liệt, có nhiều giải pháp đồng bộ, chiến lược, đã mang đến một “làn gió mới” cho công tác thi hành án dân sự tại Lạng Giang.

Địa phương này từng là điểm nóng về án tồn đọng kéo dài, án phức tạp, hiện nay thành địa phương đi đầu của Bắc Giang trong công tác thi hành án dân sự. Với những thành tích đạt được, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen năm 2020.

Nữ Chi cục trưởng Nguyễn Thị Bốn (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Nữ Chi cục trưởng Nguyễn Thị Bốn (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Đọc thêm