Nên cúng Công ông Táo 2025 vào ngày nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày ông Công ông Táo là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa dân gian Việt Nam. Vào ngày này, dân dân thường làm lễ cúng đưa các vị thần bếp (ông Công, ông Táo) về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, sinh hoạt của gia đình suốt một năm qua.
Những điều cần biết về Tết ông Công ông Táo năm 2025
Những điều cần biết về Tết ông Công ông Táo năm 2025

Nên cúng ông Công ông Táo vào ngày nào?

Năm 2025, ngày ông Công ông Táo rơi vào thứ Tư, ngày 23 tháng Chạp âm lịch, tức ngày 22/01/2025 dương lịch.

Theo quan niệm dân gian, các Táo quân sẽ lên chầu trời vào giờ Ngọ (11h – 13h) ngày 23 tháng Chạp.

Tuy nhiên theo phong thủy, mỗi khung giờ trong ngày mang lại những ảnh hưởng khác nhau đến vận khí. Việc chọn giờ đẹp có thể giúp gia chủ thu hút năng lượng tích cực, mang lại may mắn và thuận lợi trong quá trình thực hiện các công việc.

Các ngày tốt mọi người có thể tham khảo để cúng ông Công ông Táo ngoài chính ngày 23 tháng Chạp (22/01/2025 dương lịch) gồm:

- Ngày 19 tháng Chạp (18/01/2025 dương lịch): Ngày Đinh Hợi, tháng Đinh Sửu là ngày hoàng đạo.

- Ngày 20 tháng Chạp (19/01/2025 dương lịch), ngày Mậu Tý.

- Ngày 21 tháng Chạp (20/01/2025 dương lịch): Thứ Bảy, ngày Bính Tuất.

Để cúng ông Công ông Táo vào những ngày tốt, mọi người nên tham khảo và chọn các giờ hoàng đạo để tiến hành lễ cúng. Dưới đây là các khung giờ hoàng đạo phù hợp cho từng ngày để thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo:

- Ngày 19 tháng Chạp: Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).

- Ngày 20 tháng Chạp: Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).

- Ngày 21 tháng Chạp: Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Tỵ (9h-11h), Thân (15h-17h), Tuất (19h-21h), Hợi (21h-23h)

- Ngày 23 tháng Chạp: Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Dậu (17h-19h).

Những điều cần lưu ý khi cúng ông Công ông Táo

Lễ cúng ông Công ông Táo cần hoàn thành trước giờ Ngọ (từ 11 đến 13 giờ trưa) ngày 23 tháng Chạp để kịp tiễn ông Công ông Táo chầu trời. Không nên cúng muộn sẽ mất đi ý nghĩa linh thiêng của nghi lễ.

Mâm cỗ cúng cần đặt ở vị trí cao ráo và trang trọng trong khu vực bếp, tránh để dưới đất nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm và thể hiện lòng thành kính của gia đình.

Các bà nội trợ hoặc người trong gia đình được giao nhiệm vụ thực hiện nghi lễ cần mặc trang phục nghiêm chỉnh, lịch sự và trong quá trình làm lễ cúng tránh cười đùa lớn tiếng mà cần tĩnh lặng, khấn nhẹ nhàng, trang nghiêm.

Khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ không nên đốt tiền âm phủ vì làm như vậy hoàn toàn sai về ý nghĩa. Ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.

Trong dịp này, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt cho ông Công ông Táo, tin rằng nếu dâng mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều tiền vàng thì sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Thật ra, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không đem lại lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Cá chép sau lễ cúng thường được lựa chọn thả ở ao, hồ, sông suối để phóng sinh. Vì vậy, hãy lựa chọn nơi phù hợp thuận tiện với gia đình.

Đặc biệt, các bà nội trợ nên lưu ý khi thả cá nên tránh ném cá từ trên cao xuống hoặc thả cùng túi nilon để thể hiện lòng thành kính cũng như bảo vệ môi trường sạch đẹp.

Việc chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo không cần quá cầu kỳ nhưng phải đầy đủ, chuẩn chỉ đúng với nghi lễ truyền thống.

Gợi ý mâm cỗ cúng ông Công ông Táo 2025

Trong nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, lễ cúng ông Công ông Táo không chỉ là một nghi thức tâm linh mà còn là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính và sự trân trọng đối với các vị thần cai quản đất đai và bếp núc. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 Tết với những lễ vật đặc trưng, phong phú và đa dạng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình.

Mâm cúng ông Công ông Táo thường được đặt ở nơi trang trọng.

Mâm cúng ông Công ông Táo thường được đặt ở nơi trang trọng.

