Áo quan trong nhà không đáng sợ
Tôi nhớ khi gia đình tôi chuyển về quê nội, tôi đã thấy cỗ quan tài sơn màu đỏ để trong nhà bác tôi. Ban đầu tôi hơi bỡ ngỡ và sợ, nhưng dần chơi với lũ trẻ, chiếc quan tài thành chỗ thân quen. Thậm chí chúng tôi còn trèo lên đó nằm ngủ. Sau này, bác tôi vào Nam, bà nội ở với nhà tôi, chiếc quan tài lại được đặt trang trọng trong nhà. Bà nội tôi hay khoe là đã có “áo mới” rồi nên không lo lắng khi qua đời.
Tôi lên nhà ông bà ngoại, nhà dì đều có những cỗ quan tài để trong nhà như vậy, nhiều nhà họ còn gác lên cao cẩn thận lắm. Có gia đình suy nghĩ đơn giản thì họ dùng chiếc áo quan đó để đựng thóc khi mà người già đang mạnh khỏe.
Người xưa coi cái chết là “mãn kiếp”, nên họ rất ung dung, tự tại chuẩn bị sắm chiếc “áo mới” cho mình để đi vào hành trình mới. Giàu hay nghèo cũng gắng sắm cho mình chiếc quan tài, đồ khâm liệm. Một cách sửa soạn hành trang đi vào cõi chết lúc còn mạnh khỏe. Cụ Nguyễn Khuyến từng nói trong bài thơ “Mua quan tài” rằng “Quan tài sẵn có chết thì chôn”.
Tôi nhớ, trước khi đóng áo quan, người được đóng “áo mới” rất vui vẻ, họ mời họ hàng thân thích tới ăn cỗ, rồi thợ mộc cưa xẻ, bào gỗ giữa sân nhà rất hoạt náo. Khung cảnh đó cho tôi có cảm giác người già chuẩn bị cho mình “một ngôi nhà mới” không có sự lo âu mà hồn nhiên như điều gì đến sẽ đến theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Quy luật cuộc đời được đón nhận bằng niềm vui hân hoan.
Trong làng, nhà nào nghèo khó không có được cỗ hậu sự là điều bất hạnh. Nhiều gia đình phải cuốn manh chiếu mang ra đồng coi như xong một kiếp người. Cũng có trường hợp nhiều người chết đột tử hay chết trẻ chưa có hậu sự đành “vay mượn” người già đã đóng rồi. Vì có nhiều người 70 tuổi đóng áo quan, nhưng tới 80 hay 90 vẫn thọ, nên cho “mượn” cũng là chuyện thường ở xóm làng trong cơn khốn khó. Ít ai đi đóng áo quan vội vã sau khi chết, chỉ có thời chinh chiến lính chết trận nhiều nên áo quan mới đóng vội “một áo quan đóng vội, một chuyến cuối phiêu du”.
Với người già ở quê, có cỗ hậu sự, chỗ đất chôn cất khi qua đời coi như là viên mãn một đời người. Thế nên mới hiểu tại sao khi có được chiếc áo quan trong nhà, bà tôi hay dì tôi vui lắm, thỉnh thoảng đi qua sờ mó, các cụ đồng tuổi đến chúc mừng, lũ trẻ chúng tôi chỉ biết đơn sơ đó là một cái hòm.
Bây giờ, tục đóng áo quan sớm để giữa nhà ở quê tôi đã không còn nữa vì mua áo quan dễ dàng hơn, lại có dịch vụ mai táng tận nhà. Bây giờ về quê, hiếm gặp gia đình nào để quan tài giữa nhà như xưa, hình ảnh xưa cũ chỉ còn là kỷ niệm thơ ấu.
Áo quan trong đời sống xưa
Trong cuốn “Đất lề quê thói”, nhà nghiên cứu Nhất Thanh bày tỏ việc đóng quan tài rất khoa học, tinh tế: “Quan tài còn có tên là cỗ thọ đường, cỗ áo dày, cỗ hậu sự, cái săng, cái hòm. Không biết ngày xưa ở miền Trung và miền Nam quan tài làm kiểu nào, ở đất Bắc người ta ghép thành đứng góc vuông, ván càng dày càng tốt, dày bằng 36 đồng kẽm xếp thành chồng là nhất (chừng hơn 7 phân tây). Ván đã dày, thành lại ghép vuông đứng rất vững chắc, có thể chịu đựng lâu ở dưới đất sâu”.
Theo nhà nghiên cứu Nhất Thanh, việc đóng quan tài rất cẩn trọng và vận dụng nhiều kinh nghiệm dân gian để bảo vệ xác ướp an toàn, sạch sẽ: “Giường bốn thước hai, quan tài bốn thước bảy”. Chiều dài chỉ vừa đủ một người nằm, bề ngang bao giờ cũng làm hẹp đúng sát hai vai, là dụng ý ép giữ không để cho xác trương to dễ dàng, chảy nước bốc hơi ra, người chết có hai vai rộng thì phải buộc gọn lại ngay sau khi tắt thở và phần nhiều xác phải thắt đại đái nơi trên xương hông, để giữ cho ruột hư thối không xảy ra… Quan tài sơn gắn rất kỹ, dưới lót nhiều bóng nẻ, trà bút khô, nước ở xác cho chảy ra cũng thấm đi hết. Người ta gắn nắp áo quan bằng sơn sống luyện với đất sét khô tán nhỏ, với bột nếp quấy nhựa xoan, rất kín và chắn, không có thứ keo nào thay thế được riêng cho việc này, để năm bảy ngày, nửa tháng, có nhà quàn trong đống cát ở ngoài vườn vài ba tháng mới làm ma vẫn không hề hấn gì”.
Chiếc quan tài nó cũng thể hiện địa vị của người giàu và người nghèo. Người ta thường đóng bằng gỗ vàng tâm, gỗ dổi, đây là 2 thứ gỗ bền dai, sơn không bong tróc. Hai đầu quan tài được trang trí bằng chữ “Thọ”. Nhà giàu nẹp chữ bằng thếp vàng, bạc, nhà bình dân thì đơn sơ hơn. “Sống mặc bài Bùi, chết vùi vàng tâm” là như vậy đó.
Nhà có chức sắc, giàu có sẽ đóng cỗ áo quan xa xỉ bằng gỗ Ngọc Am. Quan tài này thể hiện kẻ có tiền, địa vị trong xã hội và cái chết đôi khi là cơ hội cho kẻ sống “trang điểm” với cộng đồng về nỗi đau buồn của mình. Nên tại sao, nhiều gia đình người Việt làm đám tang rất cầu kỳ, xa hoa, lãng phí… đến tận bây giờ vẫn vậy. Người ta xây lăng mộ rất rộng lớn và tốn kém không thua gì một ngôi biệt phủ.
Thư thái chọn cái chết
Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc kỳ”, tác giả bác sĩ Hocquard đã có những quan sát tinh tế khi người dân đi mua áo quan cho mình trên phố cổ Hà Nội, ông cho rằng người sống đã chọn sẵn cho mình sự tươm tất một cách bình thản để chuẩn bị đi vào cõi chết.
“Khi đi dạo trong nội thành Hà Nội dọc theo bờ sông Hồng, qua phố Hàng Tre có rất nhiều cửa hiệu bán đồ gỗ, chúng tôi đến một phố nằm vuông góc với bờ sông, nơi có một trong những ngành nghề độc đáo nhất ở Bắc kỳ, đó là phố chuyên bán áo quan. Đây là một nghề có lợi nhuận rất cao ở An Nam. Ngoài việc không ai có thể sống thọ ở xứ này, người ta còn có tập tục sắm áo quan từ rất sớm để sẵn trong góc nhà. Món quà quý nhất mà một người con trai hiếu kính có thể dành cho cha mẹ mình vào ngày mừng thọ chính là một cỗ áo quan đẹp.
Với người châu Âu thì con phố này luôn mang lại cảm giác chẳng có gì vui vẻ, nhưng người ta thường bắt gặp ở đây hình ảnh cả một gia đình người An Nam dừng trước một cửa hiệu bán áo quan. Họ bàn bạc, xem xét rồi cùng vào xem hàng. Những người cao tuổi kiểm tra từng cỗ áo quan, soi xét chất lượng gỗ, độ dày của những tấm ván và tất cả cùng cười đùa vui vẻ như thể đang đi xem một món đồ gỗ thông thường.
Những cỗ áo quan của người An Nam có hình dạng hộp chữ nhật rất hẹp, được làm bằng những tấm ván rất dày và tránh tối đa những tấm có mắt gỗ. Các tấm ván phải được khớp với nhau thật hoàn hảo. Đó là điều kiện tiên quyết bởi thường xảy ra trường hợp có gia đình giữ thi hài của người quá cố trong quan tài để ở nhà tới 2 hoặc 3 tháng”.
Bác sĩ Hocquard còn cho biết thêm là bên cạnh bán áo quan, người ta còn bán đồ khâm liệm cho người quá cố, như những chiếc gối để kê chân và tay bằng giấy màu xám hình tam giác, những tấm vải được cắt sẵn cho các nghi lễ khâm liệm, những cuộn giấc bản mỏng để chèn vào những khoảng trống, nhựa trám đen để bịt tất cả các khe ván…
Trong cuốn tiểu luận về dân Bắc kỳ của nhà Việt Nam học người Pháp Gustave Dumoutier cho biết: “Quan tài gồm 4 tấm ván dày, những chỗ nối được trám bằng sơn ta. Nhà giàu có những quan xa hoa, sơn son thếp vàng. Và người con trai chăm lo chu đáo, phải lo mua sắm một chiếc quan tài làm quà biếu cha. Và, ít có nhà nào không thấy chiếc quan tài của người cha gia đình kê ở một góc”.
Theo phong tục người xưa thì chiếc quan tài của người chết còn có “bùa phép, chữa bệnh”. Vào lúc áo quan vượt qua ngưỡng cửa ra bên ngoài, người ta đưa qua đầu những đứa trẻ ốm yếu, còi cọc, để chúng hồi phục sức khỏe…
Có thể thấy, áo quan không phải là đồ trang trí trong nhà, nhưng nó lại cực kỳ quan trọng với người xưa. Nên người xưa coi cái chết là quy luật nhẹ nhàng nhưng nó cũng rất quan trọng đối với họ. Vì trong suy nghĩ, người ta vẫn cần một cái chết ấm áp, không lạnh lẽo, mà dân gian hay gọi là “mồ yên mả đẹp”.