Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013: Kiến tạo nền tảng pháp lý cho bộ máy nhà nước tinh gọn, hiện đại và hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả và hiện đại. Theo TS. Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, Hiến pháp cần được sửa đổi trước, làm nền tảng cho việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy và xây dựng nền công vụ mới, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước.
TS. Lê Trung Kiên.
TS. Lê Trung Kiên.

Cần chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, thiết chế và nguồn lực

Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả trong quản trị nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là một nhiệm vụ hệ trọng, có tính nền tảng và lâu dài. Góp ý sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, TS. Lê Trung Kiên nhấn mạnh: quá trình sửa đổi cần được tiến hành một cách khoa học, toàn diện, đồng thời phát huy cao độ quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết và sự đồng thuận của toàn thể Nhân dân. Chỉ khi Hiến pháp thực sự phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của Nhân dân thì mới tạo dựng được nền tảng chính trị pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

TS. Lê Trung Kiên cho rằng, lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp Nhân dân, các ngành, các cấp là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tính dân chủ, khách quan và toàn diện trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Hiến pháp là đạo luật gốc của quốc gia, vì vậy, mọi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đều phải xuất phát từ thực tiễn quản lý, tổ chức nhà nước, từ nhu cầu của cuộc sống, từ đòi hỏi của sự phát triển; đồng thời phải được tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ, đảng viên và đông đảo người dân để hình thành một bản Hiến pháp vừa kế thừa, vừa đột phá, tạo cơ sở pháp lý ổn định cho các mô hình tổ chức mới trong hệ thống chính trị.

Theo TS. Lê Trung Kiên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa những mô hình tổ chức mới, phù hợp với tình hình thực tế như: tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, tinh gọn các đơn vị hành chính, sắp xếp lại hệ thống tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh giản, hiệu quả và hiện đại.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả những mô hình cải cách đó, hệ thống chính trị - hành chính cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, thiết chế và nguồn lực. Đây là lý do mà Quốc hội, Chính phủ và các địa phương phải khẩn trương vào cuộc, chủ động rà soát, điều chỉnh toàn diện các văn bản pháp luật liên quan, trong đó, Hiến pháp phải được sửa đổi đầu tiên để tạo cơ sở nền tảng, làm căn cứ cao nhất cho việc sửa đổi các luật, nghị định, thông tư và xây dựng đề án triển khai trên thực tế.

Một trong những điểm đáng chú ý là việc đề xuất sửa đổi Điều 110 của Hiến pháp 2013 quy định về các đơn vị hành chính của Việt Nam: “Nước chia thành tỉnh, tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành xã”. Tuy nhiên, với định hướng cải cách tổ chức chính quyền theo mô hình hai cấp (tỉnh và xã), Điều 110 cần sửa đổi như sau: “Nước chia thành tỉnh, tỉnh chia thành chính quyền cơ sở”. Quy định này để phù hợp hơn với mô hình tổ chức bộ máy nhà nước hiện đại, tinh gọn, tránh chồng chéo, trùng lặp chức năng.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, cần rà soát, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp mô hình chính quyền hai cấp là cấp tỉnh và cấp xã. Bên cạnh đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần quy định rõ thẩm quyền của cấp tỉnh và cấp xã khi hệ thống chính quyền không còn cấp huyện. Đồng thời, hệ thống pháp luật chuyên ngành cũng cần sửa đổi, bổ sung phù hợp, đặc biệt là xác định về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cấp huyện hiện nay sẽ được giao cho cấp tỉnh hay cấp xã. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh trình tự, thủ tục tổ chức hành chính để các quy định mới về thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp xã có thể đi vào thực tiễn với quy trình minh bạch, nhất quán và hiệu quả.