Đối với những gia đình theo đạo Phật hoặc ưa chuộng sự thanh tịnh, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thường được cúng với các món như: Canh thập cẩm rau củ; Nem rau củ; Đậu phụ sốt nấm cay Tứ Xuyên; Giò chay; Chả chay; Cháo nấm; Xôi; Chè; Nộm; Rau củ xào thập cẩm.

Trong khi đó, với những gia đình lựa chọn cúng mặn, mâm cỗ lại trở nên phong phú hơn với: Gà luộc hoặc thịt luộc; Canh; Các món xào; Giò; Cá chép; Lọ hoa; Ấm trà sen; Rượu; Xôi gấc; Trái cây; Trầu cau; Giấy tiền vàng mã.

Đặc biệt, trong khi chuẩn bị lễ vật xếp vào mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, người ta thường chuẩn bị một chiếc lọng màu đỏ có viền vàng, một bàn lễ trải vải đỏ và một miếng vải đỏ dưới đất như thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.

Qua đó, mâm cúng ông Công ông Táo không chỉ là biểu hiện của niềm tin tâm linh mà còn là cách thức để mỗi gia đình thể hiện lòng biết ơn và mong muốn một năm mới an lành, thịnh vượng.

Ngày ông Công ông Táo có được nghỉ làm không?

Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ lễ, tết, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương các ngày sau: Tết Dương lịch; Tết Âm lịch; Ngày Chiến thắng; Ngày Quốc tế lao động; Quốc khánh; Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngoài ra, đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì ngoài các ngày nghỉ trên thì được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

Như vậy, ngày đưa ông Công ông Táo về trời không thuộc những ngày nghỉ lễ mà người lao động được nghỉ làm viêc hưởng nguyên lương.

Sự tích ông Công ông Táo

Sự tích Táo quân là một tín ngưỡng cổ truyền của người Việt cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp hằng năm. Các ngài là những vị thần cai quản việc trong gia đình.

Sự tích Táo quân hay sự tích ông Công ông Táo là câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng và có nguồn gốc từ ba vị thần là Thổ Địa, Thổ Công và Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc thời xưa nhưng được dân gian Việt hóa trở thành huyền tích "hai ông một bà" - vị thần Nhà, vị thần Đất, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Chuyện kể lại rằng: Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Trọng Cao có vợ là Thị Nhi, cả hai ăn ở với nhau mà lâu có con nên sinh ra buồn phiền, hay cãi nhau.

Tết ông Công ông Táo có nguồn gốc từ sự tích Hai ông một bà
Tết ông Công ông Táo có nguồn gốc từ sự tích Hai ông một bà

Một hôm, Trọng Cao tức giận đã ra tay đánh vợ. Thị Nhi buồn bực bỏ nhà ra đi sau đó gặp và phải lòng Phạm Lang. Cả hai nên duyên vợ chồng. Khi Trọng Cao nguôi giận vợ, anh chàng lại nghĩ mình là người có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc mang theo tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao ăn xin ghé tới nhà Thị Nhi, cả hai nhận ra nhau. Thị Nhi đã rước Trọng Cao vào nhà rồi ngồi kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Đúng lúc đó, Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm lấy tro bón ruộng.

Lúc này, Trọng Cao vì sợ không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của chính mình nên đã nhào vào đống rơm để chết theo.

Gặp phải tình cảnh bất ngờ này, Phạm Lang không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Cả ba linh hồn của các vị này được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy cả ba đều là người có nghĩa, có tình nên sắc phong làm Táo quân, gọi chung là Định Phúc Táo quân, nhưng mỗi người lại trông giữ một việc:

Trọng Cao làm Thổ Địa, phụ trách trông coi việc nhà cửa được phong danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần

Phạm Lang làm Thổ Công, sẽ trông coi việc bếp với danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân

Thị Nhi làm Thổ Kỳ, phụ trách trông coi việc chợ búa. được phong danh hiệu là Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Từ đó, cả ba vị thần Táo được coi là ba vị thần định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này sẽ do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bài vị thờ vua Bếp thường sẽ được ghi vắn tắt là "Định Phúc Táo quân" nghĩa là thần định mọi hạnh phúc.

Đó là lý do vì sao mỗi năm, cứ đến Tết ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp, ba vị thần Táo sẽ lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế về những điều tai mắt ở trần gian, về những việc làm tốt xấu của các thành viên trong gia đình trong một năm một cách trung thực, khách quan nhất.

Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo

Theo quan niệm của người Việt, không chỉ cai quản việc trong gia đình, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Ngày ông Công ông Táo đã đi vào tiềm thức người Việt. Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.

Trong mâm cúng, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép - khoảng 2 hoặc 3 con thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong, người dân sẽ đem phóng sinh ở sông, ao, hồ... với ý nghĩa đưa ông Táo về trời. Bên cạnh đó, tục lệ phóng sinh cũng thể hiện sự nhân ái, từ bi của người Việt.

Đọc thêm