Phải chuyển hóa tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW thành hành động thực tiễn

(PLVN) -  Trao đổi với chúng tôi về Nghị quyết số 66-NQ/TW, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ là yếu tố quyết định để chuyển hóa tinh thần Nghị quyết số 66 thành động lực thực tiễn, tạo bước phát triển đột phá cho đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: TTXVN)

Một bước chuyển mới quan trọng

Đại biểu Trịnh Xuân An nhận định, Nghị quyết số 66-NQ/TW được xem là một bước chuyển mới quan trọng, có tác động trực tiếp đến hoạt động của Quốc hội và đời sống chính trị, pháp lý của đất nước. Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW thì ngày 4/5, Tổng Bí thư đã có bài viết rất quan trọng “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV có tính lịch sử, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, liên quan đến cả hoạt động lập pháp cũng như tác động đến kinh tế - xã hội, tạo ra một bước chuyển mới cho đất nước. Kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, với việc xem xét thông qua 34 luật và cho ý kiến về 14 dự án luật khác; đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội của đất nước. Sự linh hoạt, trách nhiệm của Chính phủ, của Quốc hội trong triển khai Nghị quyết 66 thể hiện ngay ở những sản phẩm, nội dung của gần 50 dự thảo luật được xem xét và thông qua tại Kỳ họp này.

Những dự thảo luật này đang được thể hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW, đó là khoảng cách giữa nghị quyết cho đến nghị trường được rút ngắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm cao của Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

“Có thể nói rằng, chúng ta đang ở trong một giai đoạn mang tính hành quân, vừa nhận nhiệm vụ, vừa triển khai và vừa phải bảo đảm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là của đồng chí Tổng Bí thư thời gian qua là “vừa chạy, vừa xếp hàng”, vị Đại biểu Đoàn Đồng Nai nhấn mạnh.

Hình thành cơ sở dữ liệu về các “điểm nghẽn” thể chế

Theo Đại biểu, Nghị quyết 66-NQ/TW là một trong những văn kiện có tính khả thi cao. Bởi lẽ, ngoài mục tiêu rõ ràng, Nghị quyết còn đặt ra các mốc thời gian cụ thể cho từng giai đoạn.

“Chúng ta đã có sự thống nhất cao về chính trị, sự quyết liệt trong chỉ đạo và quan trọng nhất là sự đồng bộ trong nhận thức từ Trung ương đến địa phương. Đây là nền tảng quan trọng để bảo đảm tính khả thi của Nghị quyết”, Đại biểu nói.

Vì vậy, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngay tại Kỳ họp này, ông An cho rằng, các đại biểu Quốc hội cần phải quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết, nắm chắc quy trình làm luật, phương pháp làm luật và tư tưởng đổi mới trong xây dựng pháp luật để áp dụng vào ngay những nội dung đang triển khai tại Kỳ họp.

Trước hết phải nhìn nhận ra những “điểm nghẽn” thể chế cụ thể là gì, không thể nói chung chung. Thí dụ đối với các đạo luật, phải đi vào nội dung của từng điều, từng khoản để thấy được từng “điểm nghẽn”, điểm nào cần tháo gỡ.

“Chúng ta phải hình thành nên một cơ sở dữ liệu về các “điểm nghẽn” thể chế để liệt kê ra được đang nghẽn ở đâu, lĩnh vực nào, liên quan đến luật nào, để thống nhất từ cơ quan thực thi đến cơ quan làm chính sách các nội dung cần tháo gỡ, nhất là liên quan đến những lĩnh vực có sự chồng lấn”, Đại biểu đề xuất.

Đại biểu Trịnh Xuân An. (Ảnh: Cổng TTĐTQH).

Đại biểu Trịnh Xuân An. (Ảnh: Cổng TTĐTQH).