Song song với việc tổ chức lại bộ máy hành chính, TS. Lê Trung Kiên đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ tái cấu trúc chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, phải làm rõ vị trí việc làm, chế độ đãi ngộ, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng lộ trình tiền lương phù hợp cho đội ngũ nhân sự trong bộ máy chính quyền theo mô hình mới. Công tác này cần gắn liền với lộ trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là việc ứng dụng đồng bộ chính quyền số và công dân số ở các cấp chính quyền. Việc quản lý hành chính hiện đại không thể chỉ dựa vào cơ cấu tổ chức, mà phải đặt trong môi trường công nghệ - nơi dữ liệu, tự động hóa và số hóa trở thành công cụ điều hành chủ lực.

Đối với các Điều 111, 112, 114 của Hiến pháp - quy định về tổ chức chính quyền địa phương - cần thay đổi một số thuật ngữ và nội dung để phản ánh mô hình cải cách hành chính mới. Cụ thể, thay vì dùng khái niệm “cấp chính quyền địa phương”, nên chuyển sang thuật ngữ “chính quyền cơ sở” cho cấp x; làm rõ cơ cấu tổ chức giữa HĐND và UBND trong từng cấp hành chính.

TS. Lê Trung Kiên cho rằng, cần lượng hóa rõ các chức danh trong bộ máy, định chế thời điểm kết thúc hoạt động của một đơn vị hành chính khi có quyết định sáp nhập, chia tách hoặc giải thể. Đây là những quy định có tính thực tiễn cao, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân cũng như trách nhiệm pháp lý của cán bộ trong giai đoạn chuyển giao tổ chức.

Cải cách tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đối với việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo TS. Lê Trung Kiên, cần xác định rõ hơn vai trò trung tâm của Mặt trận trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời làm rõ tính đa nhiệm vụ của tổ chức này, kể cả khả năng tham gia soạn thảo luật, đề xuất chính sách và phản biện xã hội. Nội dung sửa đổi cần hướng đến việc tổ chức lại các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận, như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… theo hướng “tinh - gọn - mạnh”, đề cao tính hiệu quả và phân công, phân quyền rõ ràng. Hiến pháp sửa đổi cần làm rõ mô hình tổ chức của Mặt trận trong giai đoạn mới, vừa bảo đảm tính kế thừa lịch sử, vừa mở ra tầm nhìn tương lai trong tổ chức hệ thống chính trị - xã hội toàn diện, phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước.

Theo TS Lê Trung Kiên, song song với việc tổ chức lại bộ máy hành chính, cần tái cấu trúc chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. (Ảnh minh họa. Nguồn: TN)

Theo TS Lê Trung Kiên, song song với việc tổ chức lại bộ máy hành chính, cần tái cấu trúc chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. (Ảnh minh họa. Nguồn: TN)

Một điểm nổi bật nữa là đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp nhằm mở rộng và cụ thể hóa quyền chất vấn của đại biểu HĐND. Theo đó, đại biểu HĐND có quyền chất vấn đối với Chủ tịch UBND, các thành viên UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND. Những người bị chất vấn phải có trách nhiệm trả lời trước HĐND. Quan trọng hơn, các đại biểu còn có quyền kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức và đơn vị tại địa phương, buộc các đơn vị này có trách nhiệm tiếp thu, xử lý và phản hồi theo đúng quy trình. Điều này mở rộng cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực, tạo điều kiện cho đại biểu thực hiện đúng vai trò đại diện cho tiếng nói của cử tri.

TS. Lê Trung Kiên cũng đặt vấn đề: Các cơ quan như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an cấp tương đương có cần tham gia cơ chế chất vấn hay không? Đây là điểm cần nghiên cứu để bảo đảm Hiến pháp mới thực sự thể hiện được cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Việc sửa đổi Hiến pháp 2013 là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong quá trình tái cấu trúc nền hành chính quốc gia theo hướng tinh gọn, hiệu quả và hiện đại. Để làm được điều đó, cần có một tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị.

TS. Lê Trung Kiên nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp không chỉ là sửa câu chữ, mà là kiến tạo một nền móng pháp lý vững chắc, phản ánh đúng hiện thực đất nước, xu hướng thời đại và khát vọng phát triển. Mỗi điều khoản sửa đổi cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ và khả thi, để Hiến pháp thực sự là “kim chỉ nam” cho sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đọc thêm