Đảm bảo tự do ngôn luận
Thời gian gần đây, nhiều đối tượng cho rằng, Luật An ninh mạng ra đời sẽ ngăn cản, “bịt miệng” người dân, ngăn cấm quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Nói về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng khẳng định: “Luật An ninh mạng không cấm quyền tự do ngôn luận của người dân. Ngược lại, Luật còn bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân và các quyền nhân thân khác của công dân. Luật An ninh mạng có hiệu lực sẽ giúp cho việc định hướng đúng đắn đến người dùng mạng xã hội hiện nay, không bị cuốn vào những luồng thông tin xấu, độc”.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, người dân có quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật. Theo ông, chúng ta không thể mang tiêu chí, chuẩn mực về tự do ngôn luận của các nước khác vào Việt Nam và mọi công dân có quyền tham gia trên không gian mạng, không ai cấm đoán, nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. “Cho nên tôi khẳng định lại, nói Luật An ninh mạng “bịt miệng”, “ngăn chặn”, cấm tự do ngôn luận là những người có tư tưởng không thiện chí, không vì lợi ích của quốc gia, dân tộc”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng khẳng định và cho rằng, người dân cần hiểu, cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, không bao giờ can thiệp vào thông tin cá nhân của bất kỳ ai.
Đồng quan điểm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Bùi Văn Xuyền (Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình), cũng cho rằng, quyền tự do ngôn luận được xác định trên Hiến pháp và các đạo luật khác về quyền con người. Người dân sử dụng mạng xã hội, mạng thông tin bày tỏ quan điểm cá nhân nếu không vi phạm pháp luật thì không ai ngăn cản, cấm. Còn trong trường hợp người dân vi phạm pháp luật thì cơ quan thực thi pháp luật mới có những biện pháp hạn chế việc vi phạm pháp luật bằng việc buộc gỡ bỏ thông tin, xử lý vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là xử lý hình sự. “Tôi cho rằng, quyền tự do đã được luật khẳng định. Do vậy, doanh nghiệp và người dân vẫn hoạt động bình thường trên không gian mạng”, ĐB Bùi Văn Xuyền nói.
Ông Bùi Văn Xuyền |
Trước một số quan điểm cho rằng, những quy định tại Luật An ninh mạng cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, phát sinh chi phí của doanh nghiệp, vi phạm cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại quốc tế mà chúng ta đã tham gia, ông Bùi Văn Xuyền cho biết, Ban soạn thảo cùng Cơ quan thẩm tra đã thu gọn lại khá nhiều phạm vi, hạn chế mức thấp nhất sự can thiệp hành chính của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp. Các quy định đã được xem xét, đảm bảo chặt chẽ trong trường hợp các tổ chức, cá nhân có vi phạm hoặc xác định có nguy cơ vi phạm, đang vi phạm. Lúc này, doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý một cách nhanh nhất đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân trên không gian mạng, giữ ổn định tình hình trật tự xã hội. Cần cân đối giữa quyền lợi của doanh nghiệp và quyền lợi của Nhà nước.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, thực tế Google, Facebook chưa có một phát ngôn chính thống nào về việc rời khỏi Việt Nam. Người Việt Nam vẫn dùng Google, Facebook bình thường, miễn là không vi phạm những điều pháp luật đã cấm. Thị trường người dùng Việt Nam là rất lớn, những “ông lớn” như Google, Facebook không thể rời bỏ. “Một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ vấn đề, nghe dư luận sai trái thì hùa theo, vô hình trung đẩy vấn đề đi xa hơn. Tôi cho rằng, người dùng chưa nhận thức hết được rằng, ngoài tác động tích cực thì tác động tiêu cực của mạng xã hội còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề chung của các quốc gia trên thế giới”.
“Tôi lấy ví dụ như Facebook, tại sao họ phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, Nghị viện châu Âu, Quốc hội Anh? Chính bởi những tác động của mạng xã hội mang đến vấn đề bất ổn cho các quốc gia. Theo tôi, chúng ta cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về nội dung này”, Thiếu tướng Hồng nói.
Hướng tới lợi ích cao hơn
Là cơ quan thẩm tra, cũng là người trực tiếp thẩm tra Luật này từ những bản dự thảo đầu tiên do Chính phủ trình, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho biết: “Tôi khẳng định một lần nữa, Luật An ninh mạng có hiệu lực sẽ thiết lập cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng. Một số điểm đáng chú ý tại dự án Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua bao gồm: Thứ nhất, Luật quy định những điều cấm để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết rõ hành vi không được làm. Thứ hai, Luật An ninh mạng quy định bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đây là hệ thống có tính chất rất quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Thứ ba, quy định các biện pháp phòng, chống khủng bố mạng, tấn công mạng, gián điệp mạng, sự cố mạng”.
Luật An ninh mạng cũng quy định rất chặt chẽ việc để đảm bảo chống lạm quyền và xác định rõ trách nhiệm của lực lượng có thẩm quyền trong sử dụng thông tin cá nhân để phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh mạng. Luật quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng với mục tiêu xây dựng không gian mạng lành mạnh, vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân; tránh tình trạng người sử dụng không gian mạng vi phạm một số quy định về sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin cá nhân, thậm chí nhiều người phát tán, chia sẻ thông tin không chính xác, bôi nhọ cá nhân, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
Còn theo ông Bùi Văn Xuyền, cái được lớn nhất của Luật An ninh mạng là đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi không gian mạng. “Đây là cái chúng ta cần hướng tới vì lợi ích cao hơn. Cùng với đó, cần hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến người dân. Hai cái này cần phải song song với nhau; tự do muốn làm gì thì làm nghĩa là cần đi trong hành lang pháp luật còn đi ra ngoài thì sẽ bị tuýt còi”, ông Xuyền cho biết./.