Nhấn mạnh đất nước chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, Đại biểu ví von không thể để một cơ thể cường tráng lớn lên trong một bộ quần áo thể chế quá chật chội. Trong bối cảnh nền kinh tế cần bứt phá, khoa học công nghệ phát triển nhanh, yêu cầu cải cách thể chế càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nghị quyết 66-NQ/TW và bài viết của Tổng Bí thư còn nêu rõ nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác xây dựng pháp luật, coi đây là điều kiện tiên quyết để thực thi hiệu quả công tác này. Quốc hội cũng xây dựng, ban hành chính sách đãi ngộ đặc thù cho người làm công tác pháp luật, nhằm thu hút và phát triển nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu (Nghị quyết 197 được Quốc hội thông qua ngày 17/5 mới đây - PV).

“Con người là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất trong cải cách thể chế”, Đại biểu nhấn mạnh. Cùng với con người, hai trụ cột còn lại được coi là nền tảng cho cải cách thể chế thành công là tài chính và khoa học công nghệ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ số và dữ liệu lớn vào quá trình xây dựng pháp luật là xu thế tất yếu. Theo đó, việc ban hành cơ chế tài chính đặc thù để đầu tư đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật như chỉ đạo của Tổng Bí thư là cần thiết, coi cơ sở dữ liệu trên là nguồn “tài nguyên chiến lược” giúp giảm thiểu chồng chéo, tiết kiệm chi phí và nhân lực.

Vấn đề là thực thi ngay

Theo ông An, tất cả đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là thực thi ngay. Điều này cũng tạo ra sức ép đặt lên vai các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu là rất lớn, bởi quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã được thể hiện rất rõ ràng. Với gần 50 dự án luật được đưa ra trong Kỳ họp thứ 9 - con số kỷ lục đến hiện tại, cho thấy yêu cầu từ thực tiễn đang rất cấp thiết.

Đại biểu Trịnh Xuân An đặt vấn đề: Tại sao chúng ta đã nói rất nhiều về vấn đề này, rất nhiều nghị quyết đưa ra nhưng thời điểm này chúng ta phải làm với một quyết tâm cao, quyết liệt như vậy? Bởi vì nếu không hành động ngay chúng ta sẽ bị chậm với lịch sử, tụt hậu so với yêu cầu của thực tiễn và đánh mất nhiều cơ hội đưa đất nước phát triển vững mạnh hơn trong kỷ nguyên mới.

Hơn nữa, yêu cầu cải cách thể chế hiện nay gắn liền với phát triển kinh tế tư nhân, ứng dụng khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng… Trong bối cảnh đó, Đại biểu cho rằng việc tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ là yếu tố quyết định để chuyển hóa tinh thần Nghị quyết 66 thành động lực thực tiễn, tạo bước phát triển đột phá cho đất nước.

“Mục tiêu lớn nhất mà Nghị quyết 66 hướng đến là phục vụ người dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của đất nước. Khi đã có sự thống nhất về mục tiêu, cơ sở chính trị rõ ràng và quyết tâm mạnh mẽ, tôi tin rằng chúng ta có cơ sở để vững tin hành động, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra”, Đại biểu An nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Trịnh Xuân An, bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” của Tổng Bí thư không chỉ đơn giản là một bài báo, một tác phẩm khoa học, mà mở rộng ra chính là sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo của Đảng, quyết tâm chính trị và chiến lược của Đảng, nhằm khẩn trương đưa Nghị quyết 66-NQ/TW vào cuộc sống; đồng thời thể hiện sự thống nhất trong Đảng, Chính phủ và Quốc hội trong triển khai nghị quyết này.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo dựng niềm tin trong Nhân dân và toàn xã hội, thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu Đảng với quyết tâm cao trong thúc đẩy quá trình đổi mới thể chế và pháp luật của đất nước; vừa mang tính mệnh lệnh song cũng thể hiện sức hiệu triệu mạnh mẽ.

Đề cập đến một số nhiệm vụ trọng tâm trong bài viết của Tổng Bí thư, ông An cho rằng, bài viết đã nêu rất cụ thể các nhóm giải pháp, trong đó có những giải pháp rất trực diện, có thể thực hiện ngay; song có những giải pháp mang tính chất chiến lược lâu dài thì cần phải phân tích, đánh giá áp dụng vào từng nội dung cụ thể, lĩnh vực cụ thể để triển khai.

Đọc thêm