Luật “bỏ quên” nhóm người nguy cơ cao gây tai nạn giao thông

(PLO) -Xe đạp điện (ĐĐ), xe máy điện (MĐ) là phương tiện được người dân lựa chọn ngày càng nhiều. Việc sử dụng các phương tiện này không bắt buộc những điều kiện khắt khe, trong khi đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, người lớn tuổi, nhóm người được cho là có kỹ năng chạy xe hạn chế nhất. Ông Uông Việt Dũng, Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) xung quanh vấn đề này.
Ông Uông Việt Dũng
Ông Uông Việt Dũng

Xu hướng “bùng nổ” xe đạp điện, xe máy điện

- Nhiều người đang nhầm lẫn xe ĐĐ với xe MĐ, ông có thể giúp người dân phân biệt hai loại phương tiện này?

Dễ hiểu nhất có thể nhớ vắn tắt rằng xe ĐĐ là xe vận hành bằng động cơ điện, có vận tốc tối đa không vượt quá 25km/h, công suất động cơ nhỏ hơn 250W và bắt buộc phải có bàn đạp. 

Còn xe MĐ quy định tốc độ tối đa không vượt quá 50km/h; công suất động cơ dưới 4KW và tổng trọng lượng xe dưới 400kg. Luật Giao thông hiện hành quy định xe MĐ là phương tiện cơ giới đường bộ, còn xe ĐĐ là phương tiện thô sơ.

- Người dân muốn mua sản phẩm đạt chất lượng cần căn cứ vào những tiêu chí gì, thưa ông?

Trước tiên, tôi khuyên mọi người nên tìm đến các cửa hàng, đại lý uy tín để mua sản phẩm. Với xe MĐ, khi mua phải yêu cầu cửa hàng cung cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu; hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đối với xe ĐĐ, người mua yêu cầu bên bán cung cấp giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật của mẫu xe do Cục đăng kiểm cấp và có tem hợp quy dán ở khung xe. 

-Ông nhận định như nào về lượng người sử dụng hai loại phương tiện này trong tương lai?

Hiện cả nước có khoảng 2 triệu xe ĐĐ và xe MĐ. Loại hình phương tiện này phát triển ở Việt Nam từ khoảng cuối năm 2011, với những ưu điểm như: người sử dụng phương tiện không cần giấy phép lái xe, thủ tục đăng kí xe đơn giản, giá cả phương tiện vừa túi tiền nhưng đem lại nhiều tiện lợi (đạt tốc độ tương đối nhanh, độ linh hoạt cao) và các sản phẩm có mẫu mã ưa nhìn, năng động phù hợp với thị hiếu giới trẻ.

Chính vì vậy, xu hướng sử dụng xe ĐĐ, xe MĐ được dự đoán tiếp tục gia tăng nhanh chóng cả về chủng loại và số lượng, trở thành phương tiện phổ biến trên cả nước.

Tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT

- Hiện nay có quy định người từ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe MĐ, còn xe ĐĐ thì không có quy định nào. Ông nhận định như thế nào về nhóm đối tượng thường sử dụng hai loại phương tiện này?

Hiện nay, đối tượng sử dụng xe ĐĐ, xe MĐ phổ biến là trẻ em, học sinh, sinh viên, trong khi nhóm đối tượng này phần lớn còn hạn chế về pháp luật ATGT. Nguy hiểm là phần lớn học sinh chưa hề có kĩ năng điều khiển xe ĐĐ, xe MĐ. Do đó vẫn tồn tại hiện tượng vi phạm phổ biến như: chạy xe dàn hàng ngang, lấn vào làn đường xe cơ giới, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đeo tai nghe khi điều khiển phương tiện, lạng lách…

Về quy định độ tuổi sử dụng xe ĐĐ và xe MĐ, theo tôi cần có cuộc nghiên cứu cụ thể nhằm đánh giá sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em hiện nay. Từ đó có những giải pháp tổng thể.

-Theo ông, việc sử dụng hai loại phương tiện này tiềm ẩn những yếu tố nào nguy cơ mất ATGT?

Bên cạnh yếu tố phương tiện thì người điểu khiển phương tiện có liên quan đến nguy cơ mất ATGT. Thứ nhất về tốc độ của xe, trên lý thuyết xe ĐĐ được quy định tốc độ tới đa không vượt quá 25km/h. Nhưng thực tế có nhiều mẫu xe có thể chạy quá tốc độ này.

Thứ hai, chất lượng xe ĐĐ, xe MĐ hiện nay chưa được kiểm soát toàn bộ, trên thị trường vẫn còn rất nhiều sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc. Chất lượng nhóm sản phẩm này rất đáng lo ngại. 

Thứ ba, hai loại phương tiện này khi lưu thông ít tạo ra tiếng ồn nên ít gây chú ý với những người tham gia giao thông khác. Độ linh hoạt của tay lái, hệ thống phanh chưa đáp ứng an toàn cũng là nguyên nhân gây TNGT.

Không chỉ học sinh, sinh viên mà đối tượng người lớn tuổi đang sử dụng xe ĐĐ, xe MĐ ngày càng nhiều. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao do phản ứng của họ có phần hạn chế.

-Chúng ta đã có thống kê nào về TNGT liên quan đến hai loại phương tiện này chưa, thưa ông?

Hiện chưa có công trình nghiên cứu, thống kê cụ thể nào về TNGT liên quan trực tiếp đến xe ĐĐ, xe MĐ. Chúng tôi chỉ mới triển khai chương trình khảo sát về tình hình TNGT liên quan đến trẻ em tại TP.HCM, dự kiến cuối năm 2016 sẽ tổng kết đánh giá.

Thời gian tới, UBATGTQG sẽ kiến nghị thay đổi quy chế báo cáo tình hình ATGT. Trong đó nêu cụ thể những trường hợp liên quan đến xe ĐĐ và xe MĐ để có cơ sở đánh giá, tham mưu triển khai những giải pháp hiệu quả hơn.

Giải pháp an toàn “số 1” là ý thức tham gia giao thông

-Theo ông, quy định bắt buộc đăng kí xe MĐ có giúp giảm thiểu TNGT liên quan đến phương tiện này?

Việc bắt buộc đăng kí đối với xe MĐ trước hết khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó giúp cơ quan chức năng nắm bắt số lượng phương tiện, dự đoán xu hướng sắp tới để có những giải pháp quản lý kịp thời. Đồng thời qua đó kiểm soát chất lượng xe đưa vào thị trường, vì trước khi sản phẩm bán ra, muốn đăng kí phải tuân thủ hệ tiêu chuẩn kĩ thuật chặt chẽ. Bởi vậy, quy định trên chắc chắn mang lại hiệu quả nhất định. 

-Với vai trò cơ quan tham mưu, UBATGTQG có những giải pháp nào nhằm giảm thiểu TNGT liên quan đến xe ĐĐ, xe MĐ? 

Suốt bốn năm qua, UBATGTQG đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tham gia giao thông và những quy định pháp luật liên quan đến phương tiện xe MĐ, xe ĐĐ. Đặc biệt, Ủy ban phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo, các hãng xe ĐĐ và MĐ tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về luật giao thông đường bộ như cuộc thi “An toàn cùng xe ĐĐ, xe MĐ”. Phần lớn các cuộc thi được tổ chức online với những bộ đề thi trắc nghiệm bám sát bộ đề thi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Ngoài ra còn có những hình thức khác như vẽ tranh, viết bài về chủ đề ATGT.

Chúng tôi cũng chú trọng đến tuyên truyền tới phụ huynh. Bởi hiện nay phần lớn bậc cha mẹ chưa phân biệt được xe ĐĐ và MĐ. Nhiều trường hợp bố mẹ dự tính mua cho con chiếc xe ĐĐ nhưng lại vô tình mua phải chiếc xe masy điện thuộc phương tiện cơ giới mà không hay biết. Chúng tôi cũng nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc giám sát, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật trật tự ATGT.

-Công tác xử lý vi phạm đối với các phương tiện này có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Thực tế công tác xử lý vi phạm đối với các phương tiện này gặp nhiều khó khăn do người điều khiển chủ yếu là trẻ em, khó áp dụng hình phạt hành chính. Phần lớn lực lượng xử lý chỉ nhắc nhở, chú trọng việc tuyên truyền giáo dục là chính.

Phía UBATGTQG và Bộ GD&ĐT sẽ bàn bạc cụ thể nhằm triển khai những giải pháp đưa nội dung giáo dục ATGT vào chương trình giảng dạy chính khóa, kèm các buổi ngoại khóa bồi dưỡng kĩ năng tham gia giao thông.

Chúng tôi cũng sẽ tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật ATGT theo hướng chấp nhận phần thi lý thuyết giấy phép lái xe hạng A1 đối với các em bậc THPT (đủ 18 tuổi). Mục tiêu là ít nhất sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ có lượng kiến thức cơ bản về luật giao thông, có kĩ năng cơ bản điều khiển phương tiện, ít nhất là xe ĐĐ, xe MĐ.

-Theo ông, đâu là giải pháp triệt để giảm TNGT liên quan đến xe ĐĐ, xe MĐ?

Theo tôi, trước tiên các cơ quan nhà nước cần quản lý chặt chẽ thị trường xe ĐĐ, xe MĐ; xử phạt nghiêm hành vi buôn lậu xe, mua bán xe, linh kiện kém chất lượng. Tuy nhiên, giải pháp lâu bền nhất vẫn là ý thức tham gia giao thông của người dân. Để làm được điều này, chúng ta cần lộ trình với những giải pháp và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, giữa gia đình và cộng đồng.

Xin cảm ơn ông.

Đọc thêm