Non thiêng Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì)- Nơi hội tụ linh khí đất trời, mạch nguồn phát tích dân tộc Việt, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng với các lễ nghi trọng đại mang tầm vóc Quốc gia thể hiện sự tôn kính với đất trời, Tổ tiên, nơi đặt bàn thờ Tổ tiên chung của cả dân tộc trong những thời khắc đặc biệt còn chứng kiến những lời thề, câu nói, hành động thể hiện quyết tâm, khí phách của các yếu nhân gánh trên vai trọng trách Quốc gia.
Thục Phán An Dương Vương với cột đá thề!
Bên phải của Điện Kính Thiên, Đền Thượng hiện có cột đá quý mã não nguyên khối cao hơn 3m (tính cả bệ). Đây là biểu tượng cho lời thề của Thục Phán An Dương Vương khi được Vua Hùng Vương thứ 18 Hùng Duệ Vương nhường ngôi, trao truyền cơ nghiệp vào năm 258 TCN.
Tương truyền, Hùng Vương thứ 18 - Hùng Duệ Vương lúc cuối đời không có con trai, muốn nhường ngôi cho con rể là Nguyễn Tuấn tức là Tản Viên Sơn Thánh. Thục Phán là thủ lĩnh của vùng Tây Vu không phục liền đem quân đến tranh ngôi, xảy ra chiến tranh Hùng - Thục. Tản Viên Sơn Thánh đem binh tới Loa Thành cùng vua thiết lập trận đồ, dương oai thanh thế. Đại binh do Tản Viên Sơn Thánh và hai em là Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh đại vương nhiều lần đánh bại quân Thục, cuộc chiến kéo dài không dứt.
|
Cờ Tổ quốc trên Điện Kính Thiên, Đền Thượng. |
Một thời gian sau, để tránh cuộc chiến “nồi da nấu thịt” gây nên những tổn thất nặng nề cho muôn dân, Tản Viên Sơn Thánh đã dâng biểu khuyên Vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Vua nghe theo. Thục Phán được nước, cảm thấy công đức của Hùng Duệ Vương lớn như trời đất. Bèn dóng xe về núi Nghĩa Lĩnh dựng giao đài để cả nước thờ tự. Dựng cột đá ở giữa núi, chỉ lên trời mà khấn rằng: “Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét, chẳng dám sai lời. Nước Nam trường tồn lưu ở miếu Hùng Vương. Ví bằng vua sau nối nghiệp trái ước phai thề sẽ bị trăng vùi gió dập, trời đất cùng tru diệt”.
Thục Phán xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa đặt tên nước là Âu Lạc nối nghiệp trải 50 năm...
Qua dâu bể thời gian, dấu tích cột đá thờ nguyên bản đã thất lạc. Những năm 60 của thế kỷ trước, ngành Văn hóa có ý định dựng lại cột đá thề như một biểu tượng đoàn kết dân tộc và ngưỡng vọng Tổ tiên.
Đến năm 1968, cột đá thề được tôn tạo lên bệ để người dân thập phương về chiêm bái. Đến năm 2010, Dự án tôn tạo lại Cột đá thề được thực hiện, các chuyên gia đã tìm kiếm được cột đá bằng mã não nguyên khối, có khả năng trường tồn với thời gian, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc đền thờ trên đỉnh Nghĩa Lĩnh để thay thế cột đá thề trước đó.
Năm 2011, cả khối đá lẫn bệ đá mã não nguyên khối được đưa lên đền Thượng an toàn, được dựng trên chính tâm của cột cũ...
Tấm bản đồ, thanh bảo kiếm trong Lễ thượng cờ đầu tiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh
Tròn 75 năm trước, tháng 3/1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa mới thành lập đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm bởi 3 thứ giặc- thù trong, giặc ngoài, nạn đói. Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm đầu tiên sau khi Cách mạng thành công, nước nhà được độc lập tự do đã trở thành sự kiện chính trị trọng đại thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tập trung sức mạnh ý chí đoàn kết của toàn dân tộc.
Sáng mùng 10 tháng 3 năm 1946 (âm lịch), cụ Huỳnh Thúc Kháng- Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng nói với bà con đây là lễ thượng cờ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên núi Nghĩa Lĩnh..., rồi cụ mời bà con cùng lên Đền Hùng thắp hương mộ Tổ. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền.
Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh bảng lảng hương trầm, cụ Huỳnh Thúc Kháng trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”- mạch nguồn sức mạnh vô địch tạo nên chiến thắng trong các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại tiếp nối. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được cắm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh tại Đền Hùng, đã khẳng định dân tộc Việt Nam là nước có cội nguồn, có truyền thống văn hóa lâu đời.
|
Cột đá thề trên đỉnh Nghĩa Lĩnh. |
Ý chí thời đại Hồ Chí Minh lịch sử
Ngày 19/9/1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam). Không phải ngẫu nhiên mà trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, việc tiếp quản thủ đô đang là một nhiệm vụ mới mẻ đối với Chính phủ và quân đội ta, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân miền Nam và dư luận toàn thế giới, Bác đã chọn thăm Đền Hùng là Di tích lịch sử đặc biệt của dân tộc.
Đền Hùng là nơi mà mỗi người Việt Nam khi nhắc đến cội nguồn, bao giờ cũng dùng hình ảnh “con Rồng cháu Tiên”, “Con Lạc cháu Hồng”; coi đó là niềm tự hào cho hồn thiêng sông núi, cho tinh hoa và giống nòi của dân tộc mình.
Tại đây, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng... Đặc biệt, Người nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời Bác ở Đền Hùng đã trở thành lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, ghi tạc trong tâm khảm mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ. Tư tưởng nhất quán về chủ quyền Quốc gia, dân tộc là linh thiêng và bất khả xâm phạm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền nhân dựng nước đã và đang được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kế thừa, phát huy lên tầm cao mới.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn thay mặt đồng bào cả nước về dâng hương tri ân công đức Tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, khẳng định quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc, chung tay gìn giữ, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường như lời dạy của tiền nhân